Nhận biết chiêu thức lừa đảo vay tiền qua điện thoại, Zalo
Với những tính năng đa dạng cho phép người dùng kết nối, chia sẻ, tiếp nhận thông tin nhanh chóng, hiệu quả, Internet và MXH đã mang lại rất nhiều tiện ích trong cuộc sống hiện nay. Tuy nhiên, những hệ lụy khi người dùng có nhận thức, hiểu biết mơ hồ cũng không nhỏ. Các phần tử xấu đã sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn lừa đảo hết sức tinh vi nhằm thu lợi bất chính; đã có nhiều nạn nhân sập bẫy trước những lời mời chào "có cánh", gây tổn thất lớn về vật chất, uy tín và danh dự cá nhân.
Nhắn tin thông báo trúng thưởng: Nhắn tin đến tài khoản Zalo, Facebook,... của người dùng thông báo việc trúng thưởng bằng tiền hoặc hiện vật từ nguồn không rõ ràng. Với phương thức này, cần chú ý không nên liên lạc lại, không nộp tiền làm hồ sơ nhận thưởng, không đăng nhập vào đường link lạ; đặc biệt, trong bất cứ tình huống nào, tuyệt đối không được cung cấp mã OTP, các thông tin cá nhân cho người lạ biết.
Thông báo nhận quà từ nước ngoài: Giả danh người nước ngoài để kết bạn làm quen và tặng quà có giá trị, sau đó có "nhân viên" sân bay, bưu điện gọi đến với yêu cầu nộp số tiền lớn để nhận quà. Trong trường hợp này, chú ý không nên kết bạn làm quen với đối tượng lạ, không nộp bất cứ một khoản phí nào qua trung gian, yêu cầu gặp mặt đối tượng, sau đó sớm thông báo cho cơ quan công an biết về vụ việc.
Giả danh người thân vay tiền hoặc nhờ chuyển khoản: Các phần tử xấu hack tài khoản Zalo, Facebook,... của người thân, sau đó nhắn tin vay tiền nạp thẻ điện thoại hoặc lý do nào đó; khi người dùng nghi ngờ, gọi video lại để kiểm chứng thì hình ảnh bị nhòa, nhiễu, sau đó tắt máy ngay, đổ thừa vì lý do mất sóng,... Với trường hợp này, khi nhận được tin nhắn từ người thân trên Zalo, Facebook,... để vay tiền nạp thẻ điện thoại, nhờ chuyển khoản hộ hoặc lý do nào đó, chúng ta nên trực tiếp xác minh chính xác bằng cách gọi điện thoại (có thể gọi trực tiếp vào số điện thoại của người thân, gọi video) để xác thực, nếu đúng mới thực hiện đề nghị.
Gọi điện thông báo bị lừa đảo, yêu cầu phối hợp công an giải quyết: Các đối tượng giả danh cán bộ công an, kiểm sát,... gọi điện thoại số 113 hoặc một số bất kỳ đến cho người dùng và thông báo người đó đang bị điều tra liên quan đến ma túy, buôn lậu,... chúng yêu cầu cung cấp thông tin về tài khoản ngân hàng, yêu cầu nộp một khoản tiền, nếu không sẽ bị bắt, khởi tố, tạm giam,... Một số trường hợp chúng giả danh nhân viên bưu điện gọi điện cho chúng ta và nói rằng chúng ta bị cơ quan điều tra yêu cầu giải trình vì có liên quan đến “tín dụng đen” do thông tin cá nhân lộ lọt, bị kẻ xấu sử dụng vay nặng lãi với số tiền khá lớn, sau đó chúng cho số điện thoại của cán bộ công an (thực chất là giả danh công an) và đề nghị chúng ta phối hợp phục vụ việc điều tra,... Quá trình trao đổi, chúng sẽ đề nghị chúng ta gửi một khoản tiền để giải quyết sự việc nhẹ nhàng mà không làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự,... Trong trường hợp này, chú ý tuyệt đối không cung cấp bất kỳ nội dung gì liên quan đến thông tin cá nhân, không trao đổi bất cứ nội dung nào trên điện thoại với người lạ; báo cáo với cơ quan công an và lực lượng chức năng để kịp thời nắm, giải quyết; có thể rút kinh nghiệm cho người thân đề phòng.
Thông báo tài khoản bị phong tỏa, đề nghị cấp mã OTP khắc phục: Các phần tử xấu gọi điện thông báo tài khoản của chúng ta đã bị phong tỏa hoặc tài khoản bị lỗi không thực hiện được giao dịch, yêu cầu nhập đường link và cung cấp mã OTP để khôi phục lại hoạt động, sau đó chúng rút sạch tiền trong tài khoản của chúng ta. Trường hợp này lưu lý cần liên hệ với nhân viên tư vấn qua tổng đài mà ngân hàng chúng ta mở tài khoản để được tư vấn trực tiếp, tuyệt đối không đăng nhập vào đường link, không cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ biết.
Ứng dụng vay tiền trên điện thoại thông minh: Hiện nay, một số ứng dụng cho vay tiền online trên điện thoại thông minh hoạt động khá phổ biến và rất tinh vi, các ứng dụng này thường được quảng cáo, xâm nhập khi điện thoại cá nhân đăng nhập vào những trang tin, đường link không rõ nguồn gốc. Có trường hợp tuy không cài đặt ứng dụng, không vay tiền nhưng vô tình nhận được một số tiền từ các tài khoản không rõ nguồn gốc, sau một thời gian được thông báo số nợ lớn mà không hề hay biết. Khi gặp trường hợp này, cần báo với cơ quan chức năng ngay từ đầu để phối hợp giải quyết, tránh gây hậu quả về sau.
Trên thực tế còn nhiều hình thức, thủ đoạn lừa đảo khác mà các phần tử xấu sử dụng để lừa đảo, nhiều nạn nhân vì thiếu hiểu biết mà vô tình sập bẫy, gây hậu quả nghiêm trọng với bản thân. Để không gây ảnh hưởng đến công việc, uy tín, nặng hơn là vi phạm pháp luật, chúng ta cần đề cao cảnh giác khi sử dụng Internet, MXH và điện thoại thông minh, trong mọi trường hợp phải quản lý chặt chẽ điện thoại cá nhân, tuyệt đối không để con trẻ sử dụng thiếu kiểm soát./.
Lê Đình Lượng