Tiếng Việt | English

07/06/2021 - 10:29

Bí thư Tỉnh ủy Long An đầu tiên - Huỳnh Châu Sổ

Huỳnh Châu Sổ còn có các bí danh khác là Huỳnh Văn An, Hoàng Châu, Võ Hoàng Anh, Năm Bê. Ông sinh năm 1923, tại làng Bình Đức, quận Thủ Thừa, tỉnh Tân An (nay là xã Bình Đức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An), trong một gia đình trung nông. Ông tham gia cách mạng giai đoạn tiền khởi nghĩa khi mới hơn 20 tuổi và được kết nạp Đảng năm 1946.

Chân dung Bí thư Tỉnh ủy Long An đầu tiên - Huỳnh Châu Sổ

Chân dung Bí thư Tỉnh ủy Long An đầu tiên - Huỳnh Châu Sổ

Cùng Thủ Thừa qua giai đoạn khó khăn

Khi mới 23 tuổi, ông trở thành Phó Bí thư Huyện ủy, Trưởng Công an huyện Thủ Thừa. Năm 1949, ông là Bí thư Huyện ủy Thủ Thừa. 1 năm sau, ông trở thành Tỉnh ủy viên chính thức, Bí thư Huyện ủy Thủ Thừa. Giai đoạn này, sau thất bại ở chiến trường biên giới Thu Đông, thực dân Pháp “đẩy mạnh cuộc chiến tranh xâm lược với phương châm cứ tiến lên bằng đại bác” (Lịch sử Đảng bộ tỉnh Long An). Sách Lịch sử Đảng bộ tỉnh Long An miêu tả, giai đoạn này địch tấn công ta bằng cả kinh tế, chính trị và quân sự, bao vây cô lập Khu 7, Khu 9 bằng cách kiểm soát chặt Khu 8.

Tại Tân An, địch củng cố chính quyền tay sai, xây dựng thêm đồn bót, kiểm soát gắt gao khu vực sông Tiền và sông Vàm Cỏ. Tại các vùng căn cứ của ta, địch tập kích bắn giết cán bộ, đốt phá kho tàng công sở. Tại huyện Châu Thành và Thủ Thừa, cán bộ bị lộ không còn tới 100 người mỗi huyện.

Trước tình hình đó, Đảng ta tổ chức sắp xếp lại tổ chức Đảng, lãnh đạo nhân dân đấu tranh quyết liệt với địch. Từ tháng 6-1951, các địa phương và đơn vị vũ trang ở Nam bộ tập trung sắp xếp lại tổ chức Đảng, các cơ quan kháng chiến, các đơn vị vũ trang. Đồng chí Huỳnh Châu Sổ tiếp tục được tín nhiệm làm Bí thư Huyện ủy Thủ Thừa.

Sang năm 1952, địch tiếp tục bình định. Thủ Thừa lúc bấy giờ bị kiểm soát chặt chẽ. Giặc vơ vét lúa gạo, tiền của và bắt lính cũng như kiểm soát gắt gao. Đây là thời điểm Tỉnh ủy viên Mỹ Tho, Bí thư Huyện ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính huyện Thủ Thừa - Huỳnh Châu Sổ thể hiện bản lĩnh của mình.

Lịch sử Đảng bộ tỉnh Long An ghi rõ: “Đồng chí Huỳnh Châu Sổ (Hoàng Châu), Tỉnh ủy viên Mỹ Tho, Bí thư Huyện ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính huyện Thủ Thừa trực tiếp về từng xã để phổ biến nghị quyết của Tỉnh ủy, kiểm điểm tình hình địch - ta, tự phê bình và phê bình, đề ra chương trình tiến công địch, chuyển thế từ vùng tạm chiếm lên vùng du kích, từ thế du kích yếu hơn địch lên ngang địch và mạnh hơn địch, giành thế chủ động ở một số ấp… Bộ đội địa phương và du kích xã dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Huyện ủy và chi bộ xã đã tích cực chiến đấu, chống địch càn quét, lấn chiếm, hỗ trợ cho nhân dân đấu tranh chống địch bắt lính, bắt xâu, thu thuế, cướp vét tài sản”.

Tại phường 6, TP.Tân An có con đường mang tên Huỳnh Châu Sổ

Tại phường 6, TP.Tân An có con đường mang tên Huỳnh Châu Sổ

Bí thư Tỉnh ủy Long An đầu tiên

Năm 1954, Đảng bộ Tân An và Đảng bộ Chợ Lớn được thành lập thay cho Gia Định Ninh và Bà Chợ. Đồng chí Huỳnh Châu Sổ làm Phó Bí thư rồi Bí thư Tỉnh ủy Tân An. Đến tháng 8/1957, tỉnh Long An và Đảng bộ tỉnh được thành lập và là tỉnh có địa thế chiến lược. Đồng chí Huỳnh Châu Sổ được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy Long An đầu tiên. Lịch sử Đảng bộ tỉnh Long An viết: “Đảng bộ Long An được xây dựng trên cơ sở kế thừa cả về tổ chức và lực lượng của Đảng bộ Tân An, Chợ Lớn. Tỉnh ủy Long An đầu tiên có Bí thư là đồng chí Huỳnh Châu Sổ (bí danh là Năm Bê, trước đó là Bí thư tỉnh Tân An)”.

Địch tiếp tục tăng cường tố cộng, diệt cộng, cướp đoạt ruộng đất của nông dân, càn quét giết hại đảng viên. Có thể nói, Đảng bộ Long An được thành lập trong một giai đoạn hết sức khó khăn. Đứng trước tình hình đó, Tỉnh ủy Long An, đứng đầu là Bí thư Huỳnh Châu Sổ chủ trương phải xây dựng, củng cố đảng bộ vững mạnh cả về tổ chức và lực lượng; tập trung ưu tiên cho xây dựng lực lượng vũ trang cả về chất lượng và số lượng.

Đến năm 1959, Long An khôi phục được một số cứ địa quan trọng, hạn chế được rất nhiều sự khủng bố của địch đối với lực lượng cách mạng và nhân dân, tạo cơ sở vững chắc cho những bước đi tiếp theo. Lịch sử Đảng bộ tỉnh Long An có đoạn chép: “Thời gian từ cuối năm 1957 đến cuối năm 1959 không phải là dài và Long An chưa thực sự bước vào cuộc kháng chiến, nhưng về lãnh đạo, Đảng bộ Long An đã có những bước trưởng thành và thu được những kinh nghiệm rất quý báu”.

Tháng 12/1959, ông Huỳnh Châu Sổ được cấp trên điều về Khu 8, là Liên tỉnh ủy viên Khu trung Nam bộ (Khu 8) phụ trách an ninh và quân sự. Ông kinh qua nhiều vị trí lãnh đạo khác nhau tại Khu 8. Từ tháng 9/1976, ông là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Thanh tra của Chính phủ và được đề bạt Chủ nhiệm Ủy ban Thanh tra của Chính phủ.

Trong Tiểu sử tên đường thị xã Tân An có đoạn nhận xét về ông Huỳnh Châu Sổ như sau: “Huỳnh Châu Sổ có nhiều đóng góp quan trọng trong lãnh đạo ở chiến trường Khu 8 và các nhiệm vụ được phân công. Ông đã được Đảng và Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Huân chương Quyết thắng hạng Nhất, Huân chương Hồ Chí Minh”. Ông mất vào năm 2000 tại TP.HCM, thọ 77 tuổi./.

Quế Lâm

* Bài viết có sử dụng nhiều thông tin tham khảo từ: Sách Lịch sử Đảng bộ tỉnh Long An và sách Tiểu sử tên đường thị xã Tân An, 2007 - Tư liệu Bảo tàng - Thư viện tỉnh Long An.

Chia sẻ bài viết