Tiếng Việt | English

02/01/2024 - 08:30

Cần từ bỏ thói quen đốt rơm rạ sau thu hoạch

Hiện nay, tại một số địa phương trong tỉnh Long An, nông dân vẫn giữ thói quen đốt rơm rạ ngay tại ruộng sau khi thu hoạch lúa. Mặc dù việc này giúp nông dân đỡ vất vả nhưng lại ảnh hưởng khá lớn đến cộng đồng, nhất là gây ô nhiễm không khí. Do đó, ngành chuyên môn khuyến cáo nông dân nên từ bỏ thói quen có hại này.

Nông dân cần sớm từ bỏ thói quen đốt rơm rạ ngay tại ruộng

Trước đây, rơm rạ thường được nông dân thu gom, dùng làm chất đốt, thức ăn cho gia súc. Tuy nhiên, những năm gần đây, phần lớn nông dân thường đốt rơm rạ ngay tại ruộng sau khi thu hoạch. Theo ghi nhận, trên các cánh đồng tại huyện Thủ Thừa, Tân Trụ,…, sau khi thu hoạch lúa Thu Đông 2023, nông dân đốt rơm rạ ngay tại ruộng.

Nguyên nhân của tình trạng trên một phần là tập quán, thói quen của nông dân. Họ cho rằng việc đốt rơm rạ sẽ tạo ra tro, giúp tăng chất hữu cơ cho đất, có thể diệt được nguồn sâu, bệnh hại còn lưu trú trên đồng ruộng,... Tuy nhiên, đây lại là hành động hủy hoại môi trường; lớp đất canh tác bị phá hủy kết cấu, bị thoái hóa làm cho việc canh tác không đạt năng suất cao.

Ông Nguyễn Văn Cam (xã Bình Lãng, huyện Tân Trụ) cho biết: Sau khi thu hoạch lúa Thu Đông 2023, ông đốt rơm rạ để cày xới đất, chuẩn bị vụ Đông Xuân 2023-2024. Từ trước đến nay, ông vẫn làm vậy để tiết kiệm thời gian và công lao động.

Theo các nghiên cứu khoa học, khi bị đốt cháy, rơm rạ sẽ sản sinh nhiều loại khí độc như CO2, CH4, SO2,... Con người khi hít phải các loại khí độc này sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, dễ mắc các chứng bệnh về đường hô hấp. Bên cạnh đó, khói từ rơm rạ còn gây cản trở tầm nhìn dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Không chỉ vậy, đốt rơm rạ còn tiêu diệt các loại côn trùng có lợi, làm mất cân bằng sinh thái đồng ruộng, gây phát sinh nhiều loại sâu, bệnh.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản lượng lúa bình quân hàng năm của tỉnh đạt trên 2,8 triệu tấn, tương đương có khoảng 3,1-3,4 triệu tấn rơm rạ sau thu hoạch/năm (1 tấn lúa sẽ cho từ 1,1-1,2 tấn rơm rạ). Để hạn chế thấp nhất tình trạng đốt rơm rạ, ngành Nông nghiệp tỉnh khuyến cáo nông dân nên tận dụng rơm rạ để làm vật liệu che phủ cho cây trồng, làm thức ăn trực tiếp cho gia súc, sử dụng trồng nấm rơm,... Ngoài ra, nông dân có thể vùi rơm rạ vào đất để giúp duy trì đạm và các chất hữu cơ trong đất.

Có thể thấy, việc đốt rơm rạ không những gây hại cho môi trường mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến đất sản xuất nông nghiệp. Do vậy, để nông dân hạn chế đốt rơm rạ sau thu hoạch, ngành Nông nghiệp tỉnh đề nghị các địa phương quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nông dân sớm từ bỏ thói quen có hại này./.

Minh Tuệ

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích