Tiếng Việt | English

10/11/2024 - 06:30

Chí thú làm ăn, thoát nghèo bền vững

Nhờ được sự hỗ trợ từ Nhà nước, nhà hảo tâm và nỗ lực của bản thân,
nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo bền vững.

1. Trước năm 2016, anh Nguyễn Văn Khương là hộ nghèo của ấp 1A, xã Long Sơn, huyện Cần Đước, tỉnh Long An. Căn nhà cũ của anh ọp ẹp, không chắc chắn. Anh làm nghề mua bán ve chai nhưng do không có vốn mở rộng nên hay bị “thiếu trước hụt sau”.

Biết hoàn cảnh gia đình anh, chính quyền địa phương phối hợp Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện xét cho anh vay 70 triệu đồng với lãi suất ưu đãi cho hộ nghèo, cận nghèo. Có vốn, anh bớt được nỗi lo và mở rộng kinh doanh ve chai. Công việc tiến triển thuận lợi, anh có tiền sửa lại căn nhà vững chãi.

Nhận thấy quê vợ (ấp Phú Ân, xã Phước Lý, huyện Cần Giuộc) đang phát triển mạnh, dân cư đông, dễ mua bán, anh về đây mở thêm một điểm thu mua phế liệu. Thời gian sau, anh xây thêm ngôi nhà cấp 4 trên phần đất cha mẹ vợ cho. Anh thuê một bãi đất trống gần nhà làm kho chứa hàng. Tuy chỉ mua bán nhỏ, lẻ nhưng anh vẫn bảo đảm các tiêu chí an toàn, phòng, chống cháy, nổ, trong kho có trang bị bình chữa cháy.

Nơi để ve chai của anh Nguyễn Văn Khương (ấp 1A, xã Long Sơn, huyện Cần Đước) được trang bị bình chữa cháy

Công việc thuận lợi, anh Khương chăm lo tốt cho 2 người con về vật chất lẫn tinh thần. Có điều kiện, anh giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn hơn trong khả năng của mình. Khi mua được chiếc xe đạp nào còn chắc chắn, anh bán lại cho những người bán vé số dạo với giá vốn. Biết được hoàn cảnh gia đình nào còn khổ, anh cũng đóng góp ít nhiều. Hiện tại, anh và vợ đang tích cóp, định sang năm học bằng lái và mua xe tải để phục vụ công việc.

Anh Khương chia sẻ: “Tôi rất cảm ơn Nhà nước đã tạo điều kiện cho gia đình có vốn làm ăn, nếu không nhờ số tiền đó chắc cuộc sống không được như bây giờ”.

Theo Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp 1A, xã Long Sơn (huyện Cần Đước) - Tống Thành Khương, anh Nguyễn Văn Khương chịu khó, cần cù. Khi nhận được số tiền vay, anh chí thú làm ăn và nhanh chóng thoát nghèo bền vững.

2. Tiếp chúng tôi trong căn nhà vừa được sửa chữa tại ấp Phước Kế (xã Phước Lâm, huyện Cần Giuộc), bà Tô Thị Hương không giấu được nỗi vui mừng bởi đây là thành quả của những tháng ngày cần cù lao động.

Cha mẹ sinh ra lành lặn, đến năm 3 tuổi, bà bị sốt bại liệt dẫn đến tàn tật. Không thể lao động nặng, năm 18 tuổi, bà học nghề may; đến năm 25 tuổi, bà kết hôn. Chồng bà cũng là người khuyết tật. Bà may đồ, ông làm hồ, 2 con người “đồng bệnh tương lân”, thương nhau, lấy nhau, cùng đắp xây hạnh phúc. Một năm sau, đứa con trai đầu lòng ra đời. Niềm vui của ông bà dâng gấp bội khi đứa trẻ khỏe mạnh, lành lặn.

Bà Hương kể, hoàn cảnh lúc đó rất khó khăn, trên miếng đất cha mẹ cho, ông bà chỉ xây được ngôi nhà nhỏ đơn sơ, “thiếu trước hụt sau”.
Thấy vậy, chính quyền địa phương xây tặng bà ngôi nhà tình thương. Sau đó, bà làm đơn tham gia chương trình Vượt lên chính mình. Nhờ chương trình này mà bà trả hết nợ, có tiền mua cho con chiếc xe đạp đến trường. Nhưng niềm vui chẳng kéo dài được lâu, năm 2014, chồng bà mất. Lúc đó, con trai bà đang học cao đẳng năm cuối, bao nhiêu gánh nặng dồn lên vai bà.

Bà Tô Thị Hương (ấp Phước Kế, xã Phước Lâm, huyện Cần Giuộc) may quần áo tại nhà để có thu nhập

Bà Hương nghĩ: “Mình đã khổ rồi, không thể để con khổ nữa”. Bởi vậy, bà quyết tâm dù cực khổ tới đâu cũng phải nuôi con ăn học thành tài. Con của bà ngoan, thương mẹ, vừa học, vừa làm. Bà may nhiều hơn, chi tiêu ít lại, bán thêm tạp hóa. Biết hoàn cảnh bà, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Phước Lâm phối hợp Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho bà vay 50 triệu đồng để giải quyết việc làm. Nhiều nhà hảo tâm cũng hỗ trợ để bà có cơ sở làm ăn.

Với sự giúp đỡ ấy, cộng thêm nỗ lực tự thân, đến năm 2019, bà thoát cận nghèo. Hiện tại, cuộc sống của bà khá hơn xưa. Con trai bà mở lớp dạy Yoga, lập gia đình, thu nhập ổn định. Năm 2023, bà Tô Thị Hương được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tặng giấy khen cho gương phụ nữ khuyết tật, vượt khó thành công.

Khi Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Phước Lâm - Kiều Thị Ánh Nguyệt nắm tay bà nói mấy lời chân tình, bà khóc. Đó là những giọt nước mắt của hạnh phúc, niềm vui, bởi bà đã thật sự vượt lên chính mình./.

Châu Thanh

Chia sẻ bài viết