Vị trí địa lý thuận lợi
Cần Đước có diện tích tự nhiên khoảng 218km2, với dân số trên 188.000 người, huyện có 16 xã và 1 thị trấn. Có thể nói, quá trình xây dựng, phát triển kinh tế-xã hội địa phương, ngoài nền tảng về truyền thống văn hóa, huyện còn có nhiều lợi thế về vị trí địa lý, đất đai và nguồn lao động, luôn đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.
Với những lợi thế và định hướng phát triển đúng đắn, môi trường đầu tư thông thoáng, Cần Đước chính là điểm đến lý tưởng của nhà đầu tư. |
Huyện Cần Đước có những tuyến giao thông thủy, bộ quan trọng gắn kết với TP.HCM, nối liền giữa miền Đông và miền Tây Nam bộ. Đặc biệt, các xã vùng hạ của huyện là nơi gặp nhau giữa sông Vàm Cỏ và sông Rạch Cát trước khi đổ ra biển Đông. Đây là một lợi thế rất lớn trong việc vận chuyển hàng hóa, phát triển các ngành công nghiệp nặng, công nghiệp gắn với nghề biển như sửa chữa, đóng tàu,...
Ngoài lợi thế về giao thông đường thủy, hệ thống giao thông đường bộ cũng rất thuận tiện cho phát triển kinh tế-xã hội của huyện. Cần Đước có tuyến Quốc lộ 50 đi xuyên qua địa bàn, đồng thời, tuyến Quốc lộ 1 được nối liền với huyện thông qua các đường tỉnh: 826, 835, 830, 826B được mở rộng, nâng cấp, bảo đảm cho quá trình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Đặc biệt, những năm gần đây, thực hiện Nghị quyết Huyện ủy về xây dựng huyện điểm điển hình về văn hóa của tỉnh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương tập trung thực hiện 4 chương trình trọng tâm mang tính đột phá (Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ X (nhiệm kỳ 2010-2015)). Trong đó, thực hiện chương trình đầu tư kết cấu hạ tầng, hàng loạt công trình giao thông được mở rộng, nâng cấp, trải nhựa, tạo nên mạng lưới giao thông thuận lợi, không chỉ làm thay đổi bộ mặt nông thôn địa phương mà còn là điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế-xã hội.
Ngoài sự nỗ lực của địa phương, sự quan tâm đầu tư của tỉnh cho việc mở rộng giao thông, huyện có nhiều lợi thế từ chương trình liên kết giữa TP.HCM và tỉnh Long An. Trong đó, việc mở rộng các tuyến giao thông vành đai cho TP.HCM tạo điều kiện liên kết giữa Cần Đước với TP.HCM, nhất là tuyến vành đai của thành phố nối liền giữa Quốc lộ 1 với tỉnh Đồng Nai chạy xuyên qua địa bàn. Vì thế, mạng lưới giao thông của huyện rất lý tưởng phục vụ việc xây dựng, phát triển các khu, cụm công nghiệp.
Tạo điều kiện để thu hút đầu tư
Không chỉ có vị trí địa lý thuận lợi, việc đầu tư hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông cũng chính là lợi thế của Cần Đước trong thu hút nhà đầu tư đến với huyện. Đặc biệt, tỉnh quy hoạch, xây dựng hệ thống kho bãi, bến cảng và đội ngũ cán bộ quản lý nhiệt tình, năng động cũng là điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn.
Giai đoạn 2010-2015, giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 23%/năm, tỷ trọng công nghiệp-xây dựng chiếm 62%. Đến nay, huyện quy hoạch gần 3.000ha đất công nghiệp được phân bổ trải dọc theo các tuyến sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ, Rạch Cát. Toàn huyện có 3 khu và 6 cụm công nghiệp.
Trong khu công nghiệp tại xã Long ĐịnhCác cụm công nghiệp theo các tuyến quốc lộ, đường tỉnh; trong đó, trên 750ha được san lấp mặt bằng. Hiện tại, Cần Đước xây dựng, đưa vào hoạt động các khu công nghiệp (KCN) tại xã Long Định, Long Cang với diện tích trên 170ha, KCN Thuận Đạo mở rộng 815ha, KCN Cầu Tràm quy mô 79ha tại xã Long Trạch, KCN và cầu cảng Phước Đông,... thu hút trên 50 doanh nghiệp đầu tư nhà xưởng, đi vào sản xuất, tạo việc làm cho 5.600 lao động có thu nhập ổn định. Năng lực sản xuất cơ bản đáp ứng nhu cầu tập trung vào nhóm ngành công nghiệp chế biến, công nghiệp hỗ trợ, dịch vụ cho ngành nông nghiệp như: Chế biến thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, phân bón, vật liệu xây dựng, xi măng, bao bì, bêtông đúc sẵn,...
Nhóm ngành công nghiệp cơ bản: Phân bón, công nghiệp chế biến thực phẩm, cơ khí,... đó là một số ngành có tốc độ phát triển khá cao, có tiềm năng phát triển và đóng góp lớn vào ngân sách Nhà nước.
Ngoài ra, các ngành nghề truyền thống như: Đóng ghe, dệt chiếu, chạm khắc gỗ và một số ngành nghề mới phát triển như đóng sà lan, gia công may mặc, dịch vụ sửa chữa cơ khí,... cũng được tạo điều kiện để phát triển thông qua việc quy hoạch các cụm công nghiệp.
Bên cạnh đó, các khu tái định cư (TĐC) được đầu tư xây dựng, gắn với phát triển đô thị, bước đầu mang lại nhiều hiệu quả. Trong kế hoạch 12 khu TĐC với 264,8ha của huyện, có 9 khu TĐC đã và đang triển khai xây dựng, số hộ TĐC 1.276 hộ, tỷ lệ 62%, gồm các khu TĐC: Cầu Tràm - xã Long Trạch, Bình Điền - xã Long Định, Phước Đông, Việt Hóa, Long Cang.
Nhìn chung, các hộ vào TĐC ổn định và dần thích nghi với nơi ở mới, tạo nên bộ mặt khu dân cư trong nông thôn mới, thúc đẩy quá trình phát triển nguồn nhân lực dồi dào và có chất lượng cho các dự án khu, cụm công nghiệp trên địa bàn. Giám đốc Công ty TNHH MTV Việt Hóa Long An (xã Phước Đông) - Võ Văn Thanh cho biết: “Những năm qua, tỉnh, huyện luôn đề cao vai trò, đặt trọng tâm vào việc phát triển và hỗ trợ doanh nghiệp. Được tạo điều kiện thuận lợi, bước đầu, công ty thực hiện dự án Khu dân cư ấp 5 Phước Đông, góp phần ổn định TĐC của người dân trên địa bàn và đang quy hoạch Hoa viên Phước Đông với diện tích 40,5ha. Ðể hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ kinh doanh phát triển, huyện có cơ chế đối với lĩnh vực này và ngày càng quan tâm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp”.
Chủ tịch UBND huyện - Phạm Chí Tâm cho biết: “Tuy còn nhiều khó khăn nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Cần Đước luôn đoàn kết, năng động, sáng tạo, quyết tâm, nỗ lực, phấn đấu trong phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững ổn định an ninh chính trị, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân,...
Huyện luôn quan tâm cải cách thủ tục hành chính, tạo mọi điều kiện thuận lợi để kêu gọi, thu hút nhà đầu tư bằng những chủ trương, cơ chế, giải pháp cụ thể, thu hút và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư vào mục tiêu phát triển kinh tế bền vững, gắn với giải quyết việc làm, giảm nghèo, cải thiện đời sống người dân, bảo đảm an sinh xã hội. Công tác đào tạo nghề cũng được thực hiện khá tốt bằng nhiều loại hình khác nhau, huyện liên kết với các đơn vị mở hàng chục lớp đào tạo nghề; qua đó, cung cấp hàng ngàn lao động có tay nghề cho các doanh nghiệp trong và ngoài địa phương”.
Với những lợi thế và định hướng phát triển đúng đắn, môi trường đầu tư thông thoáng, Cần Đước chính là điểm đến lý tưởng của nhà đầu tư nhằm sản xuất, kinh doanh bền vững, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, xứng đáng là huyện trọng điểm kinh tế, huyện điểm điển hình về văn hóa của tỉnh./.
Hải Phong