Tiếng Việt | English

28/03/2023 - 09:52

Tân Hưng: Đốt rơm rạ sau khi thu hoạch lúa - Lợi bất cập hại

Sau khi thu hoạch, những cánh đồng trên địa bàn huyện Tân Hưng, tỉnh Long An tràn ngập khói, lửa. Đốt rơm rạ là cách mà nhiều nông dân trên địa bàn huyện chọn để cải tạo đất, chuẩn bị cho vụ mùa tiếp theo.

Đốt rơm rạ sau khi thu hoạch lúa làm tăng nguy cơ xảy ra cháy lan, nhất là vào thời điểm nắng nóng như hiện nay

Đốt rơm rạ sau khi thu hoạch lúa là tập quán canh tác lâu đời của nông dân. Nhiều người quan niệm rằng cách làm này giúp tiêu diệt mầm bệnh và bổ sung một số chất dinh dưỡng cho đất. Trên thực tế, việc đốt rơm rạ có thể tiêu diệt một số côn trùng trú ẩn trên gốc rạ, làm sạch mầm bệnh cho vụ sau; đồng thời, nông dân có thể tận dụng lượng tro sau khi đốt để cung cấp một ít phân bón Kali làm tăng độ phì nhiêu cho đất. Tuy nhiên, đốt rơm rạ là việc làm “lợi bất cập hại”, nhất là làm ô nhiễm không khí, ảnh hưởng đến sức khỏe con người, gây ra những bất lợi cho đất trồng.

Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Tân Hưng - Nguyễn Văn Cang cho biết: “Việc đốt rơm rạ trực tiếp trên đồng ruộng gây tác hại lớn hơn gấp nhiều lần so với lợi ích mang lại. Cách làm này sẽ làm cho đồng ruộng trở nên chai cứng, khô cằn và bạc màu; đồng thời, còn hủy diệt các sinh vật có lợi cho đồng ruộng, gây mất cân bằng hệ sinh thái, từ đó dễ phát sinh sâu, bệnh gây hại trên lúa, làm tăng chi phí đầu tư ở vụ kế tiếp”.

Hiện nay, rơm có nhiều lợi ích như phủ gốc cây trồng, rau màu, làm nấm, làm thức ăn cho gia súc hoặc xử lý thành phân bón hữu cơ. Ngoài việc bán rơm khô, nông dân còn có thể cày vùi để phần rơm rạ tự phân hủy và làm đất tươi xốp. Việc đốt rơm, rạ còn làm tăng nguy cơ xảy ra cháy lan, nhất là vào thời điểm nắng nóng như hiện nay. Trong khi đó, nông dân có nhiều lựa chọn hữu ích hơn để thay thế cho việc đốt rơm rạ sau khi thu hoạch./.

Duy Phước

Chia sẻ bài viết