Tiếng Việt | English

31/03/2021 - 08:58

Cảnh giác với các dự án bất động sản lừa gạt

Những năm qua, thị trường bất động sản (BĐS) ở tỉnh Long An khá sôi động, nhất là ở những vùng giáp ranh TP.HCM. Cũng vì thế, nhiều dự án (DA) nhà ở, BĐS được đầu tư, phát triển. Tuy nhiên, thị trường BĐS thời gian qua cũng như bong bóng và tiềm ẩn nhiều rủi ro, hơn nữa cũng rất dễ mua phải nền ở DA “ma” hoặc chưa đủ điều kiện pháp lý. Vì vậy, khách hàng cần cẩn trọng, tìm hiểu kỹ để tránh bị lừa.

Một dự án đang được san lắp

Một dự án đang được san lấp

Khiếu nại, tố cáo vì bị lừa

Thời gian qua, nhiều chủ đầu tư DA kinh doanh BĐS đã bị “tuýt còi” và xử phạt vi phạm. Thậm chí, tùy vào mức độ, tính chất còn truy cứu trách nhiệm của những cá nhân cố tình thực hiện những hành vi có tính chất lừa dối khách hàng. Như DA Khu dân cư (KDC) Hưng Thịnh Cát Tường, tọa lạc tại xã Đức Lập Thượng, huyện Đức Hòa, có diện tích gần 9,5ha là một ví dụ cụ thể. Ngày 28/8/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại DA này để tiếp tục điều tra, làm rõ.

Kết quả xác minh trước đó cho thấy, chủ đầu tư DA là Công ty (Cty) TNHH Đầu tư và Xây dựng BĐS Hưng Thịnh (gọi tắt là Cty Hưng Thịnh) chưa hoàn tất thủ tục giải phóng mặt bằng và giao đất phần còn lại; chưa hoàn thành xây dựng hạ tầng nhưng chủ đầu tư đã bán, chuyển nhượng nhiều lô nền cho khách hàng. Mặt khác, thông qua các sàn giao dịch, Cty Hưng Thịnh đã đưa ra nhiều bản đồ phân lô khác nhau để ký hợp đồng với khách hàng; không dựa trên bản đồ phân lô được phê duyệt để xác nhận vị trí lô nền. Cty đưa ra thông tin về giai đoạn mở rộng DA 27ha và 2 bản đồ phân lô tự vẽ để ký hợp đồng.

Bằng các thủ đoạn trên, một số cá nhân trong Cty đã ký hợp đồng bán lô nền vượt quá số lô nền DA được phê duyệt; vượt quá số lô nền trên phần diện tích đất Cty được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ). Thông qua 457 hợp đồng ký với khách hàng, Cty Hưng Thịnh đã thu về hơn 168 tỉ đồng. Trong đó, 271 hợp đồng bán lô nền ngoài phạm vi DA và nhận thanh toán của khách hàng gần 100 tỉ đồng.

Ngoài DA trên, cuối năm 2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh cũng ra quyết định khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại DA chỉnh trang KDC Đất Xanh - Mỹ Hạnh Nam theo kiến nghị khởi tố của UBND tỉnh. “Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh thông báo người dân có mua đất tại DA chỉnh trang KDC Đất Xanh do Cty TNHH Đất Xanh Long An làm chủ đầu tư thì đề nghị đến liên hệ, trình báo vụ việc để phối hợp giải quyết” - thông tin từ Công an tỉnh cho biết.

Về DA này, trước đó, UBND tỉnh đã có kết luận thanh tra và chỉ ra nhiều vi phạm. Theo đó, DA có diện tích 7ha do Cty Đất Xanh Long An làm chủ đầu tư, chưa thực hiện các thủ tục đầu tư, đất đai, môi trường, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy theo quy định. Như vậy, về đất đai, Cty chưa có QSDĐ, đất ở DA vẫn là đất nông nghiệp, đất ở nông thôn. Thế nhưng, Cty đã xây dựng hàng rào, ngang nhiên san lấp một phần đất khoảng 0,9ha, xây dựng hạ tầng kỹ thuật.

Song song đó, Cty đã sai phạm khi ký các hợp đồng nguyên tắc chuyển nhượng QSDĐ trả góp với sản phẩm đất nền, trong khi mục tiêu đầu tư mà tỉnh cho phép là xây dựng nhà ở. Đồng thời, theo chủ trương đầu tư thì tên của DA là chỉnh trang KDC Đất Xanh - Mỹ Hạnh Nam nhưng Cty lại thực hiện các hợp đồng nguyên tắc chuyển nhượng QSDĐ trả góp với người dân dưới tên DA không có thật là chỉnh trang KDC Hưng Thịnh Cát Tường 2.

Cty Đất Xanh Long An còn để cho người không đủ pháp nhân ký hợp đồng giao dịch mua, bán, chuyển nhượng đất nền với người dân. Trước khi có kết luận thanh tra, ngành chức năng đã nhận thông tin, tài liệu do 36 người dân cung cấp với 45 hợp đồng nguyên tắc chuyển nhượng QSDĐ trả góp được sao y chứng thực và có biên lai đóng tiền, số tiền chuyển vào tài khoản của Cty Đất Xanh Long An là hơn 21 tỉ 700 triệu đồng.

“Cơ quan chức năng đã vào cuộc, nhiều người đã nộp đơn khởi kiện ra tòa án nhưng để lấy lại toàn bộ tiền thì rất khó” - ông Nguyễn Anh Tuấn - khách hàng mua nền tại dự án KDC Hưng Thịnh Cát Tường, lo lắng.

Người dân cần cảnh giác, tìm hiểu kỹ

Những năm qua, địa bàn giáp ranh TP.HCM như Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc, DA về nhà ở, kinh doanh BĐS đất nền “nở rộ”. Việc này phần nào đáp ứng nhu cầu của người dân, đồng thời góp phần làm thay đổi diện mạo hạ tầng, đô thị. Bên cạnh những doanh nghiệp kinh doanh thì cũng có nhiều người không có nhu cầu để ở mà đầu tư vào BĐS để sinh lời. Vì nhiều lý do nên giá đất có lúc bị đẩy lên quá cao so với thực tế. Mặt khác, người dân cũng rất dễ bị lừa đảo và mua phải những lô nền ở các DA chưa đủ điều kiện pháp lý.

Thực tế, trong quy định pháp luật như Luật Kinh doanh BĐS 2014, Luật Đất đai 2013 đã có những quy định rất rõ ràng về việc DA được chuyển nhượng đất đai, được bán nhà hình thành trong tương lai. Đơn cử, với đất nền muốn chuyển nhượng phải có QSDĐ, đầu tư một phần hạ tầng theo đúng tiến độ DA thì mới được chuyển nhượng,... Tuy nhiên, trong thực tế, vài năm qua có hàng loạt DA đã bị phát hiện vi phạm. Qua đó, nhiều doanh nghiệp kinh doanh BĐS bị xử phạt hành chính, trong đó có 1 doanh nghiệp bị phạt 275 triệu đồng và 1 doanh nghiệp bị phạt 330 triệu đồng.

Qua tìm hiểu, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có gần 140 DA phát triển nhà ở, BĐS đang triển khai. Thời gian qua, ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra và phát hiện, xử lý vi phạm tại nhiều DA. Nhiều lần trả lời báo chí về vi phạm tại nhiều DA kinh doanh BĐS, Phó Giám đốc Sở Xây dựng - Đặng Thị Thúy Hà cho biết: “Vi phạm chủ yếu tại nhiều DA kinh doanh BĐS là chưa hoàn chỉnh thủ tục đầu tư, đất đai, môi trường, phòng cháy, chữa cháy; xây dựng hạ tầng kỹ thuật khi chưa có giấy phép xây dựng; rao bán, chuyển nhượng lô nền thông qua nhiều hình thức như giữ chỗ, đặt chỗ, đăng ký vị trí khi chưa đủ điều kiện pháp lý,...”.

Để ngăn chặn DA “ma”, lừa đảo, chưa đủ điều kiện pháp lý chuyển nhượng lô nền, UBND tỉnh đã có nhiều chỉ đạo về công tác quản lý nhà nước về thị trường BĐS trên địa bàn tỉnh. Ngoài tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm vi phạm thì yêu cầu chủ đầu tư phải công khai bảng công bố thông tin quy hoạch DA để người dân tiếp cận.

Theo bà Đặng Thị Thúy Hà, Sở Xây dựng thường xuyên theo dõi và công khai các DA kinh doanh BĐS đủ điều kiện, chưa đủ điều kiện bán, chuyển nhượng trên trang web để người dân biết; đồng thời, chủ động phối hợp các phương tiện thông tin đại chúng tuyên truyền và thông tin, phản ánh kịp thời khi phát hiện những DA sai phạm để cảnh báo người dân.

Bên cạnh đó, ngành chức năng cũng khuyến cáo người dân cần tỉnh táo, tìm hiểu kỹ tính pháp lý của các DA kinh doanh BĐS cũng như doanh nghiệp rao bán sản phẩm BĐS để tránh bị lừa đảo, “tiền mất, tật mang” và sau đó dẫn đến khiếu nại, tố cáo, tranh chấp. Trường hợp người mua nếu phát hiện có dấu hiệu lừa đảo thì nhanh chóng trình báo cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý, ngăn chặn kịp thời.

Ông Nguyễn Văn An, ngụ huyện Đức Hòa, kiến nghị: “Những DA lừa đảo hoặc chưa đủ pháp lý nhưng chủ đầu tư đã chơi chiêu “tay không bắt giặc” khi rao bán, chuyển nhượng, nhận tiền của khách hàng để huy động vốn thì phải bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật để răn đe”.

Qua kiểm tra, vi phạm chủ yếu tại các dự án kinh doanh bất động sản là chưa hoàn chỉnh thủ tục đầu tư, đất đai, môi trường, phòng cháy, chữa cháy, xây dựng hạ tầng kỹ thuật khi chưa có giấy phép, rao bán, chuyển nhượng nền thông qua nhiều hình thức như giữ chỗ, đặt chỗ, đăng ký vị trí khi chưa có đủ điều kiện pháp lý,.../.

Vũ Quang

Chia sẻ bài viết