Tiếng Việt | English

23/06/2023 - 16:48

Chế độ ăn uống cân bằng giúp trẻ phát triển toàn diện

Dinh dưỡng hợp lý là nền tảng của sức khỏe và trí tuệ. Một chế độ ăn uống cân bằng không chỉ đáp ứng đủ nhu cầu cơ thể của trẻ trong các giai đoạn phát triển khác nhau mà còn tăng cường hệ miễn dịch, giúp đẩy lùi bệnh tật.

Cần xây dựng thực đơn đầy đủ dinh dưỡng trong mỗi bữa ăn hàng ngày và tập cho trẻ thói quen ăn uống lành mạnh

Cho trẻ khởi đầu tốt nhất

Làm cha mẹ, ai cũng mong muốn cho con mình một khởi đầu tốt nhất. Con ăn khỏe, ăn ngoan, không quấy khóc là mong muốn chung của các bậc phụ huynh. Chính vì thế, nhiều cha mẹ tích cực tìm kiếm các giải pháp dinh dưỡng an toàn, cân bằng để con phát triển khỏe mạnh. Các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo, việc đầu tư vào chăm sóc và dinh dưỡng cho trẻ đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao thể lực và khả năng miễn dịch để phòng, chống các bệnh nhiễm khuẩn thường gặp như viêm phổi, tiêu chảy, đặc biệt còn giúp dự phòng bệnh béo phì, tiểu đường và các bệnh mạn tính khác sau này.

Việt Nam là một trong những quốc gia đối mặt với gánh nặng suy dinh dưỡng ở trẻ em. Đây là tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng, phổ biến ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, đặc biệt là trẻ dưới 3 tuổi. Mỗi năm, cả nước có trên 230.000 trẻ em bị bệnh suy dinh dưỡng cấp tính nặng (trẻ em dưới 6 tuổi). Cùng với cả nước, thời gian qua, tỉnh triển khai nhiều giải pháp cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Qua số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho thấy, hiện tỷ lệ suy dinh dưỡng cân nặng theo tuổi chiếm 7,3%; suy dinh dưỡng chiều cao theo tuổi chiếm 17,3%.

Một trong những nguyên nhân khiến trẻ biếng ăn, chậm lớn là khi cha mẹ xây dựng thực đơn cho trẻ thường không bảo đảm sự cân bằng về dinh dưỡng. Chị Nguyễn Thị Yến Ngọc (xã Lạc Tấn, huyện Tân Trụ) chia sẻ: “Trước đây, do e ngại thực phẩm bẩn nên tôi không cho con ăn các loại mỡ động vật, trái cây, rau, củ. Đến khi con trai tôi 3 tuổi nhưng cân nặng chỉ có 10kg, tôi rất lo lắng vì sợ bé bị thiếu chất dẫn đến suy dinh dưỡng. Khi đưa bé đi khám dinh dưỡng, tôi được bác sĩ tư vấn, xây dựng chế độ dinh dưỡng phải đầy đủ các nhóm chất, phù hợp theo đúng lứa tuổi, tình trạng của bé. Đối với những trẻ suy dinh dưỡng cần tăng chất béo tối đa theo nhu cầu”.

Để trẻ khỏe mạnh, phát triển toàn diện, cần có một chế độ dinh dưỡng bảo đảm về số lượng và cân đối chất lượng

Viện Dinh dưỡng Quốc gia Việt Nam khuyến cáo một bữa ăn cân đối cần đủ 4 nhóm thực phẩm chính: Bột đường (gạo, bột mì, khoai lang, bắp,...), chất đạm (thịt, cá, trứng, sữa, các loại đậu,...), chất béo (mỡ động vật, dầu thực vật), nhóm vitamin và khoáng chất (các loại rau, củ, quả,...). Dinh dưỡng hợp lý là nền tảng của sức khỏe và trí tuệ. Do đó, phụ huynh cần chú trọng các nhóm chất trong bữa ăn hàng ngày của trẻ.

Thói quen ăn uống lành mạnh

Theo các chuyên gia, thói quen ăn uống đa dạng, cân bằng và lành mạnh sẽ làm cho hệ vi sinh vật phát triển ổn định, giúp trẻ hấp thụ chất dinh dưỡng tốt hơn. Ngược lại, nếu trẻ có chế độ ăn uống không lành mạnh sẽ gây mất ổn định cho hệ vi sinh vật đường ruột, dẫn đến kém hấp thu và rối loạn chuyển hóa. Vì thế, cha mẹ nên giúp trẻ xây dựng thói quen ăn uống lành mạnh từ sớm như ăn đa dạng các loại rau, củ, trái cây hoặc sản phẩm chứa lợi khuẩn. Bên cạnh đó, cần hạn chế các thực phẩm giàu chất béo bão hòa, thức ăn nhanh, ít chất xơ, nhiều đường như nước ngọt, bánh, kẹo,...

Những món ăn được trình bày đẹp mắt, nhiều màu sắc sẽ thu hút, kích thích khẩu vị ăn uống của trẻ

Chị Trần Thị Ngọc Lan (phường Tân Khánh, TP.Tân An) cho biết: “Tôi cố gắng tập cho con thói quen ăn uống lành mạnh ngay từ nhỏ và ưu tiên sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên như sữa bột hữu cơ. Để bé yêu thích ăn trái cây, rau, củ, tôi dành thời gian trang trí thành các hình dễ thương. Những món ăn được trình bày đẹp mắt, nhiều màu sắc sẽ thu hút, kích thích khẩu vị ăn uống của bé hơn”.

Để trẻ khỏe mạnh, phát triển toàn diện, cần có một chế độ dinh dưỡng bảo đảm về số lượng và cân đối chất lượng. Nếu trẻ không được cung cấp các chất dinh dưỡng đầy đủ và cân đối sẽ dẫn đến những bệnh thừa hoặc thiếu chất dinh dưỡng, ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển toàn diện của trẻ cả về thể chất, tâm thần và vận động. Vì vậy, các bậc phụ huynh cần xây dựng thực đơn đầy đủ dinh dưỡng trong mỗi bữa ăn hàng ngày và tập cho trẻ thói quen ăn uống lành mạnh./.

Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho sức khỏe và sự phát triển toàn diện của trẻ. Tổ chức Y tế Thế giới và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc khuyến khích các bà mẹ nên nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời, bởi sữa mẹ được ví như vắc-xin đầu tiên cho trẻ sơ sinh, với nhiều chất dinh dưỡng và kháng thể bảo vệ trẻ khỏi nhiều bệnh tật. Tiếp tục nuôi con bằng sữa mẹ sau 6 tháng đầu, cho đến khi trẻ được 2 tuổi hoặc lâu hơn nữa, kết hợp với bổ sung các thức ăn an toàn và phù hợp là phương thức nuôi trẻ tốt nhất. Thời điểm cho trẻ ăn bổ sung (ăn dặm) là khi trẻ tròn 6 tháng tuổi (180 ngày), do nhu cầu của trẻ tăng cao, sữa mẹ không đáp ứng đủ, vì vậy cần bổ sung thêm thức ăn cho trẻ.

Thùy Minh

Chia sẻ bài viết


Bộ sưu tập Glenfiddich chính hãngGia công máy vặt lông gà inox giá rẻ