Nhật sẵn sàng giúp đỡ Philippines
Theo AP, phát biểu tại Tokyo ngày 3/6, ông Benigno Aquino ca ngợi mối quan hệ sâu sắc giữa Nhật Bản và Philippines trong bối cảnh cả hai nước đều đang lo ngại về việc Trung Quốc đang đẩy mạnh việc cải tạo các bãi đá ở Biển Đông làm bàn đạp cho tham vọng độc chiếm khu vực này.
Tổng thống Aquino đặt chân xuống sân bay Tokyo bắt đầu chuyến công du 4 ngày tại Nhật Bản (Ảnh AFP)
Trong chuyến công du 4 ngày đến Nhật Bản lần này, ông Aquino dự kiến sẽ hội kiến với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vào ngày 4/6 để bàn về việc hợp tác quốc phòng và an ninh giữa hai nước.
Theo đó, Nhật Bản sẽ cung cấp 10 tàu tuần tra cho lực lượng tuần duyên Philippines để củng cố khả năng tuần tra quanh các khu vực thuộc chủ quyền của nước này ở Biển Đông.
Người phát ngôn Văn phòng Thủ tướng Nhật Bản khẳng định, việc hai nước cùng là đồng minh của Mỹ và cùng có mối quan ngại chung về những hoạt động trên biển gần đây của Trung Quốc, Nhật Bản coi Philippines là đối tác cực kỳ quan trọng của nước này.
Ngoài ra, Bộ ngoại giao Nhật Bản cho biết, ông Abe và ông Aquino sẽ bàn đến việc mở rộng hợp tác quốc phòng trên nhiều lĩnh vực khác trong đó có việc Nhật Bản chuyển giao trang thiết bị quân sự cho Philippines, nhằm tăng cường khả năng trinh sát trên biển của nước này.
“Trung Quốc không khác gì Phát xít Đức”
Khi được hỏi về tác động của chiến lược tái cân bằng của Mỹ tại châu Á đối với việc ngăn chặn mưu đồ của Trung Quốc, ông Aquino cho rằng, Mỹ sẽ đóng vai trò then chốt trong việc này.
Tổng thống Aquino cũng không ngần ngại so sánh các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông với những gì Phát xít Đức đã làm khi xâm chiếm các nước khác trong Thế chiến thứ 2.
“Nếu như Mỹ, một nước lớn, nói rằng chúng tôi không quan tâm đến vấn đề này thì sẽ không có gì có thể kiềm chế được tham vọng của Trung Quốc”, ông Aquino tuyên bố.
“Tôi chỉ là một người học sử khá amateur, dù vậy tôi vẫn nhớ về việc Đức Quốc xã đã thử phản ứng của hàng loạt các cường quốc châu Âu khi tiến hành xâm lược các nước khác ngay trước khi Thế chiến thứ 2 nổ ra”, ông Aquino nói thêm.
“Họ mới chỉ đang dò xét và sẽ rút lui ngay nếu một cường quốc như là Pháp lên tiếng”, ông Aquino khẳng định.
“Tuy nhiên, thật không may, cho đến khi Đức Quốc xã chiếm Sudetenland và Czechoslovakia, cũng không nước nào lên tiếng yêu cầu chúng dừng lại”, ông Aquino nói tiếp.
“Nếu ai đó yêu cầu Hitler hoặc Đức Quốc xã dừng lại tại thời điểm đó, có lẽ chúng ta đã tránh được Thế chiến thứ 2”, ông Aquino kết luận.
Hình ảnh vệ tinh cho thấy bãi Vành Khăn bị Trung Quốc cải tạo rầm rộ (Ảnh AP)
Tổng thống Aquino cũng cho rằng, hoạt động cải tạo các bãi đá của Trung Quốc ở Biển Đông là vi phạm luật pháp quốc tế.
Theo đó, Trung Quốc và 10 quốc gia thành viên ASEAN đã ký một thỏa thuận vào năm 2002 trong đó yêu cầu các bên kiềm chế không chiếm các bãi đá hoặc rặng san hô ở Biển Đông cũng như không xây dựng các công trình có thể làm phức tạp thêm các tranh chấp trong khu vực.
“Có lẽ Trung Quốc cần xem lại mình khi tiến hành các hoạt động cải tạo của họ để xem liệu có cần thiết phải làm leo thang căng thẳng hiện nay hay không”, ông Aquino nói.
Tuy nhiên, ông Aquino không phải là nhà lãnh đạo đầu tiên so sánh tình hình hiện nay ở khu vực Đông Á với những xung đột trên thế giới trong thế kỷ 20.
Đầu năm 2015, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe từng so sánh mối quan hệ Trung- Nhật lúc đó như tình trạng Anh và Đức ngay trước thềm Thế chiến thứ 1.
Sự đồng lòng của Mỹ và 2 đồng minh Nhật- Philippines
Những lời lẽ cứng rắn của ông Aquino tại Tokyo được đưa ra sau khi Tổng thống Obama đầu tuần này đã lên tiếng về tình hình ở Biển Đông và kêu gọi các nước lớn trong khu vực, đặc biệt là Trung Quốc không được ỷ thế chèn ép các nước nhỏ và phải tuân thủ luật pháp quốc tế.
Ông Aquino liên tục có những lời lẽ cứng rắn nhằm về phía Trung Quốc (Ảnh AFP)
Trước đó, Trung Quốc đã nhiều lần phớt lờ yêu cầu của phía Mỹ rằng nước này phải ngừng ngay mọi hoạt động cải tạo ở Biển Đông và lên tiếng bao biện rằng, các hoạt động này diễn ra trong khu vực thuộc chủ quyền của mình và nước này chỉ sử dụng các công trình mà họ xây dựng trên các đảo nhân tạo được cải tạo trái phép từ các bãi đá đó để thực thi trách nhiệm quốc tế.
Trong khi đó, Mỹ và các đồng minh tại châu Á, trong đó có Nhật Bản, đã lên tiếng cảnh báo rằng, việc Trung Quốc không tuân thủ luật pháp quốc tế có thể đe dọa đến “tự do hàng hải” trong khu vực.
Tháng trước, quân đội Trung Quốc đã phát tín hiệu radio yêu cầu máy bay trinh sát P8-A Poseidon của Mỹ phải rời khỏi khu vực mà nước này cho rằng mình có chủ quyền trên Biển Đông.
Tuy nhiên, phi công Mỹ đã phớt lờ cảnh báo này và đáp lại rằng, máy bay Mỹ đang bay trên không phận quốc tế.
Đồng quan điểm với Mỹ, Tổng thống Aquino từng tuyên bố, các máy bay thương mại và quân sự của Philippines sẽ tiếp tục bay trên các khu vực tranh chấp ở Biển Đông bất chấp cảnh báo của Trung Quốc.
“Chúng tôi vẫn sẽ bay trên các tuyến đường mà luật phép quốc tế cho phép chúng tôi bay qua”, ông Aquino khẳng định.
Ông Aquino nhấn mạnh, Philippines sẽ không từ bỏ chủ quyền của mình cho Trung Quốc dù ông nhận thức rõ sự chênh lệch về sức mạnh quân sự giữa hai nước.
Tàu USS Shiloh của Mỹ đậu tại cảng Subic của Philippines để sẵn sàng tham gia tuần tra ở Biển Đông (Ảnh Reuters)
“Chúng tôi sẽ thực thi quyền của mình trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines”, ông Aquino khẳng định.
“Chúng tôi sẽ dùng hết sức để bảo vệ chủ quyền của mình”, ông Aquino nhấn mạnh.
Ngoài ra, ông Aquino nói, Mỹ và Philippines đang hợp tác chặt chẽ với nhau, tuy nhiên ông từ chối tiết lộ chi tiết.
“Cũng như trong môn bóng rổ, bạn không thể tiết lộ mọi ý đồ của mình cho huấn luyện viên đội khác”, ông Aquino ví von./.
Trần Khánh/VOV.VN