Tiếng Việt | English

22/02/2016 - 14:43

Báo Thái Lan: ASEAN cần ngăn chặn mưu đồ Trung Quốc ở Biển Đông

Báo Bangkok Post của Thái Lan nêu chi tiết Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa của Việt Nam và kêu gọi ASEAN đoàn kết ngăn chặn Trung Quốc.

Ngày 22/2, tờ báo Bưu điện Bangkok (Bangkok Post) của Thái Lan đã có bài xã luận với tiêu đề “ASEAN cần ngăn chặn Trung Quốc”. Bài báo này cho rằng, các hành động gây căng thẳng của Trung Quốc ở Biển Đông là mối đe dọa đối với tất cả các nước trong khu vực. Bởi vậy, các nước ASEAN cần đoàn kết để đối mặt một cách mạnh mẽ, khôn khéo trước sự bành trướng hung hăng này.

Trung Quốc bành trướng và cải tạo trái phép trên Biển Đông. Ảnh: CNN.

Trung Quốc đang tiếp tục đẩy mạnh sự hiện diện của mình trên Biển Đông với những hành động khiêu khích không cần thiết. Hồi tuần trước, trong khi lãnh đạo của các nước trong khối ASEAN đang có mặt tại California để tham dự cuộc họp thượng đỉnh Mỹ - ASEAN, đã xuất hiện nhiều chứng cứ về sự leo thang mới trong việc áp đặt bằng sức mạnh của Trung Quốc. Các bức ảnh vệ tinh cho thấy các đơn vị quân đội Trung Quốc đã hoàn tất việc lắp đặt các hệ thống tên lửa trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Trung Quốc sau đó đã xác nhận về việc triển khai các hệ thống tên lửa này và tìm mọi lý lẽ để biện minh.

Các tên lửa Trung Quốc được triển khai trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa. Trong khoảng một năm qua, Trung Quốc đã tiến hành một chiến dịch mở rộng và cải thiện một số bãi ngầm và đảo nhỏ ở cả hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Một số đảo đã được mở rộng với quy mô lớn gấp nhiều lần diện tích một sân bay. Các đường băng, tòa nhà, các khu dân cư và tất nhiên là cả các doanh trại đã được xây dựng với tốc độ nhanh gần bằng tốc độ gia tăng căng thẳng về quân sự và ngoại giao chung quanh quần đảo Trường Sa.

Trung Quốc đòi hỏi về chủ quyền đối với toàn bộ quần đảo Hoàng Sa. Tờ Bangkok Post viết: Quần đảo Hoàng Sa thực ra thuộc chủ quyền của Việt Nam, đã bị hải quân Trung Quốc chiếm đoạt trong một cuộc xâm lược vào năm 1974.

Trung Quốc đưa tên lửa Hongqi-9 ra Hoàng Sa nhằm mục đích gì?

Trung Quốc đưa tên lửa Hongqi-9 ra Hoàng Sa nhằm mục đích gì? 

 

Phải chăng Trung Quốc đưa tên lửa đất đối không Hongqi-9 ra đảo Phú Lâm ở Biển Đông chỉ là để tăng cường hiện diện quân sự tại đây?

Quần đảo Hoàng Sa nằm ở gần giữa phía bắc Việt Nam và đảo Hải Nam của Trung Quốc. Đi sâu xuống phía nam là quần đảo Trường Sa (của Việt Nam), một khu vực thậm chí gây nhiều tranh chấp hơn và nguy hiểm hơn. Đây chính là nơi chiến dịch mở rộng đảo của Trung Quốc đã gây ra nhiều sự chú ý nhất trong năm 2015. Đài Loan và một số quốc gia ASEAN là Brunei, Indonesia, Malaysia và Philippines cũng đưa ra khẳng định chủ quyền đối với một phần hoặc toàn bộ quần đảo này.

Ý đồ quân sự hóa rõ mồn một

Hồi tuần trước, công ty vệ tinh thương mại ImageSat International của Israel đã công bố hình ảnh quần đảo Hoàng Sa do vệ tinh Eros của công ty này chụp được. Các hình ảnh đã cho thấy rõ những gì mà Trung Quốc đang tiến hành trên đảo Phú Lâm. Hàng loạt bệ phóng tên lửa nằm rải rác trên bãi biển đã được các tàu vét của Trung Quốc bồi đắp hồi năm ngoái.

Các chuyên gia cho biết các đơn vị tên lửa này bao gồm các tên lửa đất đối không và đất đối đất. Điều này cho thấy ý định rõ ràng của Trung Quốc là nhằm đe đọa hoặc ngăn chặn tàu bè và máy bay đi ngang qua khu vực tranh chấp. Như thường lệ, Trung Quốc đã tìm cách bác bỏ những thông tin về sự bành trướng của mình trên Biển Đông.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã cáo buộc giới truyền thông thổi phồng vấn đề. Người phát ngôn của ông này đã bảo vệ việc xây dựng các cơ sở quân sự của Trung Quốc bằng cách nói rằng các tên lửa được triển khai “chỉ” có tầm bắn tới 200 km.

Những lo ngại về khu vực Biển Đông không hề giảm bớt. Tại cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - ASEAN, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã kêu gọi một ASEAN đoàn kết, nhưng điều này đã không thể thực hiện. Cũng không phải là không có khả năng, với Lào đang nắm vị trí Chủ tịch khối trong năm nay, ASEAN sẽ có một tiếng nói mạnh mẽ, cùng với sự ủng hộ của các quốc gia có sự phản đối Trung Quốc mạnh mẽ nhất là Việt Nam và Philippines.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tuyên bố việc lắp đặt các hệ thống tên lửa mới ở Hoàng Sa cho thấy Trung Quốc đã không giữ lời hứa với cá nhân ông. Trung Quốc tiếp tục di chuyển giàn khoan dầu khổng lồ của họ quanh khu vực quần đảo Hoàng Sa, khiêu khích Việt Nam.

Tại California, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã nói với các phóng viên Việt Nam rằng ông đã trực tiếp đề nghị Mỹ đóng một vai trò lớn hơn tại Biển Đông.

Một khối ASEAN yếu đuối là một trở ngại trong thời điểm Trung Quốc đang mở rộng sự hiện diện tại Biển Đông và Mỹ đang tập trung hơn vào Đông Nam Á. Biển Đông là mối lo ngại trực tiếp đối với tất cả các quốc gia trong khu vực và rõ ràng là ASEAN cần phải đối mặt Trung Quốc với các lựa chọn mạnh mẽ, khôn khéo./.

Quang Trung/VOV-Bangkok
Theo Bangkok Post 

Chia sẻ bài viết