Tiếng Việt | English

26/10/2022 - 08:58

Chung tay đẩy lùi bạo lực học đường

Hiện nay, tình trạng bạo lực học đường (BLHĐ) diễn biến phức tạp, là nỗi lo của nhiều gia đình và bức xúc của toàn xã hội. Để phòng ngừa, ngăn chặn và đẩy lùi BLHĐ, cần sự vào cuộc quyết liệt từ nhiều phía.

Thời gian qua, mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng ngừa và ngăn chặn tình trạng BLHĐ; nhiều địa phương quan tâm xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong nhà trường nhưng tình trạng BLHĐ vẫn diễn biến phức tạp, liên tiếp xảy ra nhiều vụ học sinh đánh nhau, gây lo lắng, bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến hoạt động giáo dục trong nhà trường.

Theo số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trung bình một năm học, toàn quốc xảy ra 1.600 vụ việc học sinh đánh nhau (bình quân 5 vụ/ngày) và có chiều hướng gia tăng. Nhiều vụ BLHĐ xảy ra không chỉ là xô xát thông thường giữa học sinh với nhau mà còn liên quan đến vi phạm pháp luật.

Tại Long An, vừa qua, một nam sinh lớp 11 của Trường THCS&THPT Nguyễn Văn Rành (TP.Tân An) bị một nhóm thanh niên tổ chức đánh hội đồng bên ngoài trường, làm chấn thương sọ não dẫn đến tử vong. Điều đáng nói, nhóm thanh niên trên không có mâu thuẫn với nam sinh này mà lại đánh cố sát, kiểu xã hội đen, mất tính người. Theo báo cáo ban đầu của nhà trường, trước đó, nam sinh này và một học sinh lớp 10 xảy ra mâu thuẫn với nhau. Sự việc đau lòng xảy ra do học sinh lớp 10 chia sẻ với nhóm bạn bên ngoài, rồi lên Facebook lập nhóm riêng để gây sự. Qua quá trình điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.Tân An đã ra quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam 7 đối tượng liên quan vụ nam sinh lớp 11 bị đánh tử vong.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến nạn BLHĐ. Hiện nay, với sự phát triển của công nghệ thông tin, học sinh dễ dàng tiếp xúc rất sớm với Internet. Những đoạn phim ảnh, game, đồ chơi mang tính bạo lực,... phát tán công khai trên mạng xã hội đã ảnh hưởng đến tâm lý, hành động của các em. Mặt khác, lứa tuổi học sinh đang phát triển về tâm, sinh lý nên các em muốn khẳng định mình, dễ dẫn đến những hành vi thiếu kiểm soát và thiếu kiềm chế. Bên cạnh đó, môi trường gia đình, cách cư xử của người lớn tác động rất nhiều đến hành vi ứng xử của các em. Cha mẹ quá khắt khe, kỳ vọng hoặc dạy dỗ bằng các biện pháp kỷ luật sẽ gây nên áp lực tâm lý cho các em. Khi tư tưởng bị gò bó, ức chế, không giải tỏa được, các em sẽ bùng nổ ở mối quan hệ khác. Ngược lại, nếu cha mẹ chiều chuộng quá mức cũng tạo cho con tâm lý háo thắng, thích gì được nấy và dễ bị lôi kéo, dụ dỗ bởi hành vi xấu.

Bên cạnh đó, những hạn chế trong phương pháp giáo dục của nhà trường cũng dễ dẫn đến BLHĐ. Hiện nay, nội dung chương trình giáo dục về đạo đức công dân còn nặng lý thuyết, ít liên hệ thực tiễn, chưa cuốn hút học sinh, chưa có nhiều hoạt động trải nghiệm giúp các em nhận thức được những bài học về giá trị của lòng nhân ái, bao dung, sự tôn trọng và trách nhiệm của bản thân với những người xung quanh,...

Ngăn ngừa nạn BLHĐ cần sự vào cuộc từ nhiều phía, trong đó, quan trọng nhất là sự phối hợp giữa gia đình - nhà trường - xã hội. Về phía gia đình, cần có sự quan tâm của các bậc cha mẹ. Trong cuộc sống hàng ngày, cha mẹ quan tâm đến sự thay đổi tâm, sinh lý của con và nhận ra những biểu hiện tâm lý bất thường để kịp thời động viên, định hướng. Bên cạnh đó, cha mẹ phải tạo lập cho con môi trường sống hạnh phúc, bình đẳng, không bạo lực. Về phía nhà trường, thầy, cô giáo phải là tấm gương sáng, giao tiếp, ứng xử có văn hóa để học sinh noi theo. Bên cạnh đó, nhà trường cần tăng cường hoạt động ngoại khóa, chú trọng giáo dục kỹ năng sống cho học sinh. Về phía xã hội, phải đề cao vai trò của các tổ chức, đoàn thể trong nhà trường vì đó là những kênh có ảnh hưởng lớn đến các em. Học sinh cần được giáo dục nhân cách qua các hoạt động thực tiễn, hoạt động Đoàn, Đội chứ không chỉ qua các bài giảng trên lớp. Muốn vậy, phải tạo điều kiện để các tổ chức Đoàn, Hội, Đội có thể tham gia cùng nhà trường, gia đình trong giáo dục nhân cách học sinh. Bên cạnh đó, ngành chức năng cần tăng cường kiểm tra hoạt động kinh doanh Internet, dịch vụ văn hóa,... để kịp thời ngăn chặn những mầm mống xấu ảnh hưởng đến lứa tuổi học sinh.

Hy vọng, sự vào cuộc của gia đình - nhà trường - xã hội sẽ tạo nên sức mạnh để phòng ngừa, ngăn chặn và đẩy lùi BLHĐ, góp phần xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh./.

Thanh Tuyền

Chia sẻ bài viết