Tiếng Việt | English

08/08/2017 - 14:14

Chỉ tiêu nước sạch nông thôn còn nhiều khó khăn

Từ thực tế xây dựng nông thôn mới (XDNTM) tại các địa phương, để đạt 19/19 tiêu chí theo bộ tiêu chí mới rất khó, đòi hỏi nỗ lực lớn. Một trong những khó khăn đó chính là chỉ tiêu người dân sử dụng nước sạch (NS), khi bộ tiêu chí mới quy định đến năm 2020, tỷ lệ người dân sử dụng NS phải đạt ≥65%.


Nhiều địa phương, người dân vẫn chưa có nước hợp vệ sinh để sử dụng

Nhiều hộ dân sử dụng nước kênh

Những năm qua, từ việc huy động, lồng ghép các nguồn vốn khác nhau, nhiều công trình cấp nước sinh hoạt phục vụ nhu cầu của người dân được đầu tư xây dựng. Những công trình này mang lại hiệu quả rõ rệt, bảo đảm đủ nước sinh hoạt và chất lượng nước, giúp nâng cao sức khỏe, chất lượng cuộc sống người dân. Tuy nhiên, các công trình cấp nước sinh hoạt này đa phần chỉ đáp ứng về nước hợp vệ sinh (HVS), còn tỷ lệ hộ dân sử dụng NS rất thấp, phần lớn tập trung tại các vùng đô thị hoặc các địa phương phát triển về công nghiệp, dịch vụ.

Xã Hưng Thạnh, huyện Tân Hưng được UBND tỉnh Long An công nhận đạt chuẩn NTM vào năm 2015 nhưng đến nay vẫn còn một số tiêu chí cần tiếp tục đầu tư thực hiện. Cụ thể, tiêu chí về môi trường, trong đó có chỉ tiêu nước HVS còn thấp, đến nay, tỷ lệ hộ sử dụng nước HVS trong xã chỉ đạt 82,8%. Hiện, xã còn hơn 120 hộ dân chưa được sử dụng nước HVS, trong đó có 85 hộ dân sinh sống cặp tuyến kênh CoBe, ấp Hưng Thuận và 37 hộ dân sống cặp tuyến kênh T35, ấp Hưng Thành.

Chị Huỳnh Thị Chính, ngụ ấp Hưng Thành cho biết: “Do không có nguồn nước HVS sử dụng nên hàng ngày, gia đình tôi cũng như những hộ dân ở đây phải sử dụng nước kênh dù biết nguồn nước này không bảo đảm vệ sinh”.

Tương tự hoàn cảnh của 120 hộ dân xã Hưng Thạnh là trường hợp của hơn 20 hộ dân ấp Bàu Sen, xã Khánh Hưng. Kênh Bệnh Viện đầy những phế phẩm từ thuốc bảo vệ thực vật, rác thải sinh hoạt nhưng do không có nước HVS sử dụng, các hộ dân khu vực này đành phải chấp nhận dùng nước ô nhiễm từ kênh Bệnh Viện.

Chị Hồ Thị Lùng, ngụ ấp Bàu Sen, xã Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng chia sẻ: “Tuyến kênh Bệnh Viện dài hơn 3km, mỗi mùa vụ, các loại thuốc hóa học của hàng trăm hécta lúa cặp 2 bên tuyến kênh xả xuống đây nhưng hơn 20 hộ dân sinh sống cặp tuyến kênh này đành chấp nhận lấy nguồn nước từ kênh lên lắng phèn để nấu ăn, uống, tắm, giặt. Vào mùa lũ, các bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật trôi lềnh bềnh dưới lòng kênh, trong khi đây là nguồn nước sử dụng duy nhất của người dân. Những hộ nào có điều kiện hơn thì dùng máy bơm lấy nước từ dưới kênh lên lắng phèn, còn những hộ không có điều kiện phải dùng can, xô nhựa ra kênh lấy nước về sử dụng, thậm chí nhiều người còn tắm giặt ngay tại kênh”.


Nhiều hộ dân vẫn phải sử dụng nước kênh

Chỉ tiêu khó

Hiện ở nhiều địa phương, kể cả xã đạt chuẩn NTM, trong tiêu chí môi trường mới chỉ đánh giá chỉ tiêu nước HVS, còn chỉ tiêu về NS vẫn chưa thể đánh giá vì không có cơ sở xác định nước đó HVS hay chưa HVS. Bởi tiêu chuẩn chất lượng nước sinh hoạt theo quy chuẩn 02 năm 2009 của Bộ Y tế phải bảo đảm 14 chỉ tiêu, trong đó các tiêu chí về: Nitrat, clorua, asen, sắt, chì, mangan, thủy ngân,... địa phương không thể tự đánh giá mà cần phải có cơ quan chuyên môn kiểm nghiệm, xác định.

Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Thạnh, huyện Tân Hưng - Ngân Văn Giang cho biết, địa phương được huyện đầu tư 600 triệu đồng thi công trạm cấp nước và chuyển tải đường ống hơn 6,5km từ ấp Hưng Trung về phục vụ 85 hộ dân đang sinh sống cặp tuyến kênh CoBe. Riêng đối với 37 hộ dân sống cặp tuyến kênh T35, địa phương đang khảo sát, lập dự toán trình UBND huyện cho chủ trương đấu nối đường dẫn từ tuyến Tân Hưng - Hưng Điền phục vụ người dân. Nếu 2 khu vực này được thi công hoàn thành thì nâng tỷ lệ hộ dân sử dụng nước HVS trên địa bàn lên 98%. Tuy nhiên, cái khó là 2 trạm cấp nước trên địa bàn được bàn giao cho Công ty Cổ phần Đô thị Tân Hưng quản lý, khai thác, địa phương chỉ đánh giá được tỷ lệ hộ dân sử dụng nước HVS, riêng NS chưa thể thực hiện được.

Còn theo Chủ tịch UBND xã Thạnh Hưng - Huỳnh Văn Hùng, tỷ lệ hộ sử dụng NS của xã hiện còn rất thấp, xã chỉ đánh giá tỷ lệ hộ dân sử dụng nước HVS vì xã có 3 trạm cấp nước thì 1 trạm sử dụng nguồn nước mặt được bơm lên sau đó đưa vào bồn chứa và truyền dẫn đến người dân sử dụng, 2 trạm còn lại cũng chỉ lấy nước từ giếng khoan sau đó truyền dẫn cho người dân sử dụng. Tuy nhiên, qua thời gian sử dụng, hiện các trạm cấp nước này xuống cấp, không bảo đảm việc cung cấp nước cho người dân.

Tương tự, tại xã NTM Phước Lợi, huyện Bến Lức, theo Phó Chủ tịch UBND xã - Phạm Anh Dũng, xã có 100% hộ sử dụng nước HVS, còn số hộ dân sử dụng NS thì vẫn chưa thống kê được, bởi chưa có kết quả kiểm nghiệm những mẫu nước cung cấp cho các hộ dân trong xã có đạt chỉ tiêu NS theo quy định hay không. Việc xác định nguồn NS cần sự phối hợp hướng dẫn của các ngành chức năng để xã có giải pháp cụ thể thực hiện và hoàn thiện chỉ tiêu này khi phúc tra lại xã NTM vào năm 2020.


Mặc dù được công nhận xã nông thôn mới nhưng nhiều trạm cấp nước mới chỉ đạt nước hợp vệ sinh chứ chưa có nước sạch cung cấp cho người dân

Theo Bộ tiêu chí xã NTM của tỉnh thì đến năm 2020, đối với xã đạt chuẩn NTM, tỷ lệ hộ sử dụng nước hợp vệ sinh ≥ 95%, tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch ≥ 65%; riêng năm 2017, tỷ lệ hộ sử dụng nước hợp vệ sinh ≥95%, tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch ≥32%.

Cần quyết tâm từ địa phương, ngành chức năng

Để mỗi địa phương hoàn thành chỉ tiêu NS trong tiêu chí môi trường, không để chỉ tiêu này trở thành rào cản trong quá trình XDNTM, ngoài sự cố gắng của từng địa phương, cũng cần sự quan tâm hỗ trợ của các sở, ngành liên quan, nhất là trong việc bố trí nguồn vốn kịp thời để xây dựng, hoàn thiện các trạm cấp nước đạt tiêu chuẩn.

Phó Chánh Văn phòng Điều phối XDNTM tỉnh - Tô Ngọc Xuân cho biết: “Hiện nay, theo bộ tiêu chí mới, chỉ tiêu về hộ dân sử dụng NS vẫn là một trong số những chỉ tiêu khó thực hiện, đòi hỏi sự quyết tâm, nỗ lực lớn của từng địa phương. Đối với những địa phương xây dựng trạm cấp nước thì cần phải khảo sát, đánh giá chất lượng nguồn nước, xây dựng, hoàn thiện thêm hệ thống xử lý bảo đảm nước đầu ra đạt tiêu chuẩn chất lượng NS theo quy định.

Và trên hết, tại mỗi địa phương, trong quá trình XDNTM cần chủ động thực hiện xã hội hóa trong đầu tư xây dựng các trạm cấp NS, không chỉ trông chờ vào nguồn vốn hỗ trợ từ cấp trên, bởi kinh phí bổ sung cho chương trình NS chỉ có 50 tỉ đồng, trong khi nhu cầu xây dựng chung của tất cả địa phương rất lớn, nguồn kinh phí ấy khó có thể đáp ứng đủ”.

Trước thực tế đó, mỗi địa phương phải thực sự quyết tâm, xây dựng các giải pháp nhằm thực hiện chỉ tiêu này. Phó Chủ tịch UBND xã Phước Lợi, huyện Bến Lức - Phạm Anh Dũng cho biết, mặc dù xã chưa thống kê số liệu hộ dân sử dụng NS nhưng để đáp ứng chỉ tiêu này, Đảng ủy, UBND xã đề nghị Phòng Tài nguyên và Môi trường lấy mẫu xét nghiệm tại 11 giếng cung cấp nước của tư nhân cũng như 2 đơn vị cung cấp nước. Với những trường hợp đơn vị cung cấp nước chưa đạt theo chỉ tiêu chất lượng NS, xã yêu cầu các đơn vị này nâng cấp hệ thống xử lý nước, bảo đảm số hộ dân được sử dụng NS tại xã phải đạt theo yêu cầu của bộ tiêu chí mới.

Tương tự, tại xã NTM Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Hưng, Chủ tịch UBND xã - Nguyễn Minh Thy cho biết, sau khi có kết quả kiểm tra chất lượng nguồn nước tại 4 trạm cấp nước tại địa phương của các cơ quan chức năng, địa phương sẽ xây dựng lộ trình cụ thể để thực hiện chỉ tiêu này trong những năm tiếp theo với quyết tâm được tái công nhận xã NTM vào năm 2020./.

Kiên Định - Văn Đát

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích