Diễn tập phòng cháy, chữa cháy. Ảnh: Thanh Nga
Thiếu phương tiện chữa cháy
Trở lại chợ Hậu Thạnh Đông, huyện Tân Thạnh - chợ bị cháy cách đây 2 năm, chúng tôi nhận thấy, công tác PCCC vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Theo ghi nhận, hầu hết tiểu thương tại đây không trang bị bình chữa cháy mini cũng như các phương tiện PCCC khác,... Một số gian hàng cũ kỹ, hệ thống điện chằng chịt, tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao.
Một tiểu thương tại đây cho rằng: “Sau vụ cháy, có vài tiểu thương bỏ đi nơi khác. Một phần vì thiếu vốn kinh doanh, một phần vì chợ không được đầu tư hệ thống PCCC nên họ lo lắng. Mùa này, nắng nóng, các quầy hàng lại san sát nhau, bất cẩn một chút là có thể xảy ra cháy”.
Anh Tuấn - một tiểu thương chợ Hậu Thạnh Đông, bức xúc: “Sức mua tại chợ giảm sút, chúng tôi vẫn đóng thuế đầy đủ nhưng lại ít được quan tâm về PCCC. Văn phòng Ban Quản lý chợ cũng không có, chợ không có bảng hiệu, đường dẫn vào chợ khá hẹp và bị một số hộ dân lấn chiếm,... nên nếu xảy ra cháy, nổ, rất khó chữa cháy. Chúng tôi nhiều lần kiến nghị địa phương và sẵn sàng góp tiền để mua thiết bị PCCC nhưng đến nay, tình trạng này vẫn chưa được cải thiện. Bình chữa cháy mini có thể đặt tại quầy hàng của từng tiểu thương nhưng với những loại chuyên dụng cần có chỗ để cố định. Nhưng ngặt nỗi, chợ này lại không có văn phòng Ban Quản lý chợ nên không biết để thiết bị này ở đâu? Địa phương nhiều lần giải thích rằng, sẽ xây dựng chợ mới nhưng chúng tôi không muốn vì phải chờ đợi lâu. Hơn nữa, vị trí chợ mới lại không thuận tiện cho việc mua bán”.
Phó Bí thư Đảng ủy xã Hậu Thạnh Đông - Nguyễn Văn Trung thông tin, sau vụ cháy chợ cách đây 2 năm, Điện lực Tân Thạnh đến sửa chữa hệ thống điện; vận động tiểu thương tự trang bị và ý thức hơn trong kinh doanh,... Vì chợ xây dựng lâu, qua thời gian xuống cấp, địa phương đang kêu gọi đầu tư chợ mới tại Khu dân cư Hậu Thạnh Đông.
Chợ Hậu Thạnh Đông thiếu các phương tiện phòng cháy, chữa cháy
Tại các vựa ve chai, phế liệu trên địa bàn tỉnh cũng tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ nhưng chủ các cơ sở lại ít quan tâm đến công tác PCCC.
Tại cơ sở thu mua ve chai ở xã Long Phụng, huyện Cần Giuộc, do chị Thu Lan làm chủ, vừa là nơi ở, vừa là nơi kinh doanh. Chị Lan cho biết: “Mấy ngày gần đây, trước thông tin về các vụ cháy liên tiếp xảy ra, tôi nhắc nhở công nhân sắp xếp, phân loại hàng gọn gàng, ngăn nắp. Đặc biệt, vợ chồng tôi luôn chú ý đến hệ thống điện,...”.
Tuy nhiên, số lượng hàng được chất quá nhiều, thiết bị chữa cháy chưa được đầu tư nên nguy cơ xảy xa cháy, nổ tại các vựa ve chai rất cao.
Không được chủ quan
Theo Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh - Lê Hữu Lợi, toàn tỉnh có hơn 24.000ha rừng có nguy cơ cháy ở cấp 5. Rừng trên địa bàn tỉnh chủ yếu là rừng tràm xen cỏ dại, tập trung ở các huyện vùng Đồng Tháp Mười. Mới đây, ngày 29/3/2018, xảy ra vụ cháy rừng làm thiệt hại 15ha tràm của các hộ dân tại xã Mỹ Bình, huyện Đức Huệ.
Nhằm hạn chế tình trạng cháy rừng, nhất là vào mùa khô, ngành Kiểm lâm khuyến cáo các hộ dân đang sinh sống khu vực gần rừng thực hiện nghiêm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng. Mặt khác, có sự phối hợp của 4 lực lượng: Kiểm lâm, công an, quân sự, biên phòng trong công tác giữ gìn, bảo vệ rừng. Ngành chức năng và chính quyền địa phương cần tổ chức lực lượng quần chúng bảo vệ rừng, tập trung xây dựng lực lượng nòng cốt bảo vệ rừng, kịp thời phát hiện, ngăn chặn những hành vi xâm hại rừng, nhất là phòng ngừa hiệu quả, không để xảy ra cháy rừng trong mùa khô,...
Thượng tá Trương Văn Vũ - Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh, cho rằng, công tác PCCC, đặc biệt vào mùa khô là nhiệm vụ thường xuyên của ngành, của các đơn vị, cá nhân, tổ chức. Vì vậy, lực lượng PCCC phối hợp lực lượng cơ sở tăng cường công tác kiểm tra, huấn luyện. Từ đầu năm đến nay, Phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn, cứu hộ tổ chức hàng trăm cuộc tập huấn với hàng ngàn lượt người dự về công tác PCCC.
Lực lượng Cảnh sát PCCC tăng cường phối hợp công an các huyện, thị xã, thành phố, các phòng nghiệp vụ và cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền phòng, chống cháy rừng bằng nhiều hình thức, phổ biến kiến thức pháp luật về PCCC và cứu nạn, cứu hộ ở các khu, cụm công nghiệp; các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao, các cơ sở karaoke, cơ sở phế liệu, khu dân cư liền kề kết hợp kinh doanh buôn bán và PCCC rừng. Từ đó, nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân, góp phần làm giảm số vụ cháy, nổ xảy ra trong mùa khô.
Lực lượng phòng cháy, chữa cháy hướng dẫn các cơ sở kinh doanh một số kỹ năng phòng cháy, chữa cháy
Ngoài ra, lực lượng chức năng còn phổ biến các biện pháp an toàn PCCC trong việc sử dụng, quản lý nguồn lửa, nguồn nhiệt, việc thắp nhang, đèn thờ cúng, an toàn trong sử dụng điện, xăng dầu, gas,... Kiểm tra các phương án chữa cháy, tình trạng hoạt động của lực lượng, phương tiện chữa cháy tại chỗ, đặc biệt, ở các khu, cụm công nghiệp, các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao để có kế hoạch xử lý kịp thời các tình huống xảy ra; phát huy tốt phương châm 4 tại chỗ, chủ động phòng ngừa, sẵn sàng chữa cháy kịp thời, hiệu quả.
Bên cạnh đó, Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh thường trực sẵn sàng chiếu đấu; thực tập phương án chữa cháy ở những cơ sở trọng điểm, có nguy cơ cháy, nổ cao; huy động nhiều lực lượng tham gia, bảo đảm chữa cháy kịp thời, hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do cháy gây ra.
Toàn tỉnh hiện có khoảng 2.000 đội PCCC cơ sở với gần 24.000 đội viên; ngoài ra, có trên 400 đội dân phòng, thường xuyên được tập huấn và bám sát địa bàn cơ sở, đề phòng những trường hợp bất trắc. Tỉnh trang bị một số phương tiện PCCC chuyên dụng; các khu, cụm công nghiệp đầu tư hệ thống PCCC;...
Ngày 26/3/2018, UBND tỉnh ban hành Văn bản số 1087 về việc tăng cường công tác PCCC. Theo đó, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh cần:
- Tăng thời lượng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức pháp luật, kỹ năng về PCCC,...
- Tăng cường công tác kiểm tra, rà soát các cơ sở có nguy cơ cháy cao; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về PCCC; kiên quyết tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở không bảo đảm an toàn PCCC; phối hợp các cơ quan, doanh nghiệp, địa phương tổ chức tập huấn, diễn tập các phương án, xử lý tình huống cháy, nổ và cứu nạn, cứu hộ nhằm bảo đảm ứng phó kịp thời và hiệu quả các tình huống xảy ra; tăng cường trang thiết bị, phương án phòng, chống cháy rừng; tổ chức tuần tra, canh gác nhằm phát hiện sớm các điểm cháy rừng để chữa cháy kịp thời; các khu công nghiệp tăng cường các biện pháp an toàn PCCC, củng cố lực lượng và trang bị đầy đủ phương tiện chữa cháy; kiểm tra an toàn PCCC tại các bộ phận, phân xưởng; có phương án phối hợp để kịp thời phát hiện và chữa cháy khi có cháy, nổ xảy ra.
- UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các ngành chức năng kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ, các khu dân cư nhằm kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những thiếu sót trong công tác PCCC, kiên quyết không để xảy ra cháy, nổ. Chỉ đạo các cơ quan, doanh nghiệp đóng trên địa bàn thường xuyên kiểm tra việc chấp hành các nội quy, quy định về PCCC; tăng cường lực lượng trực bảo vệ các cơ quan, doanh nghiệp. Phối hợp các cơ quan chức năng của tỉnh triển khai các hoạt động PCCC đến cơ sở,... ./.
|
Thanh Nga