Tiếng Việt | English

26/10/2018 - 14:48

Các dự án tái định cư có chuyển biến tích cực nhưng còn chậm

Những dự án (DA) tái định cư (TĐC) của các DA đầu tư ngoài ngân sách từng là tâm điểm bức xúc trong nhân dân đã có những chuyển biến tích cực sau 1 năm thực hiện Nghị quyết số 77/NQ-HĐND tỉnh Long An về giám sát và tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với việc xây dựng các khu TĐC của các DA đầu tư ngoài ngân sách trên địa bàn tỉnh (Nghị quyết 77).

Nhiều khu tái định cư tiến độ thực hiện rất chậm so với cam kết

Nhiều khu tái định cư tiến độ thực hiện rất chậm so với cam kết

Từ bức xúc của người dân trong vùng dự án

Nhiều năm qua, Long An luôn quan tâm công tác thu hút đầu tư và đạt những kết quả tích cực, đóng góp rất lớn vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng GRDP cũng như đẩy mạnh kết cấu hạ tầng KT-XH, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Gắn liền với công tác thu hút đầu tư, việc xây dựng các khu TĐC nhìn chung được các ngành chức năng của tỉnh, địa phương và chủ đầu tư cố gắng thực hiện. Một số khu TĐC cơ bản hoàn thành, bàn giao nền cho người dân thuộc diện TĐC vào xây dựng nhà ở khang trang, ổn định cuộc sống.

Tuy nhiên, qua ghi nhận tại các khu TĐC, hiện nay việc triển khai còn rất chậm, không đáp ứng như cam kết ban đầu, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng ở một số DA vẫn còn dở dang, chưa hoàn thành việc giao nền và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân. Tại huyện Đức Hòa, hầu hết các khu TĐC thực hiện còn chậm trễ, hạ tầng kỹ thuật chưa hoàn thiện, người dân chịu nhiều thiệt thòi. Như tại Khu TĐC Xuyên Á, mặc dù thực hiện DA từ năm 2009 nhưng đến nay, khu TĐC này chưa hoàn chỉnh về hạ tầng kỹ thuật lẫn hạ tầng xã hội, hệ thống giao thông nội ô chưa được thảm nhựa dẫn đến hư hỏng, xuống cấp; chưa có hệ thống chiếu sáng; cây xanh, trường mẫu giáo, công viên chưa được đầu tư xây dựng.

Theo bà Nguyễn Ngọc Mỹ, ngụ ấp Mới 2, xã Mỹ Hạnh Nam, vào ở trong khu TĐC từ năm 2009 đến nay nhưng những hộ được TĐC còn gặp rất nhiều khó khăn, so với cam kết ban đầu thì đến nay rất chậm trễ, người dân chịu nhiều thiệt thòi. Còn tại khu dân cư - TĐC của Công ty Cổ phần Đại Lộc Long An, xã Mỹ Hạnh Nam, với diện tích gần 50ha, được triển khai từ năm 2009 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, nhiều khu vực trong DA việc bồi thường còn tình trạng “da beo”, có thời điểm người dân đồng thuận bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư nhưng nhà đầu tư lại không có năng lực tài chính dẫn đến DA kéo dài. Nhưng 3 năm sau, công ty lại được chấp thuận chủ trương cho mở rộng DA càng gây bức xúc trong nhân dân. Tương tự là các DA TĐC tại huyện Bến Lức, Cần Giuộc, hầu hết các DA TĐC vẫn chưa hoàn chỉnh như cam kết ban đầu, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi chính đáng của người dân dẫn đến khiếu nại, khiếu kiện.

Trước thực trạng đó, Thường trực HĐND tỉnh đã tổ chức các đoàn giám sát để đánh giá đúng thực trạng cũng như tìm giải pháp khắc phục khó khăn, đẩy nhanh tiến độ tại các DA TĐC của các DA đầu tư ngoài ngân sách. Qua giám sát, HĐND tỉnh xác định nguyên nhân của những hạn chế, bất cập trên là do chính sách, pháp luật về bồi thường, hỗ trợ TĐC thiếu ổn định, việc cụ thể hóa các quy định về bồi thường, hỗ trợ TĐC của tỉnh có lúc còn chậm, chưa sát tình hình thực tế, khâu thẩm định còn hạn chế, nhất là chưa nắm vững năng lực tài chính của chủ đầu tư. Khi cho chủ trương thực hiện DA TĐC và DA chính song song nhưng thiếu sự ràng buộc chặt chẽ về pháp lý dẫn đến các chủ đầu tư chỉ tập trung, quan tâm thực hiện DA chính, lơ là trách nhiệm thực hiện DA TĐC. Cũng từ giám sát của HĐND tỉnh, đến nay, việc đầu tư tại các khu TĐC bước đầu có những chuyển biến tích cực.

Bước đầu có những chuyển biến tích cực

Theo Phó Chủ tịch HĐND tỉnh - Nguyễn Thanh Cang, sau gần 1 năm HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết 77, HĐND tỉnh tiếp tục tổ chức các đoàn tái giám sát thực tế tại 12 trong số 47 DA đầu tư ngoài ngân sách có bố trí TĐC tại các huyện vùng kinh tế trọng điểm: Cần Giuộc, Bến Lức, Đức Hòa,... Qua giám sát cho thấy, tại các khu TĐC chậm tiến độ gây bức xúc trong nhân dân trước đây, nay đã có sự chuyển biến khá tích cực. Đặc biệt, số lượng nền TĐC và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho người dân tăng lên đáng kể, hiện đã giao 16.896/18.626 lô nền; cấp 15.470 GCNQSDĐ cho chủ đầu tư và chủ đầu tư đã giao 13.840 GCNQSDĐ cho người dân; tiến độ đầu tư hạ tầng kỹ thuật tại một số DA tiến triển nhanh so với thời điểm cuối năm 2017.

Nếu như trước đây, DA TĐC Mỹ Yên, huyện Bến Lức do Công ty TNHH Hoa Viên Gò Đen làm chủ đầu tư, người dân phản ánh rất nhiều khi hạ tầng kỹ thuật, giao thông tại DA này thiếu hoàn chỉnh, đường bụi mịt mù thì nay, Khu TĐC Mỹ Yên đã xây dựng hạ tầng kỹ thuật tương đối hoàn chỉnh, giao đầy đủ GCNQSDĐ cho người dân có nền TĐC. Hay như tại Khu TĐC Phát Hải, xã Phước Lý, huyện Cần Giuộc, thời điểm cuối năm 2017, đây vẫn còn là bãi đất trống ngổn ngang chưa hoàn thiện công tác san lấp mặt bằng thì sau 1 năm, hạ tầng kỹ thuật đã hoàn thiện được khoảng 95%, đơn vị đầu tư cũng đang thi công tuyến đường đấu nối từ khu TĐC ra đường tỉnh 835B.

Theo đánh giá của HĐND tỉnh qua các lần giám sát và tái giám sát thì tại hầu hết các khu TĐC vẫn còn nhiều vấn đề chưa được giải quyết, gây bức xúc trong nhân dân. Một số DA tuy có chuyển biến nhưng rất chậm. Có DA được gia hạn nhiều lần nhưng chủ đầu tư vẫn không triển khai theo đúng kế hoạch, trong khi đó, các DA này chưa bị xử lý nghiêm hoặc cần thiết phải ra quyết định thu hồi DA theo quy định.

HĐND tỉnh tổ chức nhiều đoàn giám sát, tái giám sát đối với các dự án tái định cư trên địa bàn tỉnh

HĐND tỉnh tổ chức nhiều đoàn giám sát, tái giám sát đối với các dự án tái định cư trên địa bàn tỉnh

Trước thực trạng tại các khu TĐC đầu tư ngoài ngân sách nhà nước hiện nay, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Văn Được khẳng định, đối với những DA chủ đầu tư không có năng lực, để DA kéo dài, quan điểm của UBND tỉnh là kiên quyết thu hồi. Tuy nhiên, trước khi thực hiện thu hồi, cần xem xét bảo đảm mọi yếu tố trên nguyên tắc đặt lợi ích của người dân lên trên hết, tránh để lại những hệ lụy sau khi thu hồi DA. Đối với những DA chủ đầu tư thực hiện không tốt gây bức xúc, tỉnh sẽ kiên quyết từ chối không tiếp nhận khi đăng ký thực hiện DA khác tại địa phương. Bên cạnh đó, để thực hiện hiệu quả Nghị quyết 77, hàng năm, tỉnh đều thành lập tổ rà soát đối với các DA, chuyển nhà đầu tư hoặc xem xét xóa quy hoạch. Năm 2017, lãnh đạo UBND tỉnh trực tiếp chủ trì 2 đoàn công tác nắm tình hình tại các địa phương, nhất là các huyện vùng kinh tế trọng điểm phát triển công nghiệp của tỉnh để phối hợp các chủ đầu tư giải quyết khó khăn cho từng DA cụ thể, nhất là các DA chậm triển khai, kéo dài gây khiếu kiện, bức xúc trong nhân dân.

Xét một cách toàn diện, 1 năm qua, việc triển khai các DA TĐC của các DA đầu tư ngoài ngân sách cơ bản đang có bước chuyển biến tích cực theo đúng tinh thần Nghị quyết 77. Tuy nhiên, để các DA TĐC thực sự trở thành “mái nhà”, là nơi người dân có cuộc sống tốt hơn, chắc chắn sẽ còn rất nhiều việc phải làm, cần sự phối hợp, chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh đối với các địa phương cũng các chủ đầu tư đang triển khai DA./.

Kiên Định

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích