Tiếng Việt | English

31/12/2020 - 15:35

Chủ động phòng bệnh sốt xuất huyết, Chikungunya và Zika

Bên cạnh phòng, chống dịch Covid-19, người dân cũng cần cẩn trọng với bệnh sốt xuất huyết, Chikungunya và Zika. Nếu người dân chủ quan, lơ là, không có các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả sẽ dẫn đến nguy cơ bùng phát dịch bệnh, khiến dịch chồng dịch.

Người dân cần thường xuyên kiểm tra hồ chứa nước, đề phòng muỗi sinh sản, phát sinh dịch bệnh

Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Long An – Bác sĩ Huỳnh Hữu Dũng cho biết, bệnh sốt xuất huyết, Chikungunya và Zika là các bệnh truyền nhiễm cấp tính do Arbo vi-rút gây ra, chủ yếu lây truyền qua muỗi Aedes (muỗi vằn). Bệnh có biểu hiện lâm sàng tương tự nhau với triệu chứng phổ biến là sốt và đau khớp, nhức đầu, đau cơ, sưng khớp hoặc phát ban, với Zika thì có viêm kết mạc mắt (mắt đỏ). Đặc biệt, khi nhiễm Zika có thể gây ra nhiều tác hại nghiêm trọng cho thai kỳ như sẩy thai, thai lưu hay dị tật thai nhi. Người dân cũng không được chủ quan vì cả 3 bệnh này đều chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu cũng như vắc-xin phòng ngừa.

Hiện, trên địa bàn tỉnh chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh Zika và Chikungunya, riêng tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết đang có chiều hướng gia tăng. Theo thống kê của Sở Y tế, tính đến ngày 20/12, số ca mắc sốt xuất huyết ghi nhận được là 2.811 ca, thời gian gần đây, số mắc số xuất huyết gia tăng nhanh tại 15/15 huyện, thị xã, thành phố. Các ca bệnh chủ yếu tập trung tại các huyện: Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc và TP.Tân An (chiếm trên 76% số ca mắc của toàn tỉnh); trong đó, riêng huyện Đức Hòa là 897 ca, chiếm gần 32% tổng số ca mắc trên toàn tỉnh.

Trước tình hình trên, nhằm chủ động triển khai các giải pháp phòng, chống hiệu quả bệnh sốt xuất huyết, Chikungunya và Zika, quyết tâm khống chế dịch bệnh, hạn chế thấp nhất số ca mắc trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh – Phạm Tấn Hòa đã ký công văn 7925/UBND-VHXH ngày 29/12/2020 về việc tăng cường công tác phòng, chống 3 bệnh trên.

Ngành Y tế chủ động chuẩn bị vật tư, thuốc, hóa chất; triển khai các biện pháp nhằm hạn chế thấp nhất số ca mắc và tử vong do bệnh sốt xuất huyết, Chikungunya và Zika

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Sở Y tế theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết, Chikungunya và Zika; kịp thời tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo phòng, chống dịch đạt hiệu quả, phù hợp diễn biến tình hình trên địa bàn tỉnh và khả năng xâm nhập dịch bệnh từ nước ngoài vào Việt Nam, đặc biệt là trên tuyến biên giới của tỉnh. Phối hợp đơn vị liên quan truyền thông trực tiếp tại cộng đồng, hướng dẫn người dân phòng dịch; phát động phong trào vệ sinh môi trường đến các xã, phường, thị trấn, ấp, khu phố, các điểm dân cư tập trung và vùng có nguy cơ dịch bệnh cao. Chỉ đạo cơ sở khám, chữa bệnh lập kế hoạch thu dung, điều trị, chuyển tuyến kịp thời với trường hợp bệnh nặng; kiểm tra, xử lý ổ dịch. Giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh; chủ động vật tư, thuốc, hóa chất; triển khai các biện pháp nhằm hạn chế thấp nhất số ca mức và tử vong do bệnh sốt xuất huyết, Chikungunya và Zika,…

UBND các huyện, thị xã Kiến Tường, TP.Tân An (trong đó lưu ý UBND huyện Đức Hòa) kịp thời phát hiện bệnh, xử lý ngay, không để bùng phát, lan rộng, kéo dài; ra quân thực hiện chiến dịch tổng vệ sinh môi trường, diệt muỗi, lăng quăng, đặc biệt tại nhà trọ công nhân, khu vực đông dân cư; đẩy mạnh tuyên truyền trong nhân dân về phòng, chống dịch bệnh. UBND tỉnh cũng chỉ đạo các sở, ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ góp phần phòng, chống dịch hiệu quả;…

Bên cạnh phòng, chống dịch Covid-19, người dân cũng cần cảnh giác, nâng cao ý thức trong phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết, Chikungunya và Zika để tránh lây lan ra diện rộng, bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng.

Cả 3 bệnh này đều do muỗi vằn là trung gian truyền bệnh, do đó, diệt muỗi, lăng quăng chính là biện pháp đơn giản, hữu hiệu nhất để phòng bệnh.

Bác sĩ Huỳnh Hữu Dũng khuyến cáo người dân cần thường xuyên dành thời gian dọn dẹp nơi mình làm việc, sinh sống hàng tuần, không chỉ riêng trong nhà mà cả xung quanh nhà, không để nước đọng tạo điều kiện cho muỗi sinh sản. Cụ thể:

Lật úp gáo dừa, xô, chậu, vỏ lon, đồ hộp, chai, lọ cũ không dùng đến; thay nước bình hoa, chén nước cúng; bỏ muối vào bát kê chân tủ đựng chén bát,…

Đậy kín lu, hồ, thùng phuy chứa nước khi không dùng đến để tránh muỗi đẻ trứng và phát sinh lăng quăng, muỗi; thả cá diệt lăng quăng;…

Phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh, san lấp các hố, vũng nước đọng,…

Người dân cần sử dụng nhang muỗi, bình xịt, kem thoa đuổi muỗi, mặc áo quần dài tay, ngủ mùng kể cả ban ngày,… để tránh muỗi đốt.

Đặc biệt, khi có biểu hiện sốt cao đột ngột, nhức đầu, đau cơ, đau khớp, chán ăn, buồn nôn, nôn,… cần đến cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị kịp thời./.

Phạm Ngân

Chia sẻ bài viết