Tiếng Việt | English

12/03/2021 - 08:42

Cảnh giác với nhiều chiêu thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Thời gian qua, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên các lĩnh vực vẫn xảy ra với nhiều chiêu thức, nhất là sử dụng điện thoại, mạng xã hội (MXH). Về phía các cấp chính quyền, nhất là lực lượng công an có nhiều giải pháp để phòng ngừa, đấu tranh. Ngoài điều tra, bắt giữ đối tượng, công an, các cấp chính quyền, đoàn thể còn tăng cường công tác tuyên truyền và thông báo rộng rãi về các phương thức, thủ đoạn lừa đảo để mọi người cảnh giác, không mắc bẫy.

Hoạt động của các đối tượng tội phạm lừa đảo qua mạng xã hội ngày càng tinh vi

Hoạt động của các đối tượng tội phạm lừa đảo qua mạng xã hội ngày càng tinh vi

Lừa đảo qua điện thoại, mạng xã hội

Liên quan đến loại tội phạm này, ngày 25/5/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 21/CT-TTg về việc tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Một trong những vấn đề mà Chỉ thị 21 đặc biệt lưu ý đó là xuất hiện các hình thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên một số lĩnh vực đời sống xã hội: Tài chính, ngân hàng, bất động sản, dự án đầu tư, môi giới việc làm, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, học tập, du lịch, hoạt động kinh doanh đa cấp,... để chiếm đoạt tiền. Chỉ thị 21 cũng chỉ rõ, qua các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản cho thấy một phần là do người dân chưa được tiếp cận kịp thời, đầy đủ, chính xác các thông tin.

Trên địa bàn tỉnh, những năm qua xảy ra nhiều vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên nhiều lĩnh vực, với nhiều thủ đoạn khác nhau, tinh vi. Vừa qua, hàng chục người dân huyện Châu Thành, TP.Tân An (tỉnh Long An), quận 8 (TP.HCM) bị đối tượng Nguyễn Văn Nữa (SN 1971), ngụ khu phố 2, thị trấn Cần Giuộc, huyện Cần Giuộc, lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức kêu gọi nộp tiền để tổ chức các chuyến du lịch giá rẻ trong và ngoài nước. Tuy nhiên, sau khi thu số tiền hàng tỉ đồng thì đối tượng Nữa không tổ chức chuyến đi mà không trả lại tiền.

Việc lừa đảo của đối tượng rất bài bản. Ban đầu, đối tượng tổ chức những chuyến du lịch trong nước thành công với số tiền nhỏ nên đã tạo được lòng tin cho nhiều người. Sau đó, đối tượng lại tổ chức những chuyến đi châu Âu với giá bao trọn gói nhiều tiền hơn nhưng khi nhận được tiền thì chiếm đoạt luôn, thực tế cũng không có những tour du lịch này.

“Khi đó, chúng tôi biết đã bị lừa nên làm đơn tố cáo Nữa lừa đảo, chiếm đoạt tiền đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh” - bà B. - một nạn nhân, cho biết. Qua công tác điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối tượng Nữa về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Đặc biệt, có nhiều vụ, các đối tượng tội phạm đã lợi dụng vào sự phát triển của công nghệ viễn thông, sự bùng nổ của các trang MXH: Zalo, Facebook để kết nối, lôi kéo, dẫn dụ và lừa đảo người dân. Quá trình hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, các đối tượng thường xuyên thay đổi thông tin cá nhân, số điện thoại, tài khoản ngân hàng, tài khoản MXH, sử dụng tài khoản ảo, thay đổi địa bàn hoạt động, cư trú nhằm đối phó với công tác phòng ngừa, xử lý của cơ quan chức năng.

Cách đây chưa lâu, bà H. trình báo đến Công an huyện Châu Thành về việc bị lừa đảo qua MXH. Theo bà H., trước đó, bà có đồng ý kết bạn với một tài khoản Facebook. Qua trao đổi thông tin, người sử dụng tài khoản Facebook này xưng là người thân và nói đã gửi một số lượng lớn tiền về Việt Nam qua địa chỉ của bà. Sau đó ít hôm, có một người khác xưng là nhân viên công ty chuyển phát nhanh, dùng nhiều số điện thoại gọi cho bà H., yêu cầu nộp các loại phí. Sau mấy lần chuyển số tiền hàng trăm triệu đồng trong vòng 1 tháng, bà H. không nhận được tiền, quà. Nhắn tin với người sử dụng tài khoản Facebook và người xưng là nhân viên của công ty chuyển phát nhanh thì không còn nhận được hồi âm. Biết mình bị lừa, bà H. đến công an trình báo vụ việc.

Giả danh cán bộ công an để lừa đảo

Ngoài ra, thời gian qua, các đối tượng sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi như giả danh cơ quan thực thi pháp luật, cán bộ cơ quan nhà nước để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Thông tin từ Công an tỉnh, vài tháng trước, trên địa bàn tỉnh xuất hiện một số đối tượng giả danh cán bộ nhà nước, cán bộ công an địa phương để lừa đảo. Thủ đoạn mà các đối tượng giả danh này sử dụng là dùng điện thoại gọi đến chủ cửa hàng, quán ăn, nước giải khát yêu cầu đặt bàn tiệc để tiếp khách cho cơ quan; đồng thời, đối tượng nhờ chủ cửa hàng mua thẻ nạp tiền điện thoại và gửi mã số qua mạng Zalo của đối tượng để chiếm đoạt tài sản.

Như vụ việc bà N. (54 tuổi), ngụ thị xã Kiến Tường, kinh doanh quán ăn trên địa bàn, nhận được cuộc gọi từ số điện thoại di động lạ tự xưng là cán bộ Công an Kinh tế Công an thị xã Kiến Tường. Theo đó, đề nghị bà N. đặt món ăn, bia và yêu cầu giao đến trụ sở Công an thị xã Kiến Tường để tiếp khách. Sau đó, đối tượng nhờ bà N. mua 2 triệu đồng tiền thẻ cào điện thoại gửi trước qua Zalo cá nhân để làm quà biếu. Theo bà N., lúc đầu, bà cũng tin tưởng nên mua thẻ cào điện thoại rồi chuyển qua Zalo theo hướng dẫn được 5 thẻ với tổng trị giá 1 triệu đồng. Tuy nhiên, sau đó, bà nghi ngờ nên không tiếp tục gửi và đến trụ sở Công an thị xã để tìm hiểu thì biết mình bị lừa đảo.

Đại tá Phạm Thanh Tâm - Phó Giám đốc Công an tỉnh, cho biết: “Trước nhiều chiêu thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhất là qua điện thoại, MXH, Công an tỉnh và các địa phương đã có nhiều thông báo rộng rãi trong nhân dân, các cơ quan, đơn vị, trường học để cảnh giác, phòng, chống”.

Một trong những thông báo gần đây của Công an tỉnh nêu rõ, thời gian qua, có những đối tượng mạo danh công ty điện thoại, ngân hàng, công an, viện kiểm sát, tòa án, bảo hiểm xã hội và các dịch vụ khác. Chúng thường tập trung vào các nạn nhân còn nợ cước điện thoại; nợ vay ngân hàng; nợ tiền khám, chữa bệnh bảo hiểm, mua - bán bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; thông báo trúng thưởng hoặc thông báo nhận bưu phẩm, nhận quà từ nước ngoài về Việt Nam nhưng đang bị giữ ở sân bay, các hình thức đầu tư, kinh doanh qua mạng;...

Đối với tội phạm lừa đảo qua MXH thì việc điều tra và truy tìm đối tượng thường gặp rất nhiều khó khăn. Để phòng, chống loại tội phạm này, lực lượng công an đề nghị người dân nâng cao tinh thần cảnh giác; tuyệt đối không chuyển tiền, thẻ cào điện thoại, vật phẩm có giá trị theo yêu cầu của đối tượng khi chưa xác định đối tượng là ai, với mục đích gì. Khi phát hiện những trường hợp nghi vấn có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần nhanh chóng trình báo cơ quan công an nơi gần nhất để được hướng dẫn, giải quyết.

Công an tỉnh cũng đề ra nhiều giải pháp, tăng cường phối hợp các cấp chính quyền, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật, thông tin rộng khắp trong cộng đồng về thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bên cạnh đó, lực lượng Công an tỉnh sẽ thường xuyên triển khai, thực hiện các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh hiệu quả đối với loại tội phạm lừa đảo, tội phạm sử dụng công nghệ cao.

Để góp phần phòng ngừa và đấu tranh có hiệu quả với loại tội phạm này, Công an tỉnh thông báo và hướng dẫn các sở, ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, cảnh báo, đặc biệt là thủ đoạn hoạt động phạm tội và các đối tượng liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua Internet, mạng viễn thông, Zalo; đồng thời, hướng dẫn cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, học sinh, sinh viên tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, số tài khoản, thẻ tín dụng cho người khác khi không cần thiết; không chuyển, nộp tiền vào tài khoản, thẻ tín dụng dưới bất cứ hình thức nào cho người khác khi chưa biết rõ họ là ai và mục đích gì;.../.

Lê Đức

Chia sẻ bài viết