Bước tiến vững chắc
Cần Đước được xác định là một trong những huyện trọng điểm về công nghiệp của tỉnh, nhưng hiện nay, sản xuất nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế của địa phương. Do đó, huyện đầu tư nâng cao hiệu quả kinh tế nông nghiệp với việc tăng cường đầu tư cho sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng bền vững, chất lượng cao.
Nông dân Cần Đước sản xuất nông nghiệp ngày càng hiệu quả
Hằng năm, cây lúa được duy trì với diện tích gieo trồng 20.000ha, sản lượng lúa đạt từ 95-98 ngàn tấn. Việc xây dựng và thực hiện cánh đồng lúa chất lượng cao ngày càng được người dân tích cực tham gia, đây là cơ sở để từng bước thực hiện cánh đồng lớn.
Qua 5 năm triển khai, huyện thực hiện được 26 cánh đồng, diện tích 662ha, với 678 hộ tham gia; 2 cánh đồng tại xã Mỹ Lệ và Phước Tuy được bao tiêu sản phẩm. Diện tích lúa Nàng thơm Chợ Đào được đầu tư mở rộng và nâng cao chất lượng, được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, trung bình người dân tham gia cánh đồng lớn lợi nhuận 18 triệu đồng/ha.
Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp xã Mỹ Lệ - Huỳnh Văn Cơ cho biết: “Ngay trong vụ đầu, toàn xã đã xuống giống lúa Nàng thơm Chợ Đào với diện tích 63/100ha nằm trong khu vực cánh đồng lớn, với tổng sản lượng trên 250 tấn. Đến nay, HTX tiếp tục liên kết với cơ sở Bảy Sánh tại địa phương bao tiêu sản phẩm cho nông dân và ký hợp đồng với giá cao hơn giá thị trường từ 200-400 đồng/kg. Trung bình nông dân thu lợi nhuận từ 15-20 triệu đồng/ha”.
Ngoài cây lúa, rau là cây trồng phát triển rất ổn định, diện tích khoảng 700ha, rau ăn lá chiếm 80%, năng suất trung bình từ 18 tấn/ha/vụ (5-6 vụ/năm). Diện tích trồng rau an toàn ngày càng phát triển; giá bán ổn định, người trồng có lãi gần 100 triệu đồng/ha/năm. Nông dân ngày càng chú trọng việc sản xuất rau an toàn, từng bước cải thiện quy trình sản xuất theo hướng an toàn thực phẩm; tăng tỷ trọng sử dụng các chế phẩm phân hữu cơ sinh học, giảm dần phân vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật, thời gian cách ly bảo đảm theo quy định.
Chăn nuôi gia súc, gia cầm trong huyện vẫn giữ vững tổng đàn. Đàn gia súc đạt trên 19.000 con, gần đây, đàn trâu, bò phát triển nhanh. Đến nay, tổng đàn bò 1.178 con, đàn trâu 482 con, đàn heo 17.375 con; gia cầm đạt từ 850.000-1.000.000 con. Các trang trại, gia trại nuôi gia cầm mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học vào quá trình chăn nuôi làm giảm ô nhiễm môi trường. Hằng năm, huyện duy trì diện tích nuôi thủy sản 2.300ha, sản lượng đạt từ 3.500-4.000 tấn, thu nhập trung bình của người dân hàng trăm triệu đồng.
Tiếp tục thực hiện đề án
Mặc dù còn nhiều khó khăn, tác động đến sản xuất nông nghiệp nhưng với sự tập trung lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền đã tạo sự đồng thuận cao trong hệ thống chính trị, đặc biệt là phát huy vai trò chủ thể của người dân; lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, huyện cơ bản hoàn thành các mục tiêu. Cơ cấu cây trồng, vật nuôi có sự chuyển dịch theo hướng khai thác tốt tiềm năng và lợi thế từng vùng sinh thái; lúa vẫn là cây trồng chủ lực và chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu cây trồng.
Trên địa bàn huyện Cần Đước, ngoài cây lúa, rau là cây trồng phát triển rất ổn định, diện tích khoảng 700ha
Bí thư Huyện ủy Cần Đước - Nguyễn Việt Cường cho biết: “Thời gian tới, huyện sẽ tuyên truyền, phổ biến và quán triệt “Đề án thực hiện chương trình phát triển sản xuất nông nghiệp toàn diện, chất lượng cao và bền vững, giai đoạn 2016-2020”, tạo sự thống nhất về nhận thức, quyết tâm thực hiện đề án trong cả hệ thống chính trị và nhân dân trên địa bàn, làm thay đổi trong nhận thức, hành động, thói quen canh tác nhằm tạo ra các sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế cao, góp phần tích cực trong việc nâng cao đời sống, thu nhập cho nông dân và xây dựng nông thôn mới,...”./.
Lê Huỳnh