Cháy, nổ là tai họa vô cùng thảm khốc, gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản và con người. Dù được quan tâm phòng ngừa nhưng nguy cơ cháy, nổ luôn đe dọa cuộc sống bình yên của mọi tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình. Chỉ một thoáng chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, có thể bùng lên một đám cháy để lại những hậu quả rất nặng nề.
Long An có nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ, chợ, nhà kho, vựa phế liệu, rừng tràm, hộ gia đình liền kề,... nên có nguy cơ cháy, nổ cao. Theo Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ - Công an tỉnh, toàn tỉnh hiện có hơn 3.000 cơ sở nguy hiểm cháy, nổ. Mặt khác, đang vào cao điểm mùa khô, thời tiết nắng nóng nên nguy cơ cháy, nổ cao. Vì vậy, nhiệm vụ phòng, chống cháy, nổ đang là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, cấp bách của các cấp, các ngành, tổ chức, đơn vị và của mọi người dân.
Đối phó với “bà hỏa”, trọng tâm vẫn là công tác phòng ngừa, trong đó, tuyên truyền, vận động là giải pháp chính. Các cấp, các ngành cần thường xuyên quan tâm chỉ đạo, tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động về phòng, chống cháy, nổ. Lưu ý tính thiết thực, hiệu quả trong tuyên truyền, càng sát cơ sở, đi sâu vào đời sống của cán bộ, công chức, viên chức, nhân dân càng tốt, qua đó nâng cao nhận thức, hành vi của toàn xã hội về PCCC. Song song đó, cần quan tâm xây dựng lực lượng PCCC từ chính quy, tự vệ, dân phòng đến công nhân, người lao động, nhân dân. Lực lượng này phải đủ về số lượng, có sức khỏe tốt, thường xuyên được tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng PCCC, xử lý tình huống, cấp cứu, cứu hộ, cứu nạn. Bên cạnh đó, phải chú ý trang bị phương tiện, dụng cụ PCCC, thường xuyên vận hành, duy tu, bảo dưỡng. Ngành chức năng cần tăng cường công tác phối hợp kiểm tra từ cơ sở vật chất, phương án PCCC, lực lượng, trang thiết bị, nguồn nước, kỹ năng xử lý tình huống, thực hành PCCC,... để kịp thời khắc phục, bổ sung những mặt còn hạn chế. Trong đó lưu ý các khu, cụm công nghiệp, công ty, xí nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, những nhà kho, vựa hàng hóa, nhà tập thể, rừng có nguy cơ cháy, nổ cao. Kiên quyết xử lý những trường hợp cố tình vi phạm các quy định trong phòng, chống cháy, nổ.
Về phía người dân cần thực hiện tốt các biện pháp an toàn PCCC trong việc quản lý, sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, việc thắp nhang đèn thờ cúng, an toàn sử dụng điện, xăng dầu, gas, chất dễ cháy. Sắp xếp nhà cửa, vật dụng gọn gàng, ngăn nắp, tránh xa nguồn nhiệt, nguồn lửa, điện,... Trong các hộ gia đình có nhà nhiều tầng, nhà chỉ có một cửa ra vào duy nhất, cần nghiên cứu các phương án PCCC và cứu hộ, cứu nạn, nhất là lối thoát hiểm; có điều kiện thì nên bố trí các phương tiện chữa cháy tại chỗ để xử lý kịp thời các tình huống có thể xảy ra. Trong gia đình, mọi người thường xuyên bảo ban, nhắc nhở nhau đề cao ý thức PCCC. Khi xảy ra tình huống xấu, cần ưu tiên bảo vệ sức khỏe, tính mạng con người.
Để không xảy ra và rơi vào hệ lụy của cháy, nổ, các cấp, các ngành, các tổ chức, đơn vị, hộ gia đình và từng người dân cần đề cao cảnh giác với giặc lửa. Tự mình bảo vệ mình và người thân trước nguy cơ cháy, nổ là thiết thực tham gia PCCC, bảo vệ an ninh, trật tự và cuộc sống bình yên./.
Kim Quy