Tăng cường dự phòng, kiểm soát dịch bệnh
Phó Giám đốc TTYT thị xã Kiến Tường - Phạm Văn Đức cho biết: “Là địa bàn giáp biên giới Campuchia, nhằm chủ động phòng, chống, không để dịch bệnh lây lan, bùng phát qua cửa khẩu, TTYT thị xã chú trọng công tác tiêm vắc-xin phòng bệnh và tuyên truyền nâng cao ý thức của nhân dân”. Trung tâm phối hợp Đài Truyền thanh, Phòng Văn hóa và Thông tin thực hiện các tin, bài, xây dựng mẩu chuyện tuyên truyền thường xuyên qua loa phát thanh trên toàn thị xã; phối hợp Phòng Giáo dục và Đào tạo tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh phổ biến như tay - chân - miệng, sốt xuất huyết, quai bị, thủy đậu, tổ chức ngày hội rửa tay cho học sinh,...
Phun thuốc phòng bệnh sốt xuất huyết trong trường học tại xã Bình Tân, thị xã Kiến Tường
Từ đầu năm, trung tâm lập kế hoạch phòng, chống dịch bệnh để chủ động nguồn nhân lực, trang thiết bị, phương tiện, máy móc, nhất là ở tuyến y tế xã, phường. Đồng thời, trung tâm tham mưu chính quyền thị xã chỉ đạo tăng cường hoạt động phòng, chống dịch tại địa phương như tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh mới nổi và tái nổi. Ngoài ra, trung tâm còn tiến hành giám sát dịch tễ, giám sát côn trùng, giám sát yếu tố nguy cơ, phát hiện sớm các ca mắc để điều trị kịp thời và tiến hành xử lý môi trường kết hợp các biện pháp tiêu diệt véc-tơ truyền bệnh.
Đặc biệt, trong phòng, chống dịch bệnh sốt suất huyết, năm qua, trung tâm tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng ở các xã, phường có nguy cơ cao, góp phần giảm nhanh mật độ muỗi và lăng quăng tại địa phương. 8/8 xã, phường phát động chiến dịch diệt muỗi và lăng quăng phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết, bệnh gây ra do vi-rút Zika và huy động các ban, ngành, đoàn thể, công chức, viên chức, học sinh tham gia míttinh và diễu hành. Bên cạnh đó, xã biên giới Bình Hiệp còn tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng với các hoạt động như vãng gia tuyên truyền, súc lu, thả cá, vệ sinh môi trường,...
“Hiện nay, hoạt động y tế dự phòng và khám, chữa bệnh của y tế xã, phường từng bước được chuẩn hóa. 100% xã có bác sĩ bảo đảm thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân tại địa bàn. Đội ngũ làm công tác dự phòng bám sát cơ sở, thường xuyên được tập huấn nâng cao kiến thức, kịp thời xử lý triệt để các ổ dịch, không để dịch lớn xảy ra. Năm 2017, các chương trình y tế của trung tâm đều được xếp loại tốt và xuất sắc” - Phó Giám đốc TTYT thị xã Kiến Tường - Phạm Văn Đức phấn khởi thông tin.
Tuyên truyền phòng, chống bệnh sốt xuất huyết tại xã Thạnh Hưng, thị xã Kiến Tường
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh, duy trì hệ thống báo cáo dịch tuyến huyện, tuyến xã định kỳ và thực hiện báo cáo trên phần mềm trực tuyến cũng như các phần mềm do tuyến huyện xây dựng, dịch bệnh được phát hiện và xử lý kịp thời. Năm 2017, không có dịch bệnh lớn xảy ra trên địa bàn thị xã; sốt xuất huyết chỉ xảy ra dịch nhỏ rải rác, số ca mắc không tăng so với năm 2016; không xảy ra bệnh dịch tả, thương hàn và cúm A/H5N1, H1N1, Ebolla,...
Làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu
Nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng bảo vệ, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, những năm qua, các cơ sở khám, chữa bệnh từ huyện đến cơ sở không ngừng được đầu tư xây dựng, cải tạo và nâng cấp. Đội ngũ y, bác sĩ được tăng cường về lực lượng, nâng cao năng lực chuyên môn và đổi mới phương thức hoạt động. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực khám, chữa bệnh được duy trì thực hiện tốt từ huyện đến xã. Phó Giám đốc TTYT huyện Bến Lức - Nguyễn Văn Đấu cho biết: “Hiện nay, địa phương hoàn thành việc kết nối liên thông cơ sở dữ liệu giữa cơ sở khám, chữa bệnh với bảo hiểm xã hội nhằm quản lý đầy đủ, chính xác thông tin về bệnh nhân và tạo thuận lợi trong thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế”.
Nhiều máy móc, thiết bị xét nghiệm nâng cao được đưa vào sử dụng tại Trung tâm Y tế huyện Bến Lức
TTYT huyện Bến Lức duy trì hoạt động tốt nhiều lĩnh vực chuyên môn mới, trong đó, nổi bật là đơn vị thận nhân tạo; phòng khám chăm sóc hô hấp (phục vụ bệnh nhân hen và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính); nội soi tai - mũi - họng; chụp X-quang kỹ thuật số;... Ngoài ra, trung tâm phối hợp Bệnh viện Đa khoa Long An triển khai kế hoạch chuyển giao kỹ thuật, góp phần nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ, viên chức và uy tín của trung tâm. Năm 2017, với sự hỗ trợ của Bệnh viện Đa khoa Long An, trung tâm tiến hành phẫu thuật 7 ca (3 ca bệnh trĩ, 3 ca thoát vị bẹn, 1 ca gãy xương đòn).
Cũng theo Phó Giám đốc TTYT huyện Bến Lức - Nguyễn Văn Đấu, nhằm không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ, trung tâm triển khai và phát động thi đua Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Quyết định 2151/BYT về việc thay đổi phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng đến sự hài lòng của bệnh nhân. Các khoa/phòng tích cực thực hiện với kế hoạch cụ thể, cán bộ, nhân viên thực hiện tốt “4 xin, 4 không, 4 luôn” với khẩu hiệu “Đến tiếp đón niềm nở, ở chăm sóc tận tình, về dặn dò chu đáo”.
Bệnh nhân lọc thận tại Trung tâm Y tế huyện Bến Lức
Đến trung tâm để khám và điều trị bệnh viêm xoang, chị Cao Thị Thùy Dương (SN 1989), ngụ ấp 3, xã Long Khê, huyện Cần Đước, chia sẻ: “Hàng tuần, tôi đều đến trung tâm để khám và lấy thuốc. Tôi thấy đội ngũ y, bác sĩ ở đây rất tận tình, chu đáo. Bệnh tình thuyên giảm nhiều nên tôi rất an tâm”. Còn anh Thạch Hoàng (SN 1978), ngụ khu phố 8, thị trấn Bến Lức, cho biết: “Đến đây, tôi được các nhân viên hướng dẫn cụ thể về thủ tục đăng ký và được các y, bác sĩ tận tình khám, chữa bệnh. Tôi rất hài lòng và tin tưởng khi đến khám và điều trị tại đây”.
Với nhiều nỗ lực trong hoạt động, chất lượng phục vụ của các TTYT tuyến huyện ngày càng được cải thiện, nâng cao. Từ đó, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, góp phần thực hiện mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh./.
An Kỳ