Công tác cải cách hành chính (CCHC) được xem là nhiệm vụ then chốt trong việc thúc đẩy phát triển KT-XH. Theo đó, nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách mới được cụ thể hóa trong các đề án, quy hoạch, kế hoạch, chương trình phát triển KT-XH nhằm thu hút đầu tư, giải phóng mặt bằng, xây dựng khu công nghiệp, hỗ trợ các thành phần kinh tế phát triển, tạo hành lang pháp lý thông thoáng, thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp, nhà đầu tư và nâng cao đời sống người dân.
Tuy nhiên, công tác CCHC vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, cụ thể là chất lượng, hiệu quả chưa cao, chưa tạo được bước chuyển biến có tính đột phá. Việc xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách trên một số lĩnh vực còn chậm và chưa đầy đủ; thủ tục hành chính còn quá nhiều, giải quyết công việc hành chính ở một số lĩnh vực như: Đất đai, đầu tư dự án, đăng ký và cấp phép kinh doanh,... còn gây phiền hà cho tổ chức và nhân dân; việc ứng dụng công nghệ thông tin và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng trong các cơ quan hành chính chưa chặt chẽ.
Để công tác CCHC đạt hiệu quả cao hơn, tạo tiền đề phục vụ tốt cho sự phát triển KT-XH, các cấp, các ngành cần tiếp tục rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền để sửa đổi, bổ sung, ban hành mới phục vụ tốt cho công tác CCHC; cắt giảm và đơn giản hóa thủ tục hành chính theo quy định mới của pháp luật trên tất cả các lĩnh vực: Quản lý nhà nước, nhất là các lĩnh vực đất đai, đầu tư, đăng ký kinh doanh, xây dựng, thuế,... nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh.
Đồng thời, các ngành, địa phương nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”, bảo đảm thực hiện có hiệu quả cao mục tiêu “3 giảm”: Giảm thủ tục, giảm thời gian và giảm chi phí, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, doanh nghiệp và công dân.
Ngoài ra, tăng cường kiểm tra công tác CCHC, kịp thời chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương và xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ để hoàn thành tốt nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
Như vậy, công tác CCHC là một giải pháp thúc đẩy phát triển KT-XH nhằm xây dựng một nền hành chính nhà nước hiện đại, năng động, hiệu quả và giảm phiền hà. Việc tích cực thực hiện CCHC là điều kiện căn bản góp phần đạt các mục tiêu phát triển KT-XH ở địa phương./.
Võ Văn