Chỉ còn hơn 15 ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023. Sau một năm làm việc, người lao động (NLĐ) thường trông chờ vào lương, thưởng cuối năm để có thêm một khoản tiền mua sắm chuẩn bị đón một cái tết đủ đầy, hoặc có thêm kinh phí về thăm quê sau thời gian dài lao động xa nhà.
Tuy nhiên, một điều đáng buồn, trong những tháng cuối năm 2022, trước tình trạng thiếu đơn hàng, nhiều doanh nghiệp (DN) trên cả nước giảm giờ làm, chấm dứt hợp đồng lao động với hàng ngàn công nhân, lao động ngay trong những ngày tết đang cận kề. Theo tổng hợp của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tại các DN đã thành lập công đoàn cơ sở, từ tháng 9 đến ngày 10/12/2022, có 1.242 DN tại 44 tỉnh, thành phố gặp khó khăn, bị cắt giảm đơn hàng nên phải giảm giờ làm của gần 500.000 NLĐ. Trong đó, đối tượng đoàn viên, NLĐ bị giảm giờ làm, nghỉ việc luân phiên rất lớn.
Quyết định tạm ngừng việc làm với NLĐ do thiếu đơn hàng trong bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái là điều bất khả kháng, không một DN nào mong muốn. Vì vậy, “trợ lực”, “tiếp sức” cho NLĐ như thế nào để họ có thể xoay xở, trụ vững trước khi tìm được công việc mới và trước mắt là “có tết” là trách nhiệm của cả DN và chính quyền các cấp.
Để chăm lo tết cho NLĐ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có kế hoạch hỗ trợ NLĐ gặp khó khăn do cắt giảm đơn hàng, thu nhập thấp với số tiền 500.000 đồng/đoàn viên, NLĐ. Ngoài ra, tại hội nghị tổng kết Nghị quyết số 68/NQ-CP và Nghị quyết 126/NQ-CP của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 vào ngày 26/12/2022, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - Phan Văn Anh cho biết: “Tổng Liên đoàn đang nghiên cứu để tiếp tục có hỗ trợ cho đoàn viên, NLĐ khi bị thiếu việc làm, cắt giảm đơn hàng, bị mất việc. Chúng tôi dự kiến hỗ trợ đối tượng bị chấm dứt hợp đồng lao động mức 3 triệu đồng/người, đối tượng tạm chấm dứt hợp đồng lao động 2 triệu đồng/người. Còn đối tượng bị ảnh hưởng do cắt giảm đơn hàng mà thu nhập thấp hơn mức lương tối thiểu vùng thì Tổng Liên đoàn sẽ nghiên cứu mức hỗ trợ…”.
Tại Long An, tổ chức Công đoàn, DN, mạnh thường quân cũng như các địa phương kết nối nhiều tấm lòng cùng chăm lo với mục tiêu chung “không để ai không có tết”. Ngoài tổ chức chương trình “Tết sum vầy - Xuân gắn kết”; “Vui xuân đón tết cùng công nhân, lao động” tại 20 khu nhà tập thể, khu nhà trọ trên địa bàn tỉnh; “Phúc lợi đoàn viên - Chợ tết Công đoàn”; “Tấm vé sum vầy - Xuân gắn kết” đưa đoàn viên, NLĐ về quê sum họp với gia đình trong ngày Tết Cổ truyền của dân tộc, Liên đoàn Lao động tỉnh và các cấp Công đoàn còn tổ chức thăm, tặng quà, động viên, chúc tết đoàn viên, NLĐ có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19, bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, bệnh hiểm nghèo, thuộc đối tượng gia đình chính sách,…
Ngoài ra, rất nhiều hoạt động chăm lo tết cho NLĐ được các DN, địa phương nỗ lực triển khai như thăm hỏi, tặng quà tết; hỗ trợ NLĐ bị giảm sâu thu nhập; mất, thiếu việc làm; đảm bảo NLĐ được chi trả đủ lương, tiền thưởng tết;...
Huy động mọi nguồn lực xã hội để đồng hành, chia sẻ với DN trong bối cảnh có nhiều khó khăn, cùng mang tết đến cho NLĐ cũng là mục tiêu mà tỉnh Long An thực hiện trong nhiều năm qua. Thông tin từ cơ quan chức năng, trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, tỉnh huy động các nguồn lực xã hội khoảng 31 tỉ đồng hỗ trợ cho đối tượng công nhân, NLĐ gặp khó khăn, trong đó, hỗ trợ 1 triệu đồng cho người mất việc, 500 ngàn đồng cho người thiếu việc, giảm giờ làm.
Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 đang đến rất gần. Với việc nỗ lực chăm lo một cái Tết đủ đầy, vui tươi, đầm ấm, NLĐ sẽ yên tâm gắn bó lâu dài với DN, bảo đảm nguồn nhân lực ổn định, bền vững, góp phần phát triển Long An ngày càng giàu, đẹp./.
Thanh Tuyền