Tiếng Việt | English

07/09/2024 - 12:49

Chủ động cảnh báo phương thức, thủ đoạn của tội phạm lừa đảo qua mạng xã hội

Thông qua tiếp xúc, cử tri ở nhiều địa phương bày tỏ sự quan tâm, lo ngại về thủ đoạn, phương thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua điện thoại, mạng xã hội ngày càng tinh vi.

Công an và các cấp các ngành lồng ghép tuyên truyền, cảnh báo về phương thức, thủ đoạn của các loại tội phạm, nhất là tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Gần đây, ghi nhận tại huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An, cử tri kiến nghị các ngành chức năng tỉnh tăng cường kiểm tra và thực hiện các giải pháp phòng, chống hiệu quả loại tội phạm này.

Từ kiến nghị này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Minh Lâm đã có thông tin để cử tri nắm, biết. Cụ thể, thời gian qua, các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao, lợi dụng không gian mạng có diễn biến phức tạp. Các đối tượng gia tăng sử dụng các ứng dụng, công nghệ, phương tiện hiện đại để thực hiện hành vi phạm tội, hoạt động ẩn danh khó truy vết; phần lớn hoạt động có tổ chức, nhưng chỉ liên lạc, móc nối qua không gian mạng, không tiếp xúc, trao đổi ngoài đời thực.

Đặc biệt, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản với hình thức nhắn tin, gọi điện qua điện thoại, qua mạng xã hội diễn biến phức tạp, với phương thức, thủ đoạn tinh vi. Trong đó, có những trường hợp các đối tượng mạo danh cơ quan quản lý nhà nước thông báo làm căn cước công dân định danh điện tử mức 2, nhân viên nhà mạng, ngân hàng gọi điện để yêu cầu người dân cung cấp thông tin cá nhân, thực hiện theo hướng dẫn nhằm chiếm đoạt tiền.

Trước tình hình trên, tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành, đoàn thể, địa phương thực hiện, trọng tâm là Kế hoạch số 176/KHUBND ngày 04/8/2020 về thực hiện Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 25/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Phối hợp các cơ quan truyền thông xây dựng, đăng tải tin, bài, phóng sự cảnh báo về phương thức, thủ đoạn của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản sử dụng công nghệ cao, sử dụng không gian mạng; tổ chức triển khai các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh với các hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên mạng viễn thông, mạng Internet, mạng xã hội.

“Chỉ tính từ ngày 15/6/2023 đến 14/6/2024, Công an trong tỉnh đã phát hiện, tiếp nhận khởi tố 19 vụ, 8 đối tượng lừa đảo không gian mạng; xác lập và đang đấu tranh một chuyên án lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, ông Nguyễn Minh Lâm thông tin.

Bên cạnh điều tra, trấn áp, xử lý loại tội phạm này, theo ông Nguyễn Minh Lâm phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp khác và có sự phối hợp chặt chẽ, trách nhiệm cao của các cấp, các ngành, đoàn thể. Trong đó, giải pháp tuyên truyền, khuyến cáo, cảnh báo rất quan trọng.

Thời gian tới, các cấp, các ngành, đoàn thể  phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền định hướng dư luận, nâng cao ý thức cảnh giác của người dân về phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm công nghệ cao, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Từ đó, giúp các cơ quan, tổ chức và người dân nắm bắt kịp thời, nhận diện, cảnh giác, chủ động phòng ngừa, đấu tranh, kịp thời tố giác tội phạm.

Theo ông Nguyễn Minh Lâm, tỉnh sẽ thường xuyên chỉ đạo các cấp, các ngành nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước đối với hoạt động trên không gian mạng; thực hiện có hiệu quả Nghị định số 13/2023/NĐ-CP ngày 17/4/2023 của Chính phủ về bảo vệ dữ liệu cá nhân; Nghị định số 59/2022/NĐ-CP ngày 05/9/2022 của Chính phủ quy định về định danh và xác thực điện tử; đẩy mạnh triển khai thực hiện hiệu quả Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến 2030”.  Ứng dụng dữ liệu dân cư để xác thực thông tin thuê bao di động loại bỏ “sim rác”, xác thực tài khoản ngân hàng; sử dụng tài khoản định danh điện tử (VNeID) trong các giao dịch điện tử, góp phần phòng ngừa tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng triển khai quyết liệt các biện pháp nghiệp vụ phòng ngừa, đấu tranh xử lý nghiêm tội phạm công nghệ cao, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt sản trên mạng viễn thông, mạng Internet, mạng xã hội. Thực hiện  bảo đảm công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm, kiến nghị khởi tố;  các cơ quan Công an, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân các cấp điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh đối với tội phạm này theo quy định pháp luật./.

Lê Đức

Chia sẻ bài viết