Tiếng Việt | English

10/01/2017 - 10:07

Chủ động phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm

Thời gian qua, tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm trong địa bàn tỉnh Long An được khống chế nhưng không vì vậy mà người chăn nuôi chủ quan trong công tác phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.


Người dân chủ động phun xịt thuốc sát trùng để vệ sinh chồng trại

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y - Phan Ngọc Châu thông tin: Hàng năm, vào dịp tết, tổng đàn gia súc, gia cầm của tỉnh tăng khoảng 20-30% so với ngày thường. Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 390.000 con gia súc, trong đó, khoảng 290.000 con heo, hơn 100.000 con trâu, bò và khoảng 7 triệu con gia cầm (4,5 triệu con gà, 2,5 triệu con vịt). Công tác chủ động PCDB được bảo đảm. Người chăn nuôi chủ động tiêm phòng để bảo vệ đàn vật nuôi và phối hợp ngành chức năng có biện pháp xử lý khi nghi ngờ dịch bệnh xảy ra.

Tại huyện Châu Thành, sau khi có chỉ đạo tăng cường công tác chủ động PCDB dịp tết, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện triển khai vệ sinh tiêu độc, khử trùng chuồng trại, tiến hành tiêm phòng nhằm chủ động bảo vệ đàn vật nuôi. Toàn huyện có gần 55.000 con gia súc, gần 1 triệu con gia cầm. Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện triển khai vệ sinh tiêu độc, khử trùng trên toàn địa bàn với khoảng 1.100 lít thuốc sát trùng, tiêm phòng miễn phí vắc-xin lở mồm long móng trên heo với 19.000 liều (quy mô tổng đàn 50 con trở xuống), vắc-xin cúm gia cầm trên vịt 62.000 liều (quy mô tổng đàn 2.000 con trở xuống), vắc-xin tai xanh trên heo khoảng 16.000 liều (quy mô tổng đàn 50 con trở xuống).

Phụ trách Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Châu Thành - Bùi Văn Tư cho biết: “Năm 2016, trạm chủ động tiêm phòng vắc-xin để bảo vệ đàn vật nuôi trên địa bàn huyện. Đặc biệt vào dịp cuối năm 2016, huyện tăng cường tiêm phòng để bảo vệ đàn gia súc, gia cầm của người dân. Bên cạnh đó, người chăn nuôi cần thường xuyên vệ sinh chuồng trại, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, rà soát tiêm phòng bổ sung, lựa chọn con giống có nguồn gốc rõ ràng, phải chủ động phối hợp ngành chức năng để bảo vệ đàn vật nuôi, tránh gây tổn thất về kinh tế”.

Ông Nguyễn Quang Phục, ở ấp 3, xã Hiệp Thạnh, huyện Châu Thành chia sẻ: “Gia đình tôi nuôi heo gần 20 năm, từ 20-30 con. Tôi luôn ý thức trong việc chủ động phối hợp Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện để PCDB. Ngoài việc tiêm phòng theo kế hoạch, gia đình tôi còn tăng cường tiêm phòng thêm trong dịp tết để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho đàn heo”.


Tiêm phòng chủ động bảo vệ đàn vật nuôi

Tại huyện Cần Giuộc, công tác PCDB trên gia súc, gia cầm được triển khai thực hiện tốt. Ông Phạm Hồng Hoàng, ở ấp Thanh Ba, xã Mỹ Lộc cho biết: “Gia đình tôi nuôi khoảng 2.000 con gà. Đây là nguồn thu nhập chính của gia đình nên việc bảo đảm an toàn tuyệt đối cho đàn gà được đặt lên hàng đầu. Ngoài việc thực hiện tiêm phòng theo kế hoạch, gia đình tôi luôn chủ động tiêm phòng ngoài kế hoạch để bảo vệ gia cầm”.

Theo ông Phan Ngọc Châu, dịp tết, các dịch bệnh dễ xảy ra như: Dịch tả, tai xanh trên heo, lở mồm long móng trên gia súc,... nên người chăn nuôi cần lưu ý. Để phòng tránh dịch bệnh xảy ra, người dân cần nuôi theo hướng an toàn sinh học, chủ động phối hợp ngành chức năng trong công tác PCDB. Bên cạnh đó, ngành Thú y luôn có kế hoạch và tham mưu tiêm phòng đúng thời điểm để chủ động PCDB.

Cuối năm 2016, ngành Thú y triển khai vệ sinh tiêu độc, khử trùng trên toàn địa bàn với khoảng 9.000 lít thuốc sát trùng, tiêm phòng miễn phí vắc-xin lở mồm long móng trên gia súc 66.425 liều (quy mô tổng đàn 50 con trở xuống), 1,5 triệu liều vắc-xin cúm gia cầm trên vịt (quy mô tổng đàn 2.000 con trở xuống), 160.000 liều vắc-xin tai xanh trên heo (quy mô tổng đàn 50 con trở xuống) để bảo vệ đàn vật nuôi của người dân trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017. Việc giám sát các lò giết mổ và vận chuyển gia súc, gia cầm luôn được thực hiện nghiêm túc. Đồng thời, ngành bắt buộc tiêm phòng cùng thời điểm đối với các trường hợp nằm ngoài chương trình tiêm phòng miễn phí./.

Thanh Mỹ

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích