Tiếng Việt | English

15/11/2023 - 08:31

Chi trả trợ cấp không dùng tiền mặt cho người có công

Chi trả trợ cấp không dùng tiền mặt đối với người có công (NCC) và thân nhân NCC với cách mạng là hoạt động nằm trong Chương trình chuyển đổi số của tỉnh Long An và Chỉ thị số 21/CT-TTg, ngày 25/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy chuyển đổi số trong chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt. Hoạt động này đang được triển khai tích cực trên địa bàn tỉnh.

Công chức văn hóa - xã hội (phụ trách mảng Lao động - Thương binh và Xã hội) hướng dẫn chi trả không dùng tiền mặt cho đối tượng thụ hưởng chính sách

Theo Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) - Đặng Ngọc Tảo, mục đích của việc triển khai chi trả chế độ chính sách không dùng tiền mặt cho NCC và thân nhân NCC với cách mạng nhằm từng bước cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân; bảo đảm kịp thời, nhanh chóng, chính xác, công khai, minh bạch và tiết kiệm chi phí hành chính trong chi trả chế độ chính sách. Qua đó, góp phần nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ thanh toán bằng phương thức điện tử cho đối tượng thụ hưởng chính sách.

Để việc chi trả chế độ, chính sách không dùng tiền mặt cho NCC và thân nhân NCC với cách mạng được hiệu quả, thời gian qua, công tác tuyên truyền nội dung, tiện ích của việc chuyển đổi chi trả không dùng tiền mặt được đẩy mạnh thực hiện. Phòng LĐ-TB&XH các huyện, thị xã, thành phố phối hợp UBND các xã, phường, thị trấn rà soát, cập nhật, bổ sung chứng minh nhân dân/căn cước công dân, số điện thoại và tình hình biến động của đối tượng vào hệ thống, trích xuất gửi cơ quan cung ứng dịch vụ chi trả cho đối tượng. Theo Sở LĐ-TB&XH, hiện tổng số đối tượng hưởng chính sách NCC là 14.135 người, trong đó, có 5.878 người có tài khoản tại các ngân hàng và tài khoản ủy quyền cho người thân, chiếm 41,58%.

Bên cạnh đó, Sở LĐ-TB&XH ban hành hướng dẫn một số điểm quy định tại Nghị định số 55/2023/NĐ-CP, ngày 21/7/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2021/NĐ-CP, ngày 24/7/2021 của Chính phủ quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi NCC với cách mạng từ nguồn ngân sách trung ương thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi NCC với cách mạng hướng dẫn điều chỉnh mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với NCC với cách mạng theo Nghị định số 55/2023/NĐ-CP, ngày 21/7/2023. Theo đó, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi NCC với cách mạng là 2,055 triệu đồng. Mức hưởng kể từ ngày 01/7/2023.

Phường Khánh Hậu, TP.Tân An là địa phương điển hình trong việc triển khai thí điểm chi trả trợ cấp hàng tháng không dùng tiền mặt đối với NCC, thân nhân NCC với cách mạng. Để chi trả chế độ ưu đãi qua tài khoản ngân hàng, phường rà soát, thu thập tài khoản và phối hợp các đơn vị có liên quan mở tài khoản cho NCC.

Việc triển khai chi trả chế độ chính sách không dùng tiền mặt nhằm từng bước cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân

Chủ tịch UBND phường Khánh Hậu, TP.Tân An - Võ Hoàng Tân cho biết: “Phường tổ chức nhiều đoàn tuyên truyền, vận động tại từng gia đình NCC và thân nhân NCC với cách mạng để giải thích rõ việc triển khai, thực hiện chi trả qua tài khoản ngân hàng thay vì nhận tiền mặt như trước đây. Qua tuyên truyền, vận động, NCC và thân nhân NCC với cách mạng hiểu được những lợi ích và hưởng ứng thực hiện. Đến nay, phường có 22/22 gia đình chính sách, NCC mở tài khoản chính chủ và nhận trợ cấp hàng tháng qua tài khoản ngân hàng”.

Ông Hồ Văn Trung (khu phố Quyết Thắng 1, phường Khánh Hậu, TP.Tân An) chia sẻ: “Khi được cán bộ phường thông báo chủ trương trả tiền trợ cấp NCC qua tài khoản ngân hàng, tôi hoàn toàn ủng hộ. Tôi đã mở tài khoản ngân hàng để nhận tiền trợ cấp hàng tháng. Tôi thấy việc chi trả tiền trợ cấp qua tài khoản rất thuận tiện, nhanh chóng”.

Thực tế cho thấy, việc chi trả trợ cấp không dùng tiền mặt mang lại nhiều tiện ích cho cơ quan chức năng và đối tượng thụ hưởng. Tuy nhiên, quá trình triển khai còn một số khó khăn như đa phần NCC, thân nhân NCC tuổi cao, không có tài khoản ngân hàng cá nhân, không biết sử dụng điện thoại thông minh khi giao dịch ngân hàng, gây khó khăn trong việc đi lại, rút tiền hoặc thực hiện các thủ tục liên quan. Bên cạnh đó, một số NCC không có con, cháu ở cùng, không có người để ủy quyền tài khoản nên gặp trở ngại trong việc nhận tiền qua tài khoản ngân hàng.

“Thời gian tới, Sở LĐ-TB&XH tiếp tục đôn đốc các địa phương thu thập thông tin tài khoản ngân hàng của NCC; tuyên truyền, vận động các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội mở tài khoản cá nhân để nhận trợ cấp hàng tháng. Qua đó, góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình chuyển đổi số của tỉnh và Chỉ thị số 21/CT-TTg, ngày 25/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy chuyển đổi số trong chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt” - ông Đặng Ngọc Tảo cho biết./.

Huỳnh Hương

Chia sẻ bài viết