Tiếng Việt | English

18/04/2022 - 10:06

Bảo vệ trẻ em bằng gia đình hạnh phúc

Chăm sóc và bảo vệ trẻ em luôn là vấn đề được toàn xã hội quan tâm. Tuy nhiên, vẫn còn không ít trường hợp đáng tiếc xảy ra mà người chịu thiệt thòi lớn nhất chính là trẻ em. Gia đình, nhà trường và xã hội đều có trách nhiệm trong việc bảo vệ trẻ em nhưng chính gia đình là thành trì vững chắc, đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ con em mình.

Kết nối, yêu thương và tôn trọng

Cách đây không lâu, một người bạn cho chúng tôi xem những bức ảnh về vết bầm trên mặt và tay của con chị khi đi học về. Con bị bạn đánh trong lúc chơi ở trường, không phải chỉ một mà là nhiều lần. Qua tìm hiểu, chị biết những vết thương đó do một bạn trong lớp gây ra cho con.

Ngoài việc liên hệ với nhà trường cũng như trao đổi cùng phụ huynh của bạn, với con, chị nhẹ nhàng chăm sóc; đồng thời, dặn dò con nên tránh xa những cuộc chơi hoặc những người bạn có biểu hiện bạo lực để tự bảo vệ mình. Mỗi cuối tuần, gia đình chị mời các bạn của con đến nhà chơi. Điều đó giúp con chị xây dựng những mối quan hệ lành mạnh quanh mình và tăng kết nối giữa anh chị với con cũng như bạn bè của con. Đó là một phương pháp hiệu quả để bảo vệ con.

Thứ bảy, chủ nhật nào cũng vậy, anh chị gác mọi công việc để cùng học, cùng chơi với con và bạn của con. Gia đình nhỏ ngập tiếng cười đùa trẻ nhỏ. Vậy mới thấy gia đình có vai trò hết sức quan trọng trong việc bảo vệ trẻ em. Những đứa trẻ được sinh ra trong một mái ấm trọn vẹn, nhận được sự giáo dục đầy đủ của gia đình sẽ là những đứa trẻ văn minh, vui vẻ và hiểu phép tắc.

Vì muốn con có không gian chơi vui, không nghiện tivi hay điện thoại, vợ chồng anh Lê Quang Vinh cố gắng tạo mọi điều kiện cho con có không gian chơi yêu thích và có nhiều hoạt động phát triển thể chất

Gia đình là tổ ấm, nơi giáo dục đầu tiên cho con trẻ nên vai trò của gia đình trong việc giáo dục trẻ là rất lớn. Một phần không nhỏ tính cách của trẻ sẽ chịu ảnh hưởng từ gia đình. Trong căn nhà nhỏ của vợ chồng anh Lê Quang Vinh (ấp Đông Nhất, xã Tân Chánh, huyện Cần Đước, tỉnh Long An), ngoài không gian sinh hoạt thường thấy ở các gia đình, còn có một góc nhỏ nổi bật với những hình vẽ đẹp mắt, nhiều màu sắc: Tàu hỏa, cá heo, mèo Kitty,... Đó là góc chơi cho 2 con ở độ tuổi tiểu học và mầm non do chính tay vợ chồng anh Vinh vẽ.

Anh Vinh chia sẻ, vì muốn con có không gian chơi vui, không nghiện tivi hay điện thoại, vợ chồng anh cố gắng tạo mọi điều kiện cho con có không gian chơi yêu thích và có nhiều hoạt động phát triển thể chất. Mỗi ngày, ngoài giờ học, con trai nhỏ của anh chị chơi ở góc chơi xinh xắn hoặc tha thẩn ngoài sân với những món đồ chơi “handmade” do cha và ông nội làm tặng. Con gái lớn thì đến lớp nhảy hiện đại vào cuối buổi chiều để vừa rèn luyện thể chất, sự tự tin, vừa giảm áp lực việc học hành.

Theo anh Vinh, việc cho con học nhảy cũng xuất phát từ sở thích của con. Gia đình anh luôn có quan điểm giáo dục nhẹ nhàng trên nền tảng tôn trọng con. Chính vì vậy, chẳng mấy khi anh nặng lời hay làm đau con. Anh Vinh nói: “Khi bị người lớn đánh, con trẻ chỉ sợ lúc đó thôi chứ chưa chắc đã hiểu và nghe lời mình sau đó. Giải thích nhẹ nhàng, ngọt ngào thì con mới nghe lời”.

Buổi tối, sau giờ giải lao với chương trình hoạt hình, cả nhà anh Vinh cùng nhau học. Chị Hiền (vợ anh Vinh) dạy con gái lớn học bài. Con trai nhỏ ngồi gần đó tập tô màu cùng mẹ và chị. Riêng anh Vinh cũng dành thời gian cho việc học của mình. Anh vừa hoàn thành chương trình thạc sĩ, vừa làm, vừa học cách đây không lâu. Học theo cha, các con của anh Vinh tỏ ra rất nghiêm túc trong việc học hành, là những đứa trẻ khỏe mạnh, ngoan ngoãn và lễ phép.

Gia đình hạnh phúc là điều tiên quyết

Những đứa trẻ lớn lên trong môi trường gia đình hạnh phúc sẽ trở thành những đứa trẻ hạnh phúc. Ông Nguyễn Công Tạo (ấp Vĩnh Xuân B, xã Dương Xuân Hội, huyện Châu Thành) kể, nhà ông có 2 cháu ngoại đang độ tuổi đến trường, các cháu rất yêu thương nhau. Mỗi lần chị hai nói chuyện với em đều xưng hô “chị - em” với giọng hết sức ngọt ngào. Điều đó con học được từ gia đình, bởi ông bà ngoại và cha mẹ của các con chưa bao giờ to tiếng với nhau.

Ông Tạo cho biết, nguyên tắc giáo dục con, cháu của ông từ trước tới nay là luôn nhẹ nhàng, không lớn tiếng, đặc biệt, nếu vợ chồng ông có buồn lòng nhau chuyện gì thì góp ý cùng nhau khi chỉ có 2 người. Nếu quá giận, ông chọn cách đi nơi khác để điều hòa cảm xúc.

Ông Tạo nói: “Từ trước tới giờ, chúng tôi dạy bảo con, cháu trong nhà bằng cách khuyên bảo chứ không đánh. Nếu cháu nói điều sai, tôi giải thích cặn kẽ cho cháu nghe. Nói nhỏ nhẹ thì cháu nói theo, không cần quát nạt gì hết. Gia đình tôi tuyệt đối không dùng từ ngữ tục tĩu”.

Những đứa trẻ được sinh ra trong một mái ấm trọn vẹn, nhận được sự giáo dục đầy đủ của gia đình sẽ là những đứa trẻ văn minh, vui vẻ và hiểu phép tắc

Học theo cha mẹ, vợ chồng chị Nguyễn Thị Thanh Tuyền (con ông Tạo) cũng không bao giờ to tiếng với nhau. Trước mặt con, anh chị thể hiện sự yêu thương dành cho nhau và các con tỏ ra thích thú, vui vẻ vì điều đó. Sau ngày làm việc, anh chị dành thời gian chơi với con, đọc sách cho con nghe. Vừa đọc, chị Tuyền vừa hỏi con những câu hỏi gợi ý, rồi cả nhà cùng nhau thảo luận. Biết con gái lớn tính tình nhút nhát, chị Tuyền trò chuyện cùng con mỗi tối trước khi đi ngủ, căn dặn con những việc nên làm, khen ngợi để bồi dưỡng sự tự tin cho con.

Những đứa trẻ lớn lên trong gia đình anh Vinh, gia đình chị Tuyền đều kháu khỉnh, hoạt bát và lễ phép. Các bé được gia đình chăm sóc, bảo vệ, tạo mọi điều kiện để phát triển toàn diện và đầy đủ nhất. Sự thiếu vắng một mái ấm đúng nghĩa hoặc lớn lên trong gia đình không trọn vẹn dễ ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ. Có thể thấy, việc quan tâm, chăm sóc của cha mẹ đối với trẻ là hết sức quan trọng.

Trong thời đại công nghệ bùng nổ như hiện nay, cha mẹ càng phải theo sát con để kịp thời định hướng, quản lý khi trẻ tiếp cận Internet. Có không ít trường hợp do cha mẹ chủ quan, để con tiếp cận với thiết bị điện tử quá nhiều khiến trẻ rơi vào tình trạng chậm nói, kỹ năng giao tiếp kém phát triển. Những trường hợp như vậy ngày càng trở nên phổ biến trong xã hội hiện đại.

Không chỉ vậy, việc cha mẹ thiếu quan tâm hoặc trẻ sống trong môi trường gia đình không đầm ấm rất có thể gây ra cho trẻ nhiều mối nguy hiểm khác nhau, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng. Cuối năm 2021, đầu năm 2022, dư luận xã hội rúng động trước nhiều vụ bạo hành trẻ em xảy ra liên tiếp. Các nạn nhân bị cha dượng, mẹ kế bạo hành dẫn đến tử vong. Kẻ thủ ác sẽ bị xử lý thích đáng, nhưng câu chuyện còn lại chính là... nếu gia đình nơi đứa trẻ được sinh ra vẹn tròn, đầm ấm thì câu chuyện các em bị bạo hành bởi “kẻ đến sau” của cha, mẹ mình hẳn đã không thể xảy ra.

Đứa trẻ vốn không thể chọn cho mình nơi và người sinh ra. Gia đình hay các bậc cha mẹ cần có trách nhiệm trong việc chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ. Nhưng muốn làm được điều đó, gia đình phải thực sự là tổ ấm, phải có sự quan tâm, yêu thương của các thành viên dành cho nhau. Làm được như vậy, trẻ mới được bảo vệ và chăm sóc một cách tốt nhất./.

Sau nhiều sự việc liên quan đến trẻ em, gần đây, tôi nhận ra rằng các bậc làm cha, làm mẹ nên tôn trọng, dành thời gian chia sẻ, không nên áp đặt và luôn lắng nghe ý kiến của con. Vì quả thật, ai sinh ra cũng đều là một con người, một cá thể và một tính cách, khả năng sinh tồn trời phú khác nhau. Đặc biệt nhất là ai cũng có quyền tự do, lựa chọn và phải tự chịu trách nhiệm với điều mình đã chọn hay làm”.

Ngô Minh Hiếu (Hiếu PC) chia sẻ trên trang cá nhân

Gần nơi tôi ở có bé 3 tuổi, cha mẹ bận nên gửi cho ông bà, bé xem tivi nhiều quá nên mãi chưa nói chuyện được. Trong khi bạn bè cùng trang lứa đã nói thạo và đến trường thì bé vẫn phải ở nhà. Sự quan tâm, giáo dục của gia đình đối với trẻ là hết sức quan trọng vì trẻ gắn bó với gia đình từ những năm tháng đầu đời. Các em sẽ quen với nề nếp của gia đình ngay từ bé. Những học sinh nào được cha mẹ quan tâm hầu hết đều ngoan ngoãn, học tốt. Ngược lại, học sinh cá biệt thường là những em thiếu sự quan tâm từ phía gia đình”.

Cô Đặng Thị Thu Hiền - giáo viên Trường Tiểu học Tân Chánh, xã Tân Chánh, huyện Cần Đước

Hạnh phúc gia đình là sự tổng hòa của hạnh phúc các thành viên trong gia đình. Để giữ gìn hạnh phúc gia đình, chúng ta cần phải có những hành động cụ thể sau:

1. Luôn duy trì tình cảm với những cử chỉ lãng mạn

Đây là một trong những yếu tố để giữ gìn hạnh phúc gia đình luôn được bền vững. Bạn cần thỉnh thoảng hâm nóng lại tình cảm vợ chồng nên đan xen những giây phút lãng mạn, những không gian riêng chỉ có hai người với nhau,...

2. Luôn lắng nghe và thấu hiểu

Vợ chồng bạn chỉ cần vui vẻ, cởi mở, tâm sự với nhau về mọi chuyện, mọi suy nghĩ, những mong muốn,... để cùng nhau lắng nghe và hiểu về nhau hơn. Có như vậy sẽ càng yêu thương và gắn bó bên nhau.

3. Luôn chia sẻ và có trách nhiệm

Một trong những bí quyết giữ hạnh phúc trong gia đình không thể bỏ qua đó chính là việc cả hai người phải luôn chia sẻ; đồng thời, phải có trách nhiệm với nhau trong mọi hoàn cảnh và cuộc sống, đặc biệt là phải có trách nhiệm với gia đình mình.

(Theo bài viết Làm gì để giữ gìn hạnh phúc gia đình bền vững - Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch)

Quế Lâm

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích