Hướng dẫn trẻ rửa tay bằng xà phòng đúng cách để phòng bệnh
1. TCM là bệnh truyền nhiễm do vi-rút gây ra. Bệnh phần lớn ảnh hưởng đến trẻ em dưới 10 tuổi và thường gặp nhất là ở lứa tuổi dưới 5. Bệnh lây lan qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết của trẻ mắc bệnh hoặc gián tiếp qua bàn tay, vật dụng nhiễm dịch tiết có chứa vi-rút gây bệnh. Thời gian ủ bệnh TCM thường từ 3-7 ngày với biểu hiện sốt và mụn nước thường xuất hiện tập trung ở lòng bàn tay, lòng bàn chân và bên trong miệng.
Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ đầu năm 2018 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 1.591 ca TCM, không ghi nhận trường hợp tử vong. So với năm 2017, số ca mắc bệnh TCM thời điểm hiện tại không nhiều (giảm 45,5%). Tuy nhiên, do điều kiện thời tiết thay đổi, bệnh có chiều hướng gia tăng. Trong tuần 38 năm 2018, toàn tỉnh ghi nhận 236 ca mắc TCM, tăng 29,7% so với tuần 37 (182 ca) và tăng 36,4% so với cùng kỳ 2017 (173 ca).
Vào mỗi đầu năm học cũng là “mùa” dịch TCM. Nếu không có biện pháp phòng và xử lý ca bệnh, ổ dịch TCM triệt để thì bệnh có nguy cơ bùng phát thành dịch. Vì vậy, ngành y tế phối hợp ngành giáo dục giám sát về công tác vệ sinh phòng dịch tại các điểm trường trên địa bàn, hạn chế nguy cơ lây lan trong cộng đồng. Khi phát hiện hoặc nghi học sinh, trẻ nhỏ mắc bệnh TCM, các trường nên thông báo cho cơ sở y tế trên địa bàn để được hướng dẫn các biện pháp xử lý phù hợp. Đối với trẻ mắc bệnh, nhà trường không cho trẻ đến lớp học khi chưa điều trị khỏi bệnh hoàn toàn.
Ngoài ra, phụ huynh và người chăm sóc trẻ cần thường xuyên rửa sạch bàn tay của trẻ và người chăm sóc bằng xà phòng dưới vòi nước sạch; vệ sinh hàng ngày và khử khuẩn hàng tuần đồ chơi, vật dụng, nơi sinh hoạt của trẻ; bảo đảm cho trẻ ăn chín, uống chín, tuyệt đối không cho trẻ ăn chung muỗng, chén,...
Chị Phạm Thị Thu Quý (ngụ xã Vĩnh Thạnh, huyện Tân Hưng) chia sẻ: “Qua tuyên truyền, tôi biết được các triệu chứng cũng như cách phòng bệnh nên chủ động thực hiện. Đặc biệt là giữ gìn vệ sinh nhà ở, môi trường xung quanh sạch sẽ, thường xuyên nhắc nhở các con rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh”.
2. Trường mầm non, trường mẫu giáo là nơi tập trung nhiều trẻ em nên tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Do đó, các điểm trường chủ động phòng, chống dịch bệnh. Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Hướng Dương (phường 2, thị xã Kiến Tường) - Lê Thị Công cho biết: “Trường có 250 trẻ với 10 nhóm lớp. Công tác vệ sinh phòng bệnh được thực hiện thường xuyên. Phía sau mỗi lớp học được trang bị các bồn rửa tay, giáo viên thường xuyên nhắc nhở, hướng dẫn trẻ rửa tay đúng cách. Hàng ngày, nhân viên y tế của trường theo dõi tình hình sức khỏe của trẻ và giám sát vệ sinh các phòng học nên nhiều năm qua không có trường hợp trẻ bị mắc bệnh TCM tại trường”.
Lau sạch khu vực sinh hoạt của trẻ bằng dung dịch khử khuẩn
Tại Cơ sở Mầm non tư thục Tuổi Thần Tiên (xã An Thạnh, huyện Bến Lức), việc chăm sóc và phòng bệnh cho trẻ được quan tâm. Ngoài tuyên truyền trực tiếp đến phụ huynh, cơ sở có bảng tuyên truyền các biện pháp phòng bệnh theo mùa. Giáo viên lau sàn phòng học mỗi ngày bằng dung dịch khử khuẩn; ngâm vật dụng, đồ chơi của trẻ bằng hóa chất khử khuẩn.
Bệnh TCM hiện chưa có vắc-xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Rửa tay bằng xà phòng là biện pháp phòng tránh bệnh hiệu quả. Do đó, ngoài sự vào cuộc của ngành y tế, phụ huynh cần chủ động thực hiện các biện pháp vệ sinh như ăn chín, uống chín; rửa tay cho trẻ, cả người chăm sóc trẻ nhiều lần trong ngày, đặc biệt là trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn hoặc cho trẻ ăn nhằm bảo vệ sức khỏe cho trẻ./.
Ngọc Mận-Huỳnh Hương