Tăng cường quản lý
Thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về đất đai từng bước đi vào nề nếp, đạt một số kết quả nhất định, góp phần phát triển KT-XH và ổn định cuộc sống người dân.
Tuy nhiên, gần đây, một số địa phương trong tỉnh có dấu hiệu buông lỏng quản lý dẫn đến xảy ra vi phạm. Theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) - Phan Nhân Duy, việc chuyển mục đích SDĐ và XDTP trên địa bàn tỉnh còn diễn ra khá nhiều. Nguyên tắc, các trường hợp vi phạm phải được xử lý nghiêm. Sở đề xuất các giải pháp cụ thể để chấn chỉnh đối với các trường hợp vi phạm. Trong đó, các trường hợp vi phạm phù hợp với quy hoạch (QH) SDĐ và các QH liên quan khác, cơ quan chức năng (theo thẩm quyền) hướng dẫn người vi phạm thực hiện hợp thức hóa thủ tục về đất đai và xây dựng để tồn tại.
Trên địa bàn tỉnh, có gần 7.000 trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất và xây dựng trái phép
Các hộ gia đình, cá nhân vi phạm về chuyển mục đích SDĐ xây dựng nhà ở nhưng không phù hợp với QH SDĐ, UBND các địa phương xem xét, có giải pháp để người dân ổn định cuộc sống. Đối với vi phạm của hộ gia đình xây dựng nhà ở trong hành lang lộ giới, nếu không hạn chế tầm nhìn của các phương tiện tham gia giao thông thì lập biên bản vi phạm lưu trữ hồ sơ, xem xét cho tồn tại nhưng phải có cam kết bảo đảm thực hiện việc tháo dỡ không bồi thường khi Nhà nước có nhu cầu SDĐ.
Đối với các trường hợp vi phạm là công trình nhà kho, nhà xưởng sản xuất, kinh doanh dịch vụ không phù hợp với QH SDĐ, các QH khác liên quan thì buộc người SDĐ tháo dỡ công trình, trả lại hiện trạng ban đầu hoặc quy định thời gian thực hiện việc di dời vào các khu, cụm công nghiệp có QH ngành nghề phù hợp.
Các trường hợp sai phạm nghiêm trọng về đất đai, xây dựng làm phá vỡ QH chung của địa phương buộc phải cưỡng chế tháo dỡ, khôi phục, trả lại hiện trạng ban đầu. Ngoài ra, sở tham mưu UBND tỉnh các giải pháp để chỉ đạo sở, ngành, UBND cấp huyện, thị xã Kiến Tường, TP.Tân An tăng cường kiểm tra, rà soát, kịp thời ngăn chặn việc chuyển mục đích SDĐ và XDTP trên địa bàn.
Chuyển biến từ Chỉ thị số 12/CT-UBND
Để chấn chỉnh tình trạng trên, ngày 28/6/2017, UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 12/CT-UBND về việc tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý vi phạm về chuyển mục đích SDĐ và XDTP. Các sở, ngành, địa phương liên quan xác định rõ ràng trách nhiệm, phối hợp nhau chấn chỉnh, xử lý các trường hợp vi phạm, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.
Tại Đức Hòa, huyện phối hợp sở, ngành liên quan xử lý 428 trường hợp vi phạm, phạt hành chính với số tiền hơn 3,5 tỉ đồng. Chủ tịch UBND huyện Đức Hòa - Trần Văn Lành cho biết: Huyện thành lập đoàn thanh tra để kiểm tra, chấn chỉnh tình trạng trên. Đối với các trường hợp vi phạm nhưng phù hợp QH chung, huyện hướng dẫn làm thủ tục hợp thức hóa theo đúng quy định, còn không phù hợp với QH sẽ vận động, cho thời gian để di dời. Bên cạnh đó, huyện tổ chức quán triệt Chỉ thị số 12 của UBND tỉnh cho các địa phương, phòng, ban liên quan để thực hiện nghiêm túc, tuy còn chậm nhưng bước đầu có nhiều chuyển biến tích cực. Đức Hòa kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành tỉnh có cơ chế phối hợp đồng bộ trong việc ngăn chặn các hành vi vi phạm về trật tự xây dựng (không cung cấp điện, nước phục vụ việc thi công xây dựng các công trình không phép). Sở Xây dựng cần hướng dẫn địa phương xử lý các trường hợp xây dựng nhà xưởng, nhà kho trên đất ở nông thôn để huyện thực hiện đúng quy định pháp luật về đất đai và xây dựng.
Huyện Cần Giuộc triển khai thực hiện Chỉ thị số 12 của UBND tỉnh một cách nghiêm túc. UBND huyện ban hành 13 văn bản chỉ đạo liên quan đến vấn đề này. Từ tháng 6/2017 đến nay, huyện ban hành 20 quyết định cưỡng chế vi phạm lĩnh vực đất đai và xây dựng. Theo Chủ tịch UBND huyện Cần Giuộc - Nguyễn Tuấn Thanh, từ sự tập trung quyết liệt của huyện, tình hình phân lô, bán nền, xây dựng các khu dân cư trái phép trên địa bàn cơ bản được ngăn chặn, nhất là việc chuyển mục đích trái phép từ đất nông nghiệp để xây dựng khu dân cư phân lô đã chấm dứt. Tuy nhiên, việc tổ chức xử lý, khắc phục hậu quả của các vi phạm còn chậm, tốn nhiều kinh phí, không có nguồn để xử lý triệt để. Đối với các trường hợp vi phạm nhưng phù hợp với QH, kế hoạch SDĐ, huyện sẽ hướng dẫn người dân lập thủ tục theo đúng quy định. UBND huyện không giải quyết hợp thức hóa đối với tất cả trường hợp chuyển mục đích SDĐ với diện tích lớn để xây dựng hạ tầng, sau đó tách thửa hình thành các khu dân cư tự phát, theo đúng tinh thần Chỉ thị số 12 của UBND tỉnh.
Người dân tự tháo dỡ công trình vi phạm (ảnh chụp tại huyện Cần Giuộc)
Huyện đề xuất tỉnh bổ sung QH SDĐ đến năm 2020 của huyện các khu dân cư nông thôn có quy mô 5-10ha để lựa chọn đơn vị đầu tư, bảo đảm hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, đáp ứng nhu cầu đất ở nông thôn cho người dân, khắc phục tình trạng do không đáp ứng nhu cầu chỗ ở dẫn đến việc hình thành các điểm dân cư nhỏ, lẻ, phân lô, bán nền. Đồng thời, đôn đốc triển khai các dự án QH, tổ chức thực hiện tốt công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư kịp thời cho người dân vùng QH; thường xuyên theo dõi, rà soát tình hình thực hiện các dự án, đề xuất UBND tỉnh xử lý các trường hợp QH kéo dài, không đủ năng lực thực hiện.
Giám đốc Sở Xây dựng - Nguyễn Văn Hùng thông tin, từ khi UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 12, tình hình XDTP trên địa bàn có chiều hướng giảm. Sở tiếp tục giao Thanh tra sở tăng cường kiểm tra, ngăn chặn kịp thời tình trạng XDTP; phối hợp Sở TN&MT hỗ trợ, đôn đốc UBND các địa phương thực hiện việc rà soát, thống kê, kiểm tra đối với các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình sai phạm trên lĩnh vực xây dựng để có hướng xử lý phù hợp. Bên cạnh đó, sở sẽ tổ chức tập huấn nghiệp vụ về thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm hành chính lĩnh vực xây dựng và quán triệt lại nội dung Quyết định số 55/2016/QĐ-UBND, ngày 10-10-2016 của UBND tỉnh quy định chung về quản lý QH, kiến trúc công trình được miễn giấy phép xây dựng ở nông thôn trên địa bàn cho cán bộ cấp huyện, xã để thống nhất việc kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các công trình xây dựng được miễn phép ở nông thôn, nhằm đáp ứng yêu cầu kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực xây dựng trong thời gian tới.
Ông Phan Nhân Duy nhận định: Chỉ thị số 12 của UBND tỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý lĩnh vực đất đai cũng như xây dựng. UBND tỉnh thành lập tổ công tác do sở làm tổ trưởng để rà soát, kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị số 12 tại các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Qua kiểm tra, các huyện, thị xã, thành phố triển khai Chỉ thị số 12 đến từng xã, phường, thị trấn để tăng cường trách nhiệm trong công tác; tình hình sai phạm về chuyển mục đích SDĐ và XDTP tại các huyện, thị xã, thành phố có chiều hướng giảm, ý thức tuân thủ pháp luật của các tổ chức, cá nhân về lĩnh vực này có sự chuyển biến tích cực.
Bên cạnh đó, sở tăng cường tổ chức tập huấn nghiệp vụ về thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính trên lĩnh vực TN&MT cho cán bộ cấp huyện, xã nhằm đáp ứng chuyên môn trong thời gian tới; rà soát, tham mưu UBND tỉnh sửa đổi Quyết định số 65/2016/QĐ-UBND, ngày 05-12-2016 quy định về diện tích tối thiểu được tách thửa với đất ở và đất nông nghiệp nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước lĩnh vực đất đai trên địa bàn tỉnh; tiếp tục thanh tra công tác quản lý SDĐ đối với một số địa phương có tình hình vi phạm phức tạp. Ngoài ra, sở chủ trì, phối hợp Sở Xây dựng, Giao thông Vận tải, Công Thương và Công ty Điện lực Long An nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh việc ngưng cung cấp điện và không cung cấp điện sản xuất cho các tổ chức, cá nhân khi chưa có quyết định chủ trương đầu tư của UBND tỉnh và các thủ tục pháp lý về đất đai, xây dựng, bảo vệ môi trường.
Dù có sự chuyển biến nhưng tổ công tác tiến hành kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị số 12 của UBND tỉnh tại các địa phương quá sớm nên sự chuyển biến trong công tác này còn chưa cụ thể, rõ ràng. Vì thế, sở tham mưu UBND tỉnh tiếp tục thành lập tổ công tác để kiểm tra lại việc thực hiện Chỉ thị số 12 của các địa phương vào cuối năm 2018 để có cơ sở đánh giá kết quả thực hiện một cách chính xác - ông Phan Nhân Duy thông tin./.
Thanh Mỹ