Tiếng Việt | English

22/12/2015 - 16:39

Cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em

Ngành Y tế Long An, đặc biệt là Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp góp phần cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em về cân nặng, chiều cao, giảm tử vong trẻ em do suy dinh dưỡng (SDD) cấp, kiểm soát và phòng, chống thừa cân béo phì. Theo đó, tỷ lệ SDD trẻ em dưới 5 tuổi giảm dần qua từng năm, nhận thức của các bà mẹ về cải thiện dinh dưỡng cho trẻ ngày càng được nâng cao.

Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Sa khám và tư vấn dinh dưỡng miễn phí cho bà mẹ có con dưới 5 tuổi

Giải pháp mà trung tâm chú trọng thực hiện là truyền thông, hội thảo và tư vấn thực hành dinh dưỡng cho bà mẹ mang thai và cho bà mẹ có con dưới 5 tuổi SDD, nhất là ở các xã có tỷ lệ trẻ em SDD cao, các xã khó khăn, vùng sâu, vùng xa.

Công tác tuyên truyền được thực hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng; thông qua tờ rơi, pano, khẩu hiệu, áp phích; trong các buổi họp nhóm, tổ; vãng gia đến từng hộ gia đình. Ngoài ra, ngành Y tế còn đẩy mạnh tuyên truyền lồng ghép trong các chiến dịch uống vitamin A, chú trọng việc khuyên các bà mẹ ăn đủ chất và nuôi con bằng sữa mẹ.

Chị Lê Thị Hồng Mơ, ngụ ở ấp 2, xã Bình Phong Thạnh, huyện Mộc Hóa chia sẻ: “Cán bộ y tế Trạm y tế xã chỉ cho tôi cách chế biến thức ăn để vừa đầy đủ dưỡng chất, vừa phòng, chống SDD, kể cả béo phì cho trẻ. Ngoài ra, các chị còn vận động chúng tôi cho con bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu để phòng, chống SDD và các bệnh cho trẻ. Vì vậy, 2 con tôi rất ít bị bệnh, cân nặng và chiều cao đều đạt chuẩn”.

Trưởng Khoa Chăm sóc sức khỏe trẻ em, phòng, chống SDD Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh - bác sĩ Nguyễn Thị Kim Sa cho biết: “Thời gian tới, trung tâm tiếp tục can thiệp dinh dưỡng sớm cho thai phụ như giúp thai phụ trang bị kiến thức làm mẹ, bổ sung viên sắt, canxi, các dưỡng chất cần thiết trong thời kỳ mang thai. Đồng thời, cung cấp các thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng cho trẻ em SDD nặng và thai phụ nghén nặng 3 tháng đầu, thai phụ tăng cân dưới 2,5kg trong 6 tháng liên tục, ưu tiên đối với hộ gia đình thuộc vùng sâu và khó khăn.

Mặt khác, từng bước kiểm soát có hiệu quả tình trạng thừa cân, béo phì và yếu tố nguy cơ của một số bệnh mãn tính. Tăng cường hoạt động truyền thông giáo dục dinh dưỡng tại cộng đồng cho trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt ở các xã vùng sâu, khó khăn. Tiếp tục củng cố, từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chương trình dinh dưỡng ở các huyện, xã, phường, thị trấn và cộng tác viên dinh dưỡng, phấn đấu mỗi ấp có ít nhất 1 cộng tác viên dinh dưỡng”.

Đến cuối năm 2014, tỷ lệ SDD theo thể nhẹ cân trẻ dưới 5 tuổi 9% (giảm 1,1% so với năm 2013); thể thấp còi 19,8% (giảm 1% so với năm 2013); thừa cân béo phì 7,9%.

Theo kế hoạch chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2030, ngành Y tế phấn đấu giảm tỷ lệ SDD thể nhẹ cân năm 2011 còn 12%, năm 2015 còn 11,2% và năm 2020 chỉ còn dưới 10,2%; giảm tỷ lệ SDD thể thấp còi 22,8% vào năm 2011, dưới 22,4% năm 2015 và dưới 21% năm 2020. Đến năm 2030, phấn đấu giảm SDD thể thấp còi dưới 20% và SDD thể nhẹ cân dưới 10%.

Ngọc Mận

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích