Theo Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, Việt Nam ghi nhận 211.388 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 87 trường hợp tử vong. Số ca mắc sốt xuất huyết và số ca tử vong tăng so với cùng kỳ năm 2021. Đa số ca mắc sốt xuất huyết xảy ra ở các tỉnh phía Nam, bao gồm cả TP. Hồ Chí Minh. Sốt xuất huyết ở trẻ em đang có dấu hiệu bùng phát, tăng nhanh và diễn biến phức tạp.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, sốt xuất huyết được xếp vào 10 thách thức y tế toàn cầu. Có 40% dân số trên thế giới sống trong vùng nguy cơ nhiễm sốt xuất huyết dengue, tỉ lệ mỗi lúc mỗi tăng.
Trước tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp, một số quốc gia trên thế giới đã cho phép lưu hành vaccine phòng bệnh sốt xuất huyết. Đây được xem là một trong những giải pháp mang tính bền vững và lâu dài cho việc phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết
Thông tin trên được chia sẻ tại hội thảo "Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống bệnh sốt xuất huyết dengue vì sức khỏe cộng đồng" do Viện Pastuer TP Hồ Chí Minh tổ chức.
Sự kiện quy tụ hơn 100 đại biểu là các cán bộ, chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực y tế dự phòng từ các cơ quan trực thuộc Bộ Y tế, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật, các bệnh viện, tổ chức trong nước và quốc tế nhằm cập nhật, chia sẻ về thực trạng và kế hoạch phòng, chống sốt xuất huyết tại Việt Nam và tìm hiểu về kinh nghiệm phòng, chống sốt xuất huyết từ các quốc gia khác trong khu vực.
Tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Vũ Trung, Viện trưởng Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh cho biết, sốt xuất huyết dengue do 4 tuýp huyết thanh của virus dengue gây ra. Nhiễm virus dengue thứ phát có thể làm tăng nguy cơ sốt xuất huyết nghiêm trọng hơn.
"Nói một cách khác, những lần nhiễm virus về sau sẽ khiến người bệnh có thể diễn biến nặng hơn so với lần nhiễm trước đó. Tuy nhiên, việc sốt xuất huyết có diễn biến nặng hơn hay không còn phụ thuộc nhiều vào việc phát hiện, chẩn đoán, điều trị có kịp thời và đúng phác đồ hay không.
Hơn hết, công tác phòng chống sốt xuất huyết cần thường xuyên, lâu dài và rất cần sự chung tay góp sức của người dân, cộng đồng và xã hội" – ông Trung nhấn mạnh.
PGS.TS Nguyễn Vũ Trung, Viện trưởng Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh cho biết, sốt xuất huyết dengue do 4 tuýp huyết thanh của virus dengue gây ra. Nhiễm virus dengue thứ phát có thể làm tăng nguy cơ sốt xuất huyết nghiêm trọng hơn.
Thông tin về công tác điều trị sốt xuất huyết, PGS.TS Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh cho biết, nếu như năm 2020-2021, tình hình dịch sốt xuất huyết có giảm hơn so với những năm trước đó do thực hiện giãn cách xã hội và các công tác phòng chống dịch COVID-19 thì tình hình sốt xuất huyết năm 2022 ghi nhận số ca mắc mới tăng cao so với 2 năm trước. Trong đó số ca sốt xuất huyết nhập viện và số ca nặng cũng tăng cao.
Tại TP Hồ Chí Minh, ba bệnh viện nhi (Bệnh viện Nhi đồng 1, 2, Thành phố) đã chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất điều trị để chủ động công tác chống dịch sốt xuất huyết đang có nguy cơ tăng cao.
"Riêng tại Bệnh viện Nhi đồng 1, chúng tôi cũng tăng thêm cơ sở thu dung bệnh nhân sốt xuất huyết và điều trị các ca nặng. Có thể nói, các bệnh viện luôn cố gắng đảm bảo cung ứng dịch truyền, hỗ trợ chuyên môn để điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết và đã cứu sống thành công nhiều trường hợp nặng"- BS Hùng nói thêm.
Thông tin tại hội thảo cũng cho biết, trước tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp, một số quốc gia trên thế giới đã cho phép lưu hành vaccine phòng bệnh sốt xuất huyết. Đây được xem là một trong những giải pháp mang tính bền vững và lâu dài cho việc phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết và những ảnh hưởng không mong muốn gây ra cho người bệnh./.
Theo Sức khỏe và Đời sống