Tiếng Việt | English

02/05/2018 - 16:49

Các nước thành viên EU bất đồng về kế hoạch ngân sách hậu Brexit

Dự trù ngân sách đầu tiên của liên minh sau khi Anh rời khỏi EU (Brexit) đang có nguy cơ vấp phải sự phản đối của nhiều nước thành viên.

Ủy viên phụ trách ngân sách EU Guenther Oettinger. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 02/5, Liên minh châu Âu (EU) công bố kế hoạch tài chính cho giai đoạn 2021-2027.

Tuy nhiên, dự trù ngân sách đầu tiên của liên minh sau khi Anh rời khỏi EU (Brexit) đang có nguy cơ vấp phải sự phản đối của nhiều nước thành viên.

Theo thông báo của Ủy ban châu Âu (EC), ngân sách cho giai đoạn 2021-2027 được dự trù ở mức 1.000 tỉ euro (khoảng 1.200 tỉ USD).

EC công bố bản kế hoạch trên sau nhiều tháng đàm phán khó khăn với chính phủ 27 nước thành viên.

Ủy viên Ngân sách EU Guenther Oettinger cho biết EU sẽ cần cắt giảm nhiều khoản chi tiêu cũng như cần tăng mức đóng góp của các nước thành viên để bù vào phần thiếu hụt 12-14 tỉ euro khoản đóng góp của Anh mất đi sau khi nước này rời khỏi "mái nhà chung" trong năm tới.

Ngân sách cho giai đoạn 2014-2020 của EU tương đương với 1% Tổng sản phẩm thu nhập quốc nội (GDP) của các nước thành viên và quan chức EU kêu gọi tăng mức này lên "1,1-1,2%" trong giai đoạn 2021-2027. Trong khi đó, một số nguồn tin cho biết các khoản cắt giảm chi tiêu sẽ là dưới 10%.

Theo giới chuyên gia, cắt giảm sẽ đánh vào hai lĩnh vực chi tiêu lớn nhất chiếm gần 3/4 toàn bộ chi phí của EU, gồm quỹ hỗ trợ phát triển các nước Đông Âu nghèo hơn trong liên minh (chiếm 35% chi tiêu của EU) và Chính sách Nông nghiệp chung của EU (37%).

Brussels đang nỗ lực thông qua ngân sách này trước các cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) vào tháng 5/2019, tuy nhiên vấp phải nhiều phản đối từ một số nước thành viên.

Các nước như Áo và Hà Lan đã tuyên bố sẵn sàng phản đối mọi đề nghị tăng mức đóng góp, trong khi Pháp và Đức cho biết sẵn sàng tăng phần của mình.

Các nước Nam Âu như Tây Ban Nha và Italy yêu cầu EU cân đối lại các mục tiêu chi ngân sách, chú trọng hơn tới vấn đề giải quyết nạn thất nghiệp trong giới trẻ mà các nước này đang phải đối mặt.

Ba Lan và Hungary cũng chỉ trích EU sử dụng ngân sách như một công cụ gia tăng sức ép chính trị.

Sau khi Anh rời EU, dự kiến vào tháng 3/2019, EU sẽ mất đi một trong những quốc gia đóng góp tài chính lớn nhất đúng vào thời điểm liên minh này đang có kế hoạch tăng chi ngân sách cho một số lĩnh vực như quốc phòng và vấn đề người di cư./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết