CTNT là phương pháp sử dụng máy để lọc máu ngoài thận nhằm kéo dài sự sống cho người mắc bệnh suy thận mạn giai đoạn cuối. Trước đây, tại tỉnh Long An, chỉ có Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Long An được trang bị đầy đủ trang thiết bị để thực hiện kỹ thuật hiện đại này. Những bệnh nhân tại các địa phương khác trong tỉnh được chỉ định CTNT nhưng không ở gần khu vực TP.Tân An buộc phải đến các cơ sở y tế ngoài công lập, ngoài tỉnh để thực hiện với chi phí cao. Đồng thời, bệnh nhân CTNT còn tốn thêm rất nhiều tiền bạc để trang trải các khoản phí đi lại, ăn ở,... nếu ở xa cơ sở điều trị.
Thời gian qua, Sở Y tế Long An phối hợp BV Chợ Rẫy triển khai CTNT tại một số BVĐK khu vực, BV tuyến huyện trên địa bàn tỉnh với sự hướng dẫn, hỗ trợ chuyên môn trực tiếp từ Trưởng khoa Thận nhân tạo BV Chợ Rẫy - Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn, mở đầu là BVĐK khu vực Hậu Nghĩa (thị trấn Hậu Nghĩa, huyện Đức Hòa) vào ngày 25-1-2016.
CTNT tại các BVĐK khu vực, BV tuyến huyện giúp bảo đảm tính công bằng trong khám, chữa bệnh và giúp người dân ở vùng sâu, vùng xa tiếp cận kỹ thuật cao trong y học
Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, BVĐK khu vực Hậu Nghĩa - Bác sĩ Bùi Văn Vũ cho biết: “Sau 6 tháng hoạt động ổn định, việc CTNT tại BV được bệnh nhân và gia đình rất tin tưởng, phấn khởi. Trước đây, các bệnh nhân này phải chạy thận tại TP.HCM như BV Chợ Rẫy, BV Xuyên Á hay BV Củ Chi,... nhưng những cơ sở y tế này thường xuyên quá tải. Sau khi được trang bị 5 máy CTNT, BV giải quyết nhu cầu của khoảng 30 bệnh nhân với 3 ca liên tục/ngày. Nếu bệnh nhân có bảo hiểm y tế thì chi phí mỗi lần chạy thận chỉ còn 150.000 đồng, thay vì trên 600.000 đồng/lần CTNT.
Tiếp nối thành công đó, ngày 6-4-2016, Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Bến Lức cũng triển khai CTNT để đáp ứng nhu cầu của bệnh nhân trên địa bàn cùng các khu vực lân cận. Ông Đỗ Tấn Trung (63 tuổi), ở ấp 3, xã Phước Vân, huyện Cần Đước cho biết: “Tôi bị suy thận mạn đã 8 năm. Trước đây, tôi chạy thận ở BV Đức Khang (quận 5, TP.HCM) và phải đi từ 3 giờ sáng. Khi được đăng ký CTNT tại TTYT huyện Bến Lức, tôi có thêm niềm tin, sức khỏe để sống lâu với con cháu”.
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Long An - Tiến sĩ, Bác sĩ Võ Thị Dễ, BVĐK Long An thực hiện CTNT được nhiều năm, tuy nhiên, nhu cầu chạy thận của bệnh nhân rất nhiều mà chúng ta không thể đáp ứng được, và rất nhiều người phải đi tuyến trên để thực hiện kỹ thuật này. Trong khi đó, lên tuyến trên thì tốn rất nhiều chi phí, tiền xe cộ, ăn ở, đi lại,... vô cùng bất tiện, nhất là với những người thu nhập thấp.
Chúng tôi đã lập kế hoạch và nhận được sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cũng như các sở, ngành ủng hộ ngành Y tế tiếp tục triển khai CTNT ở các huyện khác. Với địa bàn trải dài của tỉnh, nhất là người dân ở xa như vùng Đồng Tháp Mười, việc đưa kỹ thuật cao phục vụ người dân sẽ bảo đảm được tính công bằng trong khám, chữa bệnh và giúp người dân ở vùng sâu, vùng xa tiếp cận kỹ thuật cao trong y học – Tiến sĩ, Bác sĩ Võ Thị Dễ cho biết thêm.
Được biết, BVĐK khu vực Đồng Tháp Mười cũng vừa triển khai CTNT vào cuối tháng 5-2016, tạo sự thuận lợi cho bệnh nhân tại các huyện: Tân Thạnh, Tân Hưng, Vĩnh Hưng và thị xã Kiến Tường,... cùng một vài tỉnh lân cận.
Dù chưa thể bao phủ hết tất cả các địa phương, dù máy CTNT chỉ đáp ứng được một số lượng bệnh nhân nhất định nhưng với những nỗ lực của ngành Y tế, tâm huyết của các y, bác sĩ chuyển giao kỹ thuật cao về các BV tuyến huyện nhằm duy trì sự sống của những bệnh nhân bị suy thận mạn giai đoạn cuối. Không còn tất tả chờ đợi, lặn lội đường xa, tất bật, lo toan với tiền ăn, tiền trọ, bỏ hết công ăn, việc làm, chạy thận 1 tuần 3 lần. Hy vọng rằng, các địa phương khác trong tỉnh tiếp tục được tiếp nhận máy CTNT, giúp những bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối có thêm niềm tin, hy vọng sống./.
Cát Tường