Tiếng Việt | English

20/09/2021 - 12:15

Chính sách hỗ trợ mới cho mô hình điểm ứng dụng công nghệ cao

Tỉnh Long An vừa có quyết định thống nhất quy định chính sách hỗ trợ xây dựng mô hình điểm ứng dụng công nghệ cao đối với 4 loại cây trồng: lúa, rau, thanh long, chanh. Đây là một trong những chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Đối với cây lúa, diện tích tối thiểu của mô hình điểm là 50ha

Chính sách này bắt đầu có hiệu lực áp dụng từ ngày 27/8/2021, thời gian hỗ trợ 3 năm liên tiếp để thực hiện mô hình điểm đối với 4 loại cây trồng trên với các chi phí mua giống, vật tư sản xuất; thiết kế, cải tạo lại đồng ruộng; mua hoặc thuê thiết bị công nghệ cao, công nghệ hiện đại, tự động hóa, công nghệ số phục vụ sản xuất.

Trong đó, năm thứ nhất hỗ trợ 50% tổng chi phí, nhưng mức hỗ trợ tối đa không quá 300 triệu đồng/mô hình. Năm thứ hai, hỗ trợ 30% tổng chi phí, mức tối đa không quá 200 triệu đồng/mô hình. Còn năm thứ ba, hỗ trợ 20% tổng chi phí, mức tối đa không quá 100 triệu đồng/mô hình.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để được hỗ trợ chính sách này thì phải đáp ứng các điều kiện quy mô diện tích tối thiểu của mô hình điểm là 50ha đối với cây lúa, 10ha đối với cây chanh, 10ha đối với cây thanh long, 1ha đối với cây rau. Phải có phương án, kế hoạch sản xuất trong 3 năm liên tiếp, duy trì kết quả hỗ trợ ít nhất 3 năm. Trường hợp buộc thanh lý trước thời hạn phải có sự thống nhất của cơ quan hỗ trợ.

Ngoài ra, giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật phải nằm trong danh mục được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng tại Việt Nam. Các trang thiết bị công nghệ cao, công nghệ hiện đại, tự động hóa, công nghệ số phải nằm trong danh mục khuyến khích ưu tiên hỗ trợ được ban hành theo quy định.

Thanh long cũng nằm trong diện được hỗ trợ nhưng phải đáp ứng các điều kiện theo quy định

"Đây là một trong những chính sách hỗ trợ chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025", Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Chí Thiện cho biết.

Kinh phí để thực hiện sự hỗ trợ trên là từ nhiều nguồn khác nhau: Ngân sách Trung ương; nguồn vốn Dự án VnSAT; nguồn hỗ trợ phát triển đất trồng lúa; nguồn hỗ trợ sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi; chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới; vốn sổ xố kiết thiết và các nguồn huy động hợp pháp khác./.

Đức

Chia sẻ bài viết