Tiếng Việt | English

12/07/2023 - 10:07

Chăm sóc sức khỏe, tinh thần người cao tuổi trong bối cảnh già hóa dân số

Người cao tuổi (NCT) là vốn quý, nguồn lực quan trọng của xã hội, rường cột của gia đình và cộng đồng. Chính vì thế, việc triển khai các giải pháp, hoạt động chăm sóc sức khỏe (CSSK), tinh thần NCT đóng vai trò quan trọng, nhất là trong bối cảnh già hóa dân số (DS) hiện nay.

Người cao tuổi được quan tâm chăm sóc sức khỏe

Già hóa dân số và những thách thức

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), NCT là người từ 70 tuổi trở lên. Một số nước quy định NCT từ 65 tuổi trở lên. Tại Việt Nam quy định NCT là người từ đủ 60 tuổi trở lên. Trên thế giới, tỷ lệ người trên 60 tuổi đang tăng lên nhanh chóng hơn bất cứ nhóm tuổi nào do tuổi thọ ngày càng cao và giảm tỷ lệ sinh. Già hóa DS trở thành một trong những vấn đề trọng tâm của các quốc gia trên thế giới. Điều này mang đến những thách thức và cơ hội cho y tế công cộng và sự phát triển KT-XH của các nước.

Trong lời tựa của Báo cáo “Già hóa trong thế kỷ XXI: Thành tựu và thách thức” của Quỹ DS Liên Hợp Quốc (UNFPA), nguyên Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc - Ban Ki-moon chỉ ra rằng: “Ảnh hưởng về kinh tế và xã hội của hiện tượng già hóa DS có ý nghĩa vô cùng quan trọng, không chỉ tác động tới cá nhân NCT và gia đình họ mà còn có tác động rộng hơn tới toàn xã hội và cộng đồng toàn cầu theo những cách thức chưa từng có”.

Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa DS nhanh nhất thế giới. Những người từ 60 tuổi trở lên chiếm gần 12% tổng DS vào năm 2019 và đến năm 2050, con số này sẽ tăng lên trên 25%. Dự báo đến năm 2036, Việt Nam bước vào thời kỳ DS già, chuyển từ xã hội “già hóa” sang xã hội “già”.

Thời gian qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến công tác DS và có sự điều chỉnh trong chính sách để phù hợp với bối cảnh và tình hình thực tế. Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 25/10/2017 về công tác DS trong tình hình mới với quan điểm “tiếp tục chuyển trọng tâm công tác DS từ kế hoạch hóa gia đình sang DS và phát triển”. Đây là “kim chỉ nam” của công tác DS trong tình hình mới.

Nhiều chủ trương, chính sách đi vào cuộc sống nhằm giúp NCT “sống vui, sống khỏe, sống có ích”. Chương trình CSSK NCT đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với mục tiêu chăm sóc, nâng cao sức khỏe NCT (người từ đủ 60 tuổi trở lên) bảo đảm thích ứng với già hóa DS, góp phần thực hiện thành công Chiến lược DS Việt Nam đến năm 2030.

Chương trình đặt ra các mục tiêu cụ thể như 100% cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp ban hành nghị quyết, kế hoạch, đầu tư ngân sách cho CSSK NCT vào năm 2025 và duy trì đến năm 2030; NCT hoặc người thân trực tiếp chăm sóc NCT biết thông tin về già hóa DS, quyền được CSSK của NCT đạt 70% năm 2025 và đạt 85% năm 2030; NCT được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm đạt 70%, được lập hồ sơ theo dõi quản lý sức khỏe đạt 95% năm 2025 và 100% năm 2030; NCT được phát hiện, điều trị, quản lý các bệnh không lây nhiễm (ung thư, tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, sa sút trí tuệ,...) đạt 70% năm 2025 và 90% năm 2030;...

Giúp người cao tuổi sống vui, sống khỏe 

Thời gian qua, các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh tích cực triển khai nhiều giải pháp để chăm sóc toàn diện, giúp NCT “sống vui, sống khỏe, sống có ích”. Ngành Y tế tỉnh nỗ lực củng cố, phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ CSSK ban đầu, phòng, chống bệnh không lây nhiễm cho NCT. Cùng với đó, nhiều hoạt động CSSK NCT được quan tâm thực hiện như lập hồ sơ quản lý sức khỏe NCT tại cơ sở; khám sức khỏe định kỳ, phát thuốc miễn phí;... Chiến dịch CSSK NCT được triển khai, thực hiện tại các trạm y tế xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh giúp NCT được tiếp cận các dịch vụ y tế ngay tại địa phương.

Chi cục trưởng Chi cục DS - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh - Đoàn Văn Ngà cho biết: “Chiến dịch CSSK NCT được duy trì thực hiện trong những năm qua giúp NCT nâng cao sức khỏe và kỹ năng tự chăm sóc bản thân. Ngoài được thăm khám, tham gia chiến dịch, NCT còn được tư vấn biện pháp phòng tránh những bệnh thường gặp như bệnh tim mạch, tăng huyết áp, tiểu đường, xương khớp, bệnh về mắt, tiêu hóa,... và các chế độ sinh hoạt, ăn uống, nghỉ ngơi phù hợp”.

Tại huyện Cần Đước, Chương trình “Mắt sáng Tâm An” do Đoàn Thanh niên Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh phối hợp Trung tâm Mắt Sài Gòn Hikari thực hiện giúp NCT có hoàn cảnh khó khăn được khám, tư vấn và chữa bệnh kịp thời về mắt. Chương trình được thực hiện luân phiên tại thị trấn Cần Đước và 16 xã trên địa bàn huyện. Theo đó, NCT đến khám mắt đều được khám, miễn phí đo thị lực, tầm soát bệnh về mắt, tư vấn những kiến thức phòng, chống, cách điều trị và cấp thuốc miễn phí cho các bệnh đơn giản về mắt.

Nhằm động viên, khích lệ tinh thần NCT, hàng năm, nhân kỷ niệm Ngày truyền thống NCT Việt Nam 06/6 và ngày Quốc tế NCT 01/10, các địa phương trong tỉnh đều tổ chức các hoạt động chúc thọ, mừng thọ NCT. Đây là hoạt động thể hiện sự tôn trọng, tấm lòng hiếu thảo cũng như sự kính trọng của con, cháu đối với các bậc cao niên; đồng thời, nâng cao trách nhiệm của toàn xã hội trong việc quan tâm, động viên NCT tiếp tục có những cống hiến tích cực cho gia đình và xã hội.

Câu lạc bộ Dân vũ thể thao của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam xã Phước Tân Hưng, huyện Châu Thành có 15 thành viên nhưng có trên 90% là người cao tuổi

Bên cạnh đó, nhiều câu lạc bộ (CLB) rèn luyện thể dục - thể thao, vui chơi, giải trí dành cho NCT đã trở thành sân chơi bổ ích, mang đến niềm vui và sức khỏe cho NCT. Đều đặn mỗi tuần 2 ngày, vào lúc 17 giờ, các thành viên CLB Dân vũ thể thao của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam xã Phước Tân Hưng, huyện Châu Thành, tỉnh Long An cùng nhau tập luyện các bài tập dân vũ. Tiếng nhạc vang lên, các thành viên CLB hăng say tập luyện. Được biết, CLB có 15 thành viên nhưng có trên 90% là NCT.

Đến với CLB, mỗi người một hoàn cảnh nhưng đều có một điểm chung là sức khỏe lẫn tinh thần có xu hướng giảm dần theo năm tháng. Họ cùng tham gia sinh loạt CLB để giúp nhau cải thiện sức khỏe, có thêm niềm vui trong cuộc sống. Bà Đoàn Thị Mười (SN 1956, ngụ ấp 2, xã Phước Tân Hưng) chia sẻ: “Khi chưa tham gia CLB, tôi hay bị đau nhức xương khớp, mỏi tay chân. Với mong muốn cải thiện sức khỏe, chúng tôi tập hợp để cùng nhau tập luyện. Đến nay, chúng tôi tập được 3 bài và đã biểu diễn phục vụ các hội nghị tại UBND xã nhiều lần. Từ khi tham gia CLB đến nay, tôi thấy sức khỏe của bản thân và các chị em được cải thiện đáng kể”.

Trước bối cảnh già hóa DS đòi hỏi cần phải có những giải pháp thiết thực chăm lo toàn diện NCT như tiếp tục xây dựng gia đình kiểu mẫu “ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền, vợ chồng hòa thuận, anh chị em đoàn kết, thương yêu nhau”; kính trọng, bảo vệ và chăm sóc NCT; bảo trợ, giúp đỡ NCT gặp khó khăn, neo đơn;... Qua đó, giúp NCT “sống vui, sống khỏe, sống có ích”; phát huy trí tuệ, kinh nghiệm sống, lao động, học tập của NCT trong xã hội, cộng đồng và gia đình./.

Huỳnh Hương

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích