Tiếng Việt | English

03/02/2025 - 13:30

Cẩn thận với các thủ đoạn lừa đảo tinh vi

Thời gian qua, nhiều người đã mất từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng vì cả tin trước các thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi. Những chiêu thức phổ biến như giả mạo nhân viên điện lực, ngân hàng hoặc lực lượng chức năng để chiếm đoạt tài sản.

Các đối tượng dùng số điện thoại bàn để thực hiện hành vi lừa đảo người dân

1. Thời gian gần đây, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) liên tục phát đi cảnh báo về tình trạng các đối tượng xấu giả mạo nhân viên hoặc công ty điện lực để thực hiện hành vi lừa đảo, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của ngành Điện.

Theo phản ánh từ đường dây nóng của các trung tâm chăm sóc khách hàng thuộc EVN, nhiều người dân  nhận được cuộc gọi từ các số điện thoại lạ tự xưng là nhân viên điện lực, thông báo rằng khách hàng đang nợ tiền điện hoặc chưa thanh toán hóa đơn và đe dọa sẽ cắt điện nếu không thực hiện thanh toán ngay lập tức. Để tăng mức độ thuyết phục, chúng còn hướng dẫn khách hàng truy cập vào các đường link hoặc tải ứng dụng giả mạo, qua đó đánh cắp thông tin cá nhân và tài khoản ngân hàng. Không ít người đã trở thành nạn nhân, bị chiếm đoạt toàn bộ tiền trong tài khoản sau khi làm theo hướng dẫn.

Dù cơ quan chức năng và báo chí đã nhiều lần cảnh báo, vẫn có những khách hàng nhẹ dạ cả tin bị "sập bẫy". Một thủ đoạn phổ biến là đối tượng giả danh gọi điện thoại thông báo rằng gia đình nạn nhân chưa thanh toán tiền điện, trong khi dữ liệu chưa được cập nhật trên hệ thống. Khi nạn nhân khẳng định đã thanh toán, chúng yêu cầu cung cấp ảnh chụp giao dịch qua Zalo để "xác minh". Sau đó, chúng hướng dẫn nạn nhân cài đặt ứng dụng lạ trên điện thoại và bấm vào đường link liên kết tài khoản ngân hàng để "thanh toán tự động". Ngay sau khi nạn nhân thực hiện sinh trắc học, đối tượng chiếm quyền điều khiển và lấy tiền trong tài khoản.

EVN khuyến cáo khách hàng không cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng hoặc thực hiện giao dịch qua các đường link không rõ nguồn gốc. Để bảo đảm an toàn, người dân chỉ nên liên hệ trực tiếp với các kênh chính thức của EVN để xác minh thông tin và được hỗ trợ kịp thời.

2. Mạo danh nhân viên ngân hàng không còn là chiêu thức lừa đảo mới, tuy nhiên, hiện nay có một số kẻ gian mạo danh nhân viên của các ngân hàng nhằm tiếp cận người dân đang có nhu cầu phát hành thẻ tín dụng/tăng hạn mức thẻ tín dụng để lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản.

Chị N.L.T.T. (phường 1, TP.Tân An, tỉnh Long An) bị mất số tiền 53 triệu đồng. Chị T. kể, các đối tượng mạo danh là nhân viên các ngân hàng như SCB, VCB, MB,... gọi điện thoại/nhắn tin cho người dân để hỗ trợ phát hành thẻ tín dụng (các khách hàng này đều có nhu cầu phát hành thẻ tín dụng nhưng do chưa đạt yêu cầu nên ngân hàng chưa cấp hạn mức tín dụng thẻ).

Sau khi đã kết nối qua Zalo/Facebook để trao đổi trực tiếp, đối tượng hướng dẫn chụp ảnh căn cước công dân và thông tin thẻ nội địa. Trường hợp chưa có thẻ nội địa, đối tượng sẽ hướng dẫn vào ứng dụng (app) của ngân hàng để đăng ký phát hành thẻ nội địa và chụp lại thông tin thẻ khi đã phát hành thành công. Khi người dân cung cấp thông tin, đối tượng tiếp tục yêu cầu chứng minh tài chính để mở thẻ tín dụng bằng cách chuyển tiền vào tài khoản thanh toán (khoản này để ký quỹ, sau khi ngân hàng cấp hạn mức tín dụng, người dân sẽ được hoàn lại khoản tiền trên).

Để chiếm đoạt tài sản, đối tượng sử dụng thông tin thẻ do người dân cung cấp để thực hiện giao dịch, sử dụng nguồn tiền từ tài khoản thanh toán để chuyển tiền về tài khoản cá nhân của mình. Người dân sẽ nhận được yêu cầu cung cấp mã OTP liên tục - đây chính là các giao dịch mà đối tượng đang thực hiện chiếm đoạt tiền từ tài khoản.

3. Gần đây, hình thức lừa đảo qua điện thoại ngày càng trở nên tinh vi và phổ biến. Đáng lo ngại hơn, các đối tượng lừa đảo chuyển sang sử dụng các đầu số điện thoại bàn để thực hiện hành vi phạm tội, gây hoang mang cho nhiều người dùng.

Chỉ trong vòng 10 phút, chúng tôi nhận được hàng loạt cuộc gọi từ các số điện thoại bàn. Với kịch bản quen thuộc, các đối tượng tự xưng là cảnh sát khu vực, yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân hoặc đề nghị đến trụ sở công an để giải quyết vụ việc. Tuy nhiên, khi được hỏi tên đơn vị hoặc địa chỉ cụ thể, họ thường lảng tránh, cung cấp thông tin không rõ ràng hoặc sai lệch. Đây là dấu hiệu điển hình của các cuộc gọi lừa đảo.

Sau khi cơ quan chức năng thắt chặt quản lý thuê bao di động để giảm thiểu tình trạng SIM rác, các đối tượng lừa đảo đã chuyển sang sử dụng số điện thoại bàn nhằm đánh lừa nạn nhân. Vì vậy, khi nhận được các cuộc gọi nghi vấn hoặc có dấu hiệu lừa đảo, người dùng tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân như số căn cước công dân, số tài khoản ngân hàng, mã OTP hoặc truy cập các đường link lạ; đồng thời, hãy liên hệ cơ quan công an địa phương để xác minh và báo cáo sự việc kịp thời.

Sự cảnh giác và ý thức bảo vệ thông tin cá nhân là "chìa khóa" để ngăn chặn các thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi trên./.

Cảnh báo, người dân cần đề cao cảnh giác với các chiêu thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản và lộ, lọt dữ liệu cá nhân trên không gian mạng:

Tuyệt đối không cung cấp thông tin thẻ/ mã OTP tới bất kỳ đối tượng nào, kể cả nhân viên ngân hàng.

Ngân hàng không yêu cầu cung cấp đầy đủ thông tin thẻ (số thẻ, ngày hết hạn, mã bảo mật CVV) và mã OTP cho bất kỳ yêu cầu trợ giúp nào.

Thường xuyên kiểm tra thông báo biến động số dư để kiểm soát số dư tài khoản.

Các ngân hàng không yêu cầu ký quỹ hoặc chứng minh thu nhập bằng các yêu cầu chuyển tiền.

Trong trường hợp có nghi ngờ giao dịch bị lừa đảo, người dân nhanh chóng liên hệ ngay với công an địa phương nơi gần nhất để khai báo, phản ánh các đầu số lừa đảo để được hỗ trợ và hướng dẫn giải quyết. 

Hà Lan

Chia sẻ bài viết