Tiếng Việt | English

09/04/2019 - 14:56

Bầu cử Quốc hội Israel “khó lường”- Trung Đông hồi hộp

Theo giới chuyên gia, kết quả cuộc bầu cử này rất khó đoán và nó sẽ có tác động lớn đến những mối quan hệ ở khu vực Trung Đông.

Vào lúc 8h sáng 09/4 (theo giờ địa phương), tức 12 giờ trưa 09/4 (theo giờ Việt Nam), khoảng 6,34 triệu cử tri Israel bắt đầu đi bỏ phiếu, để bầu ra Quốc hội mới, nhiệm kỳ thứ 21, với 120 thành viên được chọn ra từ 39 Đảng phái chính trị khác nhau. Theo giới chuyên gia, kết quả cuộc bầu cử này rất khó đoán và nó sẽ có tác động lớn đến những mối quan hệ ở khu vực Trung Đông.

Bầu cử Israel. Ảnh: Reuters.

Bầu cử Israel. Ảnh: Reuters.

Israel tổ chức bầu cử

Hôm nay (9/4), cử tri Israel có 14 tiếng đồng hồ, để bỏ phiếu tại 10.720 điểm trên toàn quốc, tính bắt đầu từ 8h sáng đến 22h tối cùng ngày. Trước đó, hồi cuối tháng 3, khoảng 5.000 nhà ngoại giao Israel tại 96 đại sứ quán và lãnh sự quán trên toàn thế giới cũng đã tham gia bỏ phiếu sớm. Trong khi, lực lượng phòng vệ Israel cũng đã bắt đầu bỏ phiếu từ ngày 7/4, và được bỏ phiếu trong vòng 72 tiếng đồng hồ, do tính chất đặc thù công việc.

Kết quả các cuộc thăm dò trước bầu cử

Hiện chính trường Israel cơ bản thiên về 2 khối là khối trung tả và khối cánh hữu. Theo kết quả thăm dò dư luận, khối trung tả đứng đầu là đảng Xanh - Trắng, cùng Công đảng và 1 số đảng khác…dự kiến sẽ giành được tổng cộng khoảng 54 ghế. Trong khi, Khối cánh hữu do đảng Likud của Thủ tướng Israel Netanyahu đứng đầu, cùng một số Đảng cánh hữu hoặc có khuynh hướng cánh hữu khác, được dự báo có thể giành được 66 ghế còn lại trong Quốc hội mới.

Nếu kết quả bầu cử đúng như vậy, Thủ tướng Netanyahu và đảng Likud vẫn nắm ưu thế “nhất định” trong việc thành lập chính phủ mới, bất chấp đảng Likud có thể giành được ít ghế hơn đảng Xanh-Trắng do ông Benny-Gantz lãnh đạo. Điều này đồng nghĩa, trong 2 ứng cử viên sáng giá nhất, chiếc ghế Thủ tướng vẫn đang gần với ông Netanyahu hơn so với ông Benny-Gantz.

Thách thức và cơ hội cho 2 ứng cử viên hàng đầu

Tuy nhiên, Thủ tướng Netanyahu vẫn phải đối mặt với 1 số thách thức, khó khăn. Trước tiên, nhiều người dân Israel đang có tâm lý muốn “đổi gió”, hi vọng vào 1 chính quyền mới, với những chính sách mới. Với họ, 4 nhiệm kỳ hay 13 năm nắm quyền của ông Netanyahu đã đủ. Không những thế, 1 phần dân chúng Israel lại đang rất bất bình với 3 cáo buộc tham nhũng lớn, nhằm vào vị đương kim Thủ tướng này.

“Tôi cảm thấy đất nước thời gian qua không tập trung vào các công ty khởi nghiệp, không có sự đổi mới nào. Hơn tất cả, Israel là 1 quốc gia khởi nghiệp. Tôi muốn đất nước đầu tư nhiều hơn cho công nghệ, cho doanh nghiệp. Vấn nạn tham nhũng cũng cần được giải quyết. Đó là lý do tôi sẽ bỏ phiếu cho sự thay đổi trong chính quyền”, một người dân cho biết.

Những thách thức đã khiến Đảng Likud của Thủ tướng Israel bị sụt giảm sự ủng hộ trong 1 cuộc thăm dò mới nhất, kém lượng ủng hộ nhất định so với Đảng Xanh – Trắng của ông Benny-Gantz. Bởi vậy, đến tận ngày hôm qua (8/4), 1 ngày trước bầu cử, Thủ tướng Netanyahu vẫn ra sức kêu gọi người dân bầu cho ông và Đảng Likud.

“Hiện tại chúng tôi đang đứng sau đối thủ 1 vài ghế trong Quốc hội. Chỉ có 1 cách duy nhất là phải thu hẹp khoảng cách, để đảm bảo rằng Likud sẽ đứng ra thành lập chính phủ tiếp theo và nó cần có 1 lượng đông đảo thành viên Likud”, ông nói.

Tuy nhiên, đảng Likud và ông Netanyahu vẫn có những “cú hích”, để vượt lên đối thủ, với việc đề cao các vấn đề chủ quyền quốc gia, những chính sách cứng rắn với Iran – một kình địch của nước này tại khu vực. Được Mỹ công nhận chủ quyền đối những vùng lãnh thổ chiếm đóng như Cao nguyên Golan, thành phố Jerusalem, ông Netanyahu như được tiếp thêm sức mạnh, để có được là phiếu của những cử tri cánh hữu - vốn ủng hộ ông bấy lâu nay. Cộng thêm việc mới đây ông tuyên bố sẽ xem xét việc tiến hành sáp nhập các khu định cư chiếm đóng ở Bờ Tây nếu đắc cử, đã làm tăng lượng cử tri ủng hộ ông.

Nắm bắt được những điểm mạnh, điểm yếu của đối thủ, Chủ tịch Đảng Xanh – Trăng, ông Benny-Gantz đã đưa ra khẩu hiệu tranh cử “Đã đủ rồi”, nhằm kêu gọi cử tri chọn ông làm 1 lãnh đạo mới cho đất nước. Với những lời hứa sẽ thay đổi đất nước nếu trở thành Thủ tướng, ông Benny-Gantz muốn sửa đổi luật quốc gia-nhà nước, muốn trao quyền nhiều hơn cho Quốc hội và người dân trước những quyết định quan trọng và hướng tới thúc đẩy đối thoại với các lãnh đạo Arab để giải quyết vấn đề Palestine, dựa trên việc đảm bảo lợi ích an ninh của Israel.

Tuy nhiên, các nội dung ông Benny-Gantz đưa ra được đánh giá là chưa đủ đặc sắc, nhất là chương trình kinh tế, để thuyết phục được cử tri cánh hữu quay sang ủng hộ ông, cũng như chưa đủ giúp đảng Xanh-Trắng giành được số ghế cách biệt đủ lớn so với đảng Likud, để chiếm lợi thế trong thành lập chính phủ liên minh.

Vai trò của cử tri Arab

Dù các kết quả thăm dò dư luận liên tục được công bố, song bầu cử Quốc hội Israel lần thứ 21 vẫn được đánh giá sẽ có những yếu tố bất ngờ. 1/5 lượng cử tri Israel, là người Arab, cũng đang muốn có được 14 ghế trong Quốc hội nhiệm kỳ mới.

Theo Thời báo New York của Mỹ, kết quả cuộc bầu cử Israel sẽ có những ảnh hưởng đến tình hình khu vực Trung Đông. Trước mắt, nó có thể làm “đảo lộn” Thỏa thuận thế kỷ, hay còn gọi là Kế hoạch hòa bình Trung Đông của Mỹ. Chẳng vậy mà, cố vấn cấp cao Mỹ Jared Kushner, đồng thời là con rể Tổng thống Mỹ Trump, đã phải đợi đến sau cuộc bầu cử Israel mới công bố ý tưởng của mình.

Tờ báo nhận định, trong trường hợp Thủ tướng Israel đắc cử nhiệm kỳ 5, song phải liên minh với các Đảng cánh hữu, thì bất kỳ sự nhượng bộ nào về chủ quyền với Palestine sẽ khó lòng “qua cửa”. Trong khi, trường hợp ông Benny-Gantz giành được chức vụ cao nhất, chính sách với Palestine sẽ trở nên mềm mỏng hơn với việc ưu tiên đối thoại. Do đó, những tuyên bố gây tranh cãi của Mỹ gần đây cũng sẽ phải chỉnh sửa ít nhiều. Dù không lên tiếng nhiều về cuộc bầu cử, song chắc chắn Trung Đông nói chung và Palestine nói riêng cũng đang rất nóng lòng chờ đợi kết quả của cuộc bầu cử Israel./.

Theo VOV.VN

Chia sẻ bài viết