Tình hình thời tiết diễn biến phức tạp
Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy lợi tỉnh - Võ Kim Thuần thông tin: “Dự báo mực nước lũ năm 2022 sẽ cao hơn năm 2017 nhưng thấp hơn mực nước lũ năm 2011, còn về triều cường diễn biến rất phức tạp. Cụ thể, mực nước lũ tại vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh từ ngày 18 đến 20-10 dao động tăng so với kỳ thông báo trước từ 0,01m - 0,06m. So cùng kỳ năm 2021, mực nước cao hơn từ 0,21m - 0,8m; so cùng kỳ năm 2011, mực nước thấp hơn từ 1,07m - 1,08m; so cùng kỳ năm 2000, mực nước thấp hơn từ 0,74m - 1,08m.
Đoàn công tác Trung ương và tỉnh kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai tại TP.Tân An
Trước tình hình mực nước lũ dâng cao đang đe dọa đến nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mộc Hóa - Lê Văn Tùng cho biết: “Hiện nay, huyện gieo sạ khoảng 500ha lúa Đông Xuân 2022-2023, dự kiến số diện tích còn lại sẽ gieo sạ dứt điểm vào tháng 12/2022. Tuy nhiên, một số diện tích gieo sạ vụ Đông Xuân sớm đang bị đe dọa do mực nước lũ đang dâng cao, bởi trước đây, số diện tích này chưa nhận được sự đồng thuận của người dân trong xây dựng đê bao khép kín. Ngoài ra, một số diện tích cây ăn trái ở các xã Bình Hòa Đông, Bình Hòa Trung,... cũng đang bị đe dọa, do người dân lên đê bao chưa được kiên cố. Trước tình hình này, Phòng Nông nghiệp đang tham mưu UBND huyện xuất kinh phí gia cố các đoạn đê xung yếu; đồng thời thường xuyên theo dõi diễn biến mưa, lũ để có kế hoạch sẵn sàng ứng phó”.
Còn tại huyện Vĩnh Hưng, mực nước lũ đang đe dọa khoảng 10ha đất trồng dưa hấu, dự kiến diện tích này sẽ thu hoạch vào cuối tháng 10/2022. Riêng đối với những diện tích trồng cây ăn trái, huyện khuyến cáo người dân thường xuyên bơm rút nước ra khi xuất hiện các cơn mưa; yêu cầu các xã, thị trấn chuẩn bị sẵn kobe, máy móc nhằm có biện pháp ứng phó kịp thời khi mực nước lũ tiếp tục dâng cao. Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Hưng - Huỳnh Văn Lâm nói: “Nước lũ năm nay diễn biến rất phức tạp, thay vì thời điểm này, nước lũ bắt đầu rút, nông dân chuẩn bị cải tạo đất để xuống giống vụ mùa mới, còn năm nay, đến thời điểm này nước lũ lại lên nhanh”.
Diễn tập phòng, chống thiên tai tại phường 6, TP.Tân An
Ấp 5, xã Tân Tây, huyện Thạnh Hóa là vùng trũng, người dân chủ yếu trồng khóm, mai vàng và khoai mỡ. Khi địa bàn xuất hiện các cơn mưa to đến rất to, nơi đây xảy ra tình trạng ngập cục bộ. Phó Chủ tịch UBND xã Tân Tây - Nguyễn Xuân Hảo cho hay: “Diện tích sản xuất nông nghiệp ở ấp 5 đều có đê bao kiên cố và trạm bơm điện. Khi mưa to, chúng tôi chủ động bơm rút nước ra để bảo đảm vùng sản xuất. Xã cũng khuyến cáo người dân có diện tích cây trồng lâu năm chủ động các biện pháp như đào rãnh, khơi thông dòng chảy, tránh để nước đọng trên vườn và xung quanh các gốc cây,...”.
Chung tay phòng, chống thiên tai
Một trong những biện pháp PCTT hiệu quả nhất chính là sự chung tay, góp sức của các cấp, các ngành và toàn xã hội, trong đó người dân đóng vai trò then chốt. Ông Nguyễn Văn Trai (xã Tân Tây, huyện Thạnh Hóa) chia sẻ: “Cách đây 3 năm, gia đình tôi chuyển sang trồng mai vàng. Nghe theo khuyến cáo của các ngành chức năng, trước khi mùa mưa đến, tôi vệ sinh các rãnh để thoát nước, tránh ngập úng cục bộ và áp dụng các biện pháp kỹ thuật để bảo vệ vườn mai. Nhờ vậy, năm nay mưa nhiều, vườn mai vẫn chưa bị ảnh hưởng”.
Nhờ chủ động phòng, chống mưa, lũ, diện tích trồng mai vàng của ông Nguyễn Văn Trai (xã Tân Tây, huyện Thạnh Hóa) không bị ảnh hưởng
Sầu riêng là một trong những loại cây khó tính, đòi hỏi người trồng phải chăm sóc thật tỉ mỉ, nhất là vào mùa mưa, lũ. Theo đó, ông Lê Văn Hậu (thị trấn Bình Phong Thạnh, huyện Mộc Hóa) dùng keo su che xung quanh các gốc sầu riêng để tránh cho nước thấm vào đất, ảnh hưởng đến rễ cây và năng suất trái. Ông Hậu nói: “Do tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, lượng mưa lớn kéo dài, ẩm độ cao tạo điều kiện thuận lợi cho nấm bệnh, sâu hại phát sinh, phát triển trên cây. Trong các bệnh trên cây sầu riêng nguy hiểm nhất phải kể đến bệnh do nấm Phytophthora gây ra. Vì vậy, tôi vừa hạn chế nước mưa vào gốc, vừa dùng các loại thuốc để phòng trừ bệnh trên sầu riêng trong mùa mưa, lũ”.
Năm 2022, UBND TP.Tân An chọn phường 6 làm đơn vị đầu tiên tiến hành diễn tập PCTT&TKCN. Nội dung diễn tập gồm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 chuyển phường vào tình trạng khẩn cấp về thiên tai; giai đoạn 2 chuẩn bị và thực hành phòng, chống, khắc phục thảm họa. Chủ tịch UBND phường 6, TP.Tân An - Lương Công Đức nhận định: “Qua diễn tập giúp các đơn vị nắm được các nội dung cần thực hiện, nguyên tắc xử lý các tình huống có thể xảy ra trước, trong và sau thiên tai để áp dụng thực hiện một cách thành thạo và an toàn khi có những tình huống tương tự xảy ra. Thông qua đó, cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, lực lượng vũ trang và nhân dân nâng cao tinh thần cảnh giác; vận dụng và thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” đối phó có hiệu quả tình huống thiên tai nếu xảy ra; tạo thành phản xạ cho từng thành viên tham dự, nắm được trình tự xử lý khi có thiên tai, nhất là công tác phối hợp với các đơn vị trong việc khắc phục hậu quả sau thiên tai”.
Ông Lê Văn Hậu (thị trấn Bình Phong Thạnh, huyện Mộc Hóa) (bên phải) chủ động phòng tránh bệnh cho cây sầu riêng vào mùa mưa, lũ
Theo ông Võ Kim Thuần, trước tình hình mực nước lũ đang dâng cao, triều cường diễn biến phức tạp, các địa phương cần theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng, thủy văn về diễn biến thông tin dự báo lũ đầu nguồn sông Cửu Long, lũ nội đồng và triều cường; tăng cường kiểm tra, rà soát, xác định cụ thể vị trí các tuyến đê bao, bờ bao xung yếu, các trạm bơm tiêu úng để có kế hoạch sửa chữa, gia cố, tôn cao kịp thời, bảo đảm an toàn phòng, chống ngập lũ và tiêu úng cho khu vực.
“Bên cạnh đó, sẵn sàng huy động, bố trí lực lượng xung kích trực canh theo dõi, kiểm tra, cứu hộ, cứu nạn tại các điểm xung yếu, bảo đảm theo phương châm “4 tại chỗ”; vận động người dân di chuyển đến nơi an toàn, bố trí lực lượng phân luồng giao thông hợp lý tại các đoạn đường có khả năng bị ngập sâu, tránh tình trạng chủ quan, lơ là để không xảy ra thiệt hại đáng tiếc do ngập úng, sạt lở đất gây ra nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về tính mạng và tài sản của người dân. đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về công tác PCTT, hướng dẫn người dân cách nhận biết và nắm rõ các biện pháp phòng tránh, ứng phó với các loại hình thiên tai thường xuyên xảy ra trên địa bàn để có biện pháp chủ động phòng tránh hiệu quả”.
Tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, khó lường, để tránh thiệt hại về người và tài sản, đòi hỏi sự chung tay, góp sức của các cấp, các ngành và toàn xã hội, bởi công tác PCTT không còn là trách nhiệm của riêng ai./.
Lê Ngọc