Tiếng Việt | English

02/08/2021 - 11:06

Chiếc bánh quê ấm lòng giữa mùa dịch

Thương người dân trong các khu cách ly, phong tỏa, thương những người ngày đêm miệt mài thực hiện nhiệm vụ chống dịch, các bà, các chị nhắc nhau dậy sớm nhóm bếp, gói những chiếc bánh quê đầy ắp yêu thương gửi đến những người đang gặp khó khăn vì dịch bệnh. Hàng trăm chiếc bánh ú, bánh lá dừa được chuyển đến các khu cách ly, phong tỏa, bệnh viện dã chiến,... chứa đựng biết bao tình cảm của “hậu phương”.

Mình giúp được gì cứ giúp

Từ khi xã Thanh Phú, huyện Bến Lức, tỉnh Long An có khu vực bị phong tỏa, gia đình bà Phan Thị Nga (ấp Thanh Hiệp, xã Thanh Phú) bàn nhau nấu phần ăn sáng hỗ trợ người dân sinh sống tại đây. Thực đơn được thay đổi từng ngày, có ngày là khoai mì nấu nước cốt dừa, có ngày là xôi vò hay bánh ú. Bà chia sẻ, ban đầu chỉ định dùng tiền cá nhân gói bánh, nấu xôi hỗ trợ, thấy việc làm ý nghĩa nên người phụ vài kilôgam nếp, người tặng thêm nải chuối,… Nhờ vậy, bếp nấu xôi, nấu bánh nhà bà “đỏ lửa” mỗi ngày. Bánh gói từ bàn tay những phụ nữ nông thôn không chuyên nghiệp nên chẳng tròn đầy, đẹp mắt nhưng mỗi chiếc bánh đều đầy ắp tình cảm. Đó là sự sẻ chia của hàng xóm trong lúc khó khăn.

Nấu bánh vất vả nhưng bà Phan Thị Nga vẫn duy trì mỗi tuần vài lần vì muốn đổi món cho người đang phải cách ly, phong tỏa

Mỗi ngày, bà Nga thức dậy từ 3 giờ sáng chuẩn bị bữa ăn gửi đến khu vực bị phong tỏa. Hôm nào gói bánh, bà chuẩn bị từ nhiều ngày trước. Bà gói bánh lá dừa vì trong xóm có những vạt dừa nước xanh mướt không ai dùng đến. Lá dừa nước đốn về phơi nắng cho dẻo. Dây cột bánh là cọng lác chẻ, phơi khô. Có đủ lá, đủ dây thì gia đình bà bắt đầu gói bánh. 3 người phụ nữ, trong đó 2 người đã ngoài 70 tuổi tỉ mỉ gói từng chiếc bánh.

Bà Sáu (mẹ ruột bà Nga) đang gói bánh thì đứng lên đi một vòng, tay vỗ vỗ vào lưng, nói: “Lớn tuổi rồi ngồi lâu đau lưng nhưng thấy người ta bị phong tỏa, cách ly, thương quá. Mình còn khỏe, giúp được gì thì cứ giúp.”

Chính sự ủng hộ của bà Sáu là động lực giúp bà Nga duy trì việc chuẩn bị bữa ăn sáng cho các khu cách ly, phong tỏa gần 1 tháng nay. Biết là gói bánh vất vả nhưng gia đình bà Nga vẫn duy trì mỗi tuần ít nhất 2 lần, xen kẽ giữa các bữa khoai, xôi,… Bà sợ người nhận ăn hoài một món sẽ ngán, lại lo khoai khó vận chuyển xa, không bảo quản được lâu. Bánh có thể để được 2 ngày nên bà hy vọng nếu không ăn bữa sáng, chiếc bánh cũng giúp mọi người lót dạ buổi tối. Nghĩ vậy nên cứ cách ngày, nhà bà lại treo 1 sào bánh nóng hổi chờ chuyển đến các khu phong tỏa.

Ngoài 70 tuổi nhưng bà Sáu (bên trái), bà Bảy vẫn miệt mài giúp gói bánh cho các khu cách ly, phong tỏa

"Của ít lòng nhiều"

Tình cảm yêu thương, chia sẻ lẫn nhau trong lúc khó khăn đâu đâu cũng có. Ở xã biên giới Mỹ Quý Đông, huyện Đức Huệ, các chị cũng vì thương người trong khu cách ly, phong tỏa mà vận động nhau gói bánh ú gửi vào trong đó. Chị Hà Thị Bé Xiếu (ấp 4, xã Mỹ Quý Đông) cho biết: “Ở quê “cây nhà lá vườn”, chúng tôi rọc lá chuối gói bánh, đốn củi tràm về nấu. Mỗi người một việc, thế nào cũng xong!”. Các chị góp tiền mua đậu, nếp rồi chia nhau, người rọc lá, người lau lá, người đốn củi. Chẳng mấy chốc, 600 cái bánh ú đã được nấu xong, treo lên sào cho ráo nước.

Chị Xiếu chia sẻ, trong đại dịch, ai cũng khó khăn, ở biên giới cuộc sống lại càng vất vả nhưng các chị thương những vùng đang cách ly, phong tỏa, “của ít lòng nhiều” mong góp sức mình cùng vượt qua đại dịch. “Ở quê nên chị em ai cũng biết gói bánh. Bánh để được lâu nên gửi vào trong đó ăn được vài ngày. Gói xong đợt bánh, chúng tôi lại vận động bà con cho chanh, ớt góp vào Phiên chợ 0 đồng của huyện. Mong cho đại dịch mau qua!” - chị Xiếu chia sẻ thêm.

Bánh sau khi gói xong được trao cho Hội Liên hiệp Phụ nữ để chuyển đến các khu cách ly, phong tỏa, bệnh viện dã chiến

Những chiếc bánh “nhà làm” đến tay cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ, bệnh nhân, người đang thực hiện cách ly mang theo tình cảm của đồng bào dành cho nhau lúc khó khăn. Đại dịch nhiều khó khăn, vất vả nhưng bừng sáng tình yêu thương, sự quan tâm, chia sẻ lẫn nhau. Đó là truyền thống tốt đẹp mà dân tộc ta đã gìn giữ bao đời nay./.

Quế Lâm

Chia sẻ bài viết