Tiếng Việt | English

02/10/2022 - 11:12

'Chìa khóa' phát hiện sớm sốt xuất huyết, phòng ngừa biến chứng nặng

Triệu chứng sốt xuất huyết thường bị nhầm lẫn với các bệnh như sốt, cảm hoặc sốt phát ban đỏ, sốt siêu vi, COVID-19... Nếu không phát hiện và được chẩn đoán kịp thời, người bệnh có thể trở nặng thậm chí tử vong.

TS. BS Nguyễn Minh Tuấn - Trưởng khoa Sốt xuất huyết - Huyết học, Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã chia sẻ với Báo Sức khỏe và Đời sống "chìa khóa" để phân biệt sốt xuất huyết với sốt do COVID-19, sốt ở bệnh tay chân miệng hoặc là sốt thông thường.

Theo bác sĩ Tuấn, đặc điểm sốt xuất huyết là sốt cao đột ngột, thường là từ 39-40 độ C kèm theo dấu hiệu da xung huyết và ửng đỏ, người bệnh thường mệt mỏi, buồn nôn, ăn uống kém. Sang ngày thứ 3 đến ngày thứ 6, người bệnh có biểu hiện xuất huyết tự nhiên trên cơ thể như: chấm xuất huyết ngoài da, chảy máu mũi, chảy máu cam, ói ra máu, đi tiêu phân đen hoặc là xuất huyết âm đạo bất thường ở bé gái tuổi dậy thì.

Còn đối với COVID-19, triệu chứng thường là sốt nhẹ nhưng nổi bật lại là các triệu chứng đường hô hấp như: Ho, hắt hơi, đau họng, sổ mũi...

Riêng đối với bệnh tay chân miệng thì chỉ sốt nhẹ 37,5-38 độ, nổi bật là bệnh gây ra các tổn thương hồng ban, bóng nước ở vị trí lòng bàn tay, lòng bàn chân, ở gối, ở mông bên cạnh là các vết loét bóng nước ở miệng...

Còn đối với sốt thông thường do đi ngoài đường nóng về thì chỉ âm ấm, không kèm theo những biểu hiện khác.

TS.BS Nguyễn Minh Tuấn - Trưởng khoa Sốt xuất huyết - Huyết học Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), thăm khám bệnh nhân bị sốt xuất huyết. Ảnh: Xuân Mai

Cũng theo TS. BS Nguyễn Minh Tuấn, ở trong giai đoạn đầu nếu chỉ phát hiện sốt mà không chú ý triệu chứng đi kèm thì chúng ta rất dễ nhầm sốt xuất huyết với các loại sốt khác. Ở người bị sốt xuất huyết, thường ngày thứ 3 trở đi người bệnh mới bắt đầu có khuynh hướng biểu hiện dấu hiệu chấm xuất huyết trên cơ thể như các nốt chấm xuất huyết ngoài da, chảy máu cam...

"Nếu người bệnh không có các nốt chấm xuất huyết ngoài, để biết có bị sốt xuất huyết không, chúng ta có thể dùng nghiệm pháp dây thắt để phát hiện sớm dấu hiệu xuất huyết. Theo đó, chúng ta dùng 1 dây thắt là dây garo hoặc máy đo huyết áp bơm hơi lên và giữ ở vị trí chỉ số huyết áp trung bình ở phần cánh tay rồi thả ra. Sau đó, chúng ta quan sát ở vị trí chỗ dưới quấn băng đo huyết áp ấy có nhiều chấm li ti nổi lên mà đè vào không mất đi, đó là sốt xuất huyết.

Trong khi đó, với những nốt muỗi đốt, những vết phát ban khi mà đè căng da xung quanh chúng sẽ mất đi. Tuy nhiên, để có kết quả chính xác có bị sốt xuất huyết không thì người bệnh nên làm thêm các xét nghiệm ở các phòng khám và bệnh viện", bác sĩ Tuấn cho hay.

Có nên dùng thuốc hạ sốt khi mắc sốt xuất huyết?

TS. BS Nguyễn Minh Tuấn cho biết, thuốc hạ sốt khá an toàn đặc biệt khi sốt cao, giúp giảm đau và mệt mỏi, giảm mất nước và giảm nguy cơ co giật cho trẻ dưới 6 tuổi khi trẻ có tiền sử sốt cao co giật. Tuy nhiên, việc lạm dụng thuốc hạ sốt quá liều quy định có thể hại men gan, đặc biệt là bản thân sốt xuất huyết đã ảnh hưởng đến chức năng gan.

Bác sĩ Tuấn khuyến cáo rằng, người bị sốt xuất huyết chỉ nên dùng thuốc hạ sốt khi trên sốt 39 độ C, còn dưới 39 độ C nên uống nước nhiều, lau mát, mặc quần áo thoáng mát.

Người bệnh sốt xuất huyết đặc biệt không nên dùng thuốc Aspirin, Ibuprofen bởi có thể gây viêm loét dạ dày, dẫn đến xuất huyết và giảm tiểu cầu khiến tình trạng sốt xuất huyết nặng hơn.

Người bị bệnh sốt xuất huyết chỉ nên dùng những thuốc hạ sốt an toàn, đó là paracetamol, liều thông thường đối với trẻ nhỏ là 10 - 15 mg/kg/liều, các liều cách nhau ít nhất 4 - 6 giờ, liều dùng cho trẻ từ 12 tuổi trở lên là 325 - 650 mg cách nhau ít nhất 4 - 6 giờ hoặc 1000 mg cách nhau 6 - 8 giờ./.

Theo Sức khỏe và Đời sống

Chia sẻ bài viết