Lợi nhuận tăng
Chương trình nông nghiệp ƯDCNC thực hiện trên 3 cây, 1 con, trong đó, cây lúa tập trung chủ yếu tại vùng Đồng Tháp Mười, cây thanh long ở huyện Châu Thành, cây rau ở huyện Cần Đước, Cần Giuộc và con bò thịt ở huyện Đức Huệ, Đức Hòa. Đề án bước đầu đạt nhiều kết quả quan trọng, nhất là tạo ra các sản phẩm có năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh, thị trường tiêu thụ cơ bản ổn định, lợi nhuận của các hộ dân tham gia mô hình tăng cao so với sản xuất thông thường.
Hiện nay, Châu Thành có hơn 900ha thanh long ứng dụng công nghệ cao (ảnh chụp tại xã Dương Xuân Hội)
Tại huyện Châu Thành, tỉnh Long An, nhiều nông dân bắt đầu ƯDCNC vào trồng thanh long, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, sử dụng các loại phân bón hữu cơ vi sinh, phân sinh học, bẫy côn trùng, thực hiện mô hình tưới tiết kiệm giảm được chi phí, giá thành và tạo ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn của thị trường. Ông Trần Văn Nghĩa, ngụ xã Long Trì, chia sẻ: “Gia đình tôi trồng thanh long gần 10 năm nay. Tôi mới chuyển sang trồng thanh long ruột đỏ hơn 3 năm (gần 5.000m2 trong tổng số 10.000m2 đất trồng thanh long) và ƯDCNC vào sản xuất. Tôi sử dụng các loại phân bón hữu cơ vi sinh và thực hiện mô hình tưới tiết kiệm nên giảm được khá nhiều chi phí. Sản phẩm tạo ra đạt chất lượng nên giá thành cao hơn so với thông thường. Các vụ tiếp theo, tôi sẽ ƯDCNC toàn bộ diện tích thanh long”.
Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành - Võ Văn Vấn, hiện nay, trên địa bàn huyện có hơn 900ha thanh long ƯDCNC. Người dân tham gia đề án áp dụng các quy trình an toàn, tưới tiết kiệm, giảm được công lao động và lợi nhuận cao hơn so với sản xuất thông thường. Huyện đang tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân ƯDCNC vào sản xuất thanh long để đạt hiệu quả kinh tế cao hơn.
Đến nay, có gần 6.000ha lúa ứng dụng công nghệ cao
Tương tự, sản xuất lúa ƯDCNC cũng mang lại lợi nhuận cao hơn cho nông dân khi tham gia đề án. Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Gò Gòn (huyện Tân Hưng) - Trương Hữu Trí chia sẻ: “Hiện nay, toàn bộ diện tích của HTX đều ƯDCNC trong tất cả các khâu từ chọn giống, canh tác, chăm sóc, thu hoạch,... Lúa tại đây được doanh nghiệp bao tiêu, không phải lo lắng đầu ra. Hộ dân tham gia mô hình có lợi nhuận cao hơn 5-7 triệu đồng/vụ/ha so với sản xuất thông thường. HTX được thành lập năm 2005 với diện tích 460ha, nay tăng lên 560ha, hơn 100 thành viên tham gia. Bên cạnh đó, một số hộ dân bên ngoài cũng muốn đăng ký vào HTX để sản xuất lúa ƯDCNC. Tuy nhiên, chúng tôi đang xem xét (nếu vào thì phải đáp ứng đầy đủ yêu cầu do HTX đặt ra).
Thay đổi tập quán sản xuất
Không chỉ nâng cao giá trị, sức cạnh tranh của sản phẩm, chương trình còn từng bước đi vào cuộc sống người dân. Ông Nguyễn Văn Ngưu - xã viên HTX Gò Gòn, cho biết: “Sản xuất lúa ƯDCNC không chỉ tăng thu nhập mà còn giúp nông dân thay đổi tập quán, tư duy sản xuất. Chúng tôi tuân thủ nghiêm ngặt lịch thời vụ, xuống giống đồng loạt, áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, các loại giống có năng suất, chất lượng vào sản xuất và chịu trách nhiệm với sản phẩm của mình làm ra”.
Xã Long Khê, huyện Cần Đước là một trong những địa phương đầu tiên ƯDCNC vào sản xuất rau. Ngoài sự hướng dẫn của ngành chuyên môn, nông dân tự tìm tòi, học hỏi, áp dụng khoa học - kỹ thuật, quy trình an toàn vào sản xuất; đồng thời tự chế nhà màng, nhà lưới, hệ thống tưới nước tiết kiệm,... vừa bảo đảm chất lượng, vừa phù hợp với túi tiền, thực tế nơi đây.
Theo Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc HTX Rau an toàn Mười Hai - Lê Văn Giấy: “Xã viên ƯDCNC vào toàn bộ diện tích. Chúng tôi tự nghiên cứu xây dựng nhà lưới đúng tiêu chuẩn, hệ thống tưới tiết kiệm phù hợp với thực tế, giảm được giá thành, chi phí. HTX sản xuất theo hướng an toàn. Xã viên không còn sản xuất theo kiểu cũ, manh mún, nhỏ, lẻ mà có trách nhiệm và ý thức liên kết để hình thành chuỗi hàng hóa lớn. HTX mới xây nhà sơ chế để sơ chế sản phẩm. Tổng diện tích của HTX hơn 10ha”.
Trồng rau ứng dụng công nghệ cao năng suất tăng từ 5-20%, lợi nhuận cao hơn 2-7 triệu đồng/1.000m2 so với sản xuất thông thường
Bí thư Huyện ủy Cần Đước - Nguyễn Việt Cường nhận định, việc sản xuất rau ƯDCNC tương đối thuận lợi và đạt nhiều kết quả quan trọng. Nông dân không chỉ tăng lợi nhuận mà còn thay đổi tư duy, thói quen cũ, dần hình thành tập quán mới, hiện đại, chú ý đến chất lượng, số lượng sản phẩm và liên kết cùng nhau để phát triển sản xuất. Huyện tiếp tục hỗ trợ người dân về cơ chế, chính sách cũng như xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Lê Văn Hoàng đánh giá, chương trình nông nghiệp ƯDCNC bước đầu đạt kết quả tích cực, từng bước đi vào cuộc sống người dân. Những nông dân tham gia sản xuất trong đề án đều có lợi nhuận cao hơn so với sản xuất thông thường. Hiện nay, việc ƯDCNC vào sản xuất lúa, thanh long, rau màu tương đối thuận lợi hơn so với chăn nuôi bò. Ngành đang tập trung nhiều giải pháp, đẩy nhanh tiến độ để chương trình đạt kết quả. Đồng thời, sở phối hợp các sở, ngành, địa phương liên quan xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường để bao tiêu sản phẩm cho nông dân./.
Lực Nguyễn