Tiếng Việt | English

27/05/2016 - 19:41

Phát triển nông nghiệp hiệu quả từ quy hoạch vùng

Trong phát triển nông nghiệp, mục tiêu của quy hoạch vùng là xây dựng nền nông, lâm, ngư nghiệp phát triển toàn diện, bền vững theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, gia tăng giá trị và lợi nhuận trên một đơn vị diện tích đất nông nghiệp. Bình quân giá trị sản xuất nông nghiệp trên 1ha đất sản xuất đạt khoảng 125 triệu đồng vào năm 2020 và đạt khoảng 215-220 triệu đồng vào năm 2030.


Quy hoạch vùng - Hướng tới nền nông nghiệp phát triển bền vững

Phát triển vùng lúa chất lượng cao

Trên cơ sở những kết quả đã đạt, năm 2016, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất quy mô lớn, tập trung, gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị. Long An ban hành quy hoạch phát triển nông, lâm, thủy sản đến 2020, đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển mạnh các mô hình liên kết, hợp tác sản xuất giữa doanh nghiệp, nhà khoa học với các hộ nông dân xây dựng cánh đồng lớn gắn với tiêu thụ sản phẩm,...

Theo quy hoạch chung của tỉnh, vùng Đồng Tháp Mười (các huyện: Tân Thạnh, Mộc Hóa, Vĩnh Hưng, Tân Hưng và thị xã Kiến Tường) thuộc vùng lúa chất lượng cao của tỉnh. Đây là vùng lúa nguyên liệu, hàng hóa phục vụ việc sản xuất và phát triển cây lúa của tỉnh. Từ đó, góp phần nâng cao thương hiệu lúa của Long An, đồng thời đem lại thu nhập ổn định cho nông dân, phát triển KT-XH.

Quy hoạch chung của tỉnh, vùng lúa chất lượng cao khoảng 45.791ha, trong đó, việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất lúa tại vùng này chiếm khoảng 20.000ha. Từ khi đưa vào quy hoạch và có những chỉ đạo kịp thời từ cấp trên, hiệu quả của vùng lúa quy hoạch được nâng lên không chỉ chất lượng giống, lúa, năng suất bảo đảm mà giá thành cũng ổn định, cao hơn. Tân Hưng là địa bàn chiếm tỷ lệ cao nhất trong quy hoạch vùng lúa chất lượng cao với khoảng 12.406ha, phân bố chủ yếu tại 5 xã: Hưng Điền, Hưng Điền B, Hưng Hà, Hưng Thạnh, Thạnh Hưng.

Cty TNHH Nghiên cứu và Sản xuất giống ứng dụng công nghệ cao Hưng Thịnh, đóng trên địa bàn xã Hưng Thạnh, huyện Tân Hưng - là một trong những vùng nguyên liệu được tỉnh chọn làm nơi cung cấp giống ứng dụng công nghệ cho địa bàn, đồng thời tạo nên thương hiệu giống cao sản của tỉnh.

Giám đốc Cty TNHH Nghiên cứu và Sản xuất giống ứng dụng công nghệ cao Hưng Thịnh - Đỗ Văn Hoàng cho biết: “Tổng diện tích gieo sạ lúa chất lượng cao của Cty hiện gần 200ha, chuyên sản xuất lúa giống cao sản phục vụ nông dân. Đưa vào sản xuất từ vụ Đông Xuân 2014-2015, đến nay, Cty đã cung cấp trên 2.000 tấn lúa giống chất lượng cao phục vụ việc phát triển vùng lúa chất lượng cao và tạo thương hiệu riêng cho tỉnh. Chúng tôi được tỉnh chọn làm nơi sản xuất giống ứng dụng công nghệ cao, giống cấp ra thị trường được xác nhận loại I. Không những chất lượng được bảo đảm, tạo được thương hiệu, năng suất ổn định và giá thành cao hơn, nông dân có lãi thêm 200-300 đồng/kg so với những loại lúa giống khác. Thời gian tới, chúng tôi sẽ mở rộng thêm cho những hộ dân tham gia sản xuất và bao tiêu sản phẩm để nông dân yên tâm”.

Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Hưng - Phan Văn Nỉ thông tin: “Việc phát triển vùng lúa chất lượng cao giúp nông dân dễ dàng định hướng việc sản xuất của mình. Vụ Đông Xuân 2015-2016, địa bàn huyện có trên 85% nông dân sản xuất giống lúa cao sản, năng suất tương đối ổn định, nông dân có lợi nhuận từ 10-15 triệu đồng/ha.


Chăm sóc lúa ở vùng nguyên liệu Cty TNHH Nghiên cứu và Sản xuất giống ứng dụng công nghệ cao Hưng Thịnh, xã Hưng Thạnh, huyện Tân Hưng. Ảnh: Văn Đát

Sản xuất hiệu quả trong vùng quy hoạch

Hiện nay, ngoài phát triển hiệu quả trong vùng lúa chất lượng cao thì vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa như vùng thanh long, vùng chanh,... nông dân sản xuất khá hiệu quả nhờ được tăng cường chuyển giao khoa học-kỹ thuật, nhân rộng các mô hình thí điểm. Nông dân Nguyễn Hoàng An, xã Dương Xuân Hội, huyện Châu Thành cho biết: “Trong những năm qua, nhờ được sự hỗ trợ của Nhà nước, ngành chức năng, chúng tôi chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng sang trồng thanh long, đạt hiệu quả cao. Nhờ quy hoạch vùng phát triển mà đầu ra của sản phẩm cũng ổn định hơn rất nhiều. Kết cấu hạ tầng trong sản xuất nông nghiệp cũng được chú trọng đầu tư”.

Cũng như ông An, ông Đặng Văn Phải, ngụ xã Thạnh Hòa, huyện Bến Lức chia sẻ: “Được sản xuất trong vùng quy hoạch của tỉnh, nông dân chúng tôi được hỗ trợ rất nhiều từ kỹ thuật, con giống; hạ tầng cũng được chú trọng đầu tư. Đặc biệt, đầu ra của sản phẩm rất ổn định”.

Đầu ra một số cây trồng trong vùng tương đối ổn định: Cây chanh có 35 cơ sở thu mua và tiêu thụ chanh và 2 hợp tác xã (HTX) vừa sản xuất, vừa tiêu thụ chanh (HTX Dịch vụ nông nghiệp Thạnh Hòa, HTX Dịch vụ nông nghiệp Thuận Bình). Đồng thời, có 2 cơ sở thu mua lớn: Nông trang Hải Âu, cơ sở Nguyên Loan, doanh nghiệp thu mua và trực tiếp xuất khẩu là Cty TNHH MTV Fruit Republic Cần Thơ. Đối với thanh long: Có 4 HTX vừa sản xuất, vừa tiêu thụ thanh long (HTX Long Hội, Vạn Thành, Tầm Vu, Dương Xuân); 6 doanh nghiệp và 53 cơ sở kinh doanh thu mua, sơ chế thanh long vùng Long An và Tiền Giang, trong đó có 13 cơ sở đóng gói có kho lạnh bảo quản và 1 cơ sở (Cty TNHH Hoàng Phát) có kho xử lý nước nóng (công suất 4.500 tấn/năm) và kho lạnh (80 tấn) đạt tiêu chuẩn GlobalGAP.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Lê Văn Hoàng cho biết: “Việc quy hoạch theo từng vùng sản xuất mang tính định hướng phát triển dựa vào đặc điểm từng vùng, làm căn cứ hỗ trợ đầu tư để đạt mục tiêu trong phát triển kinh tế. Từ đó, đầu tư có trọng tâm theo hướng chuyên canh, không những giúp nông dân thay đổi tư duy, tập quán canh tác mà còn hình thành vùng sản xuất hàng hóa có năng suất cao, chất lượng tốt, tăng thu nhập cho nông dân. Qua đó, giúp việc đầu tư được tập trung, không dàn trải, mang lại hiệu quả”.

Trong trồng trọt, quy hoạch của tỉnh đến năm 2020:

Diện tích canh tác lúa chỉ còn 248.000ha, trong đó 50% lúa chất lượng cao. Tập trung vùng chuyên sản xuất lúa chất lượng cao, vùng sản xuất lúa nếp và lúa đặc sản; cây thanh long tổng diện tích 9.330ha, sản lượng 300.000-310.000 tấn, phân bổ chủ yếu ở huyện Châu Thành; cây chanh diện tích toàn tỉnh lên 10.000-11.000ha, sản lượng 170.000-180.000 tấn/năm; cây rau màu, diện tích canh tác rau 2.460ha, diện tích gieo trồng 7.600ha, sản lượng 176.000 tấn, trong đó tập trung chủ yếu các vùng chuyên canh rau: Cần Giuộc 2.700ha, Cần Đước 1.980ha, Đức Hòa 1.792ha, TP.Tân An 960ha.

Bên cạnh đó, đến năm 2020, quy hoạch 12 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và có 2-3 doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao đầu tư sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Để đạt mục tiêu, tỉnh ưu tiên đầu tư các dự án trong lĩnh vực nông nghiệp, dự án về lâm nghiệp và dự án về thủy sản với tổng nhu cầu vốn giai đoạn 2016-2020 là 22.134 tỉ đồng.

Lê Huỳnh - Thanh Mỹ

Chia sẻ bài viết