Tiếng Việt | English

30/08/2022 - 14:06

Ngăn chặn bạo lực học đường cần sự chung tay của toàn xã hội

Tình trạng bạo lực học đường (BLGĐ) không phải mới nhưng thời gian gần đây xảy ra khá nhiều trong các trường học, ngày càng bộc lộ tính chất nghiêm trọng. Vì vậy, ngăn chặn nạn BLHĐ không chỉ là trách nhiệm của ngành Giáo dục mà đòi hỏi sự “vào cuộc” của toàn xã hội.

Tuyên truyền góp phần ngăn chặn, loại bỏ nguy cơ xảy ra bạo lực trong trường học thông qua hình thức sân khấu hóa, biểu diễn tiểu phẩm

Báo động tình trạng bạo lực học đường

Gần đây, một phụ huynh Trường Quốc tế TP.HCM American Academy (ISHCMC-AA, phường An Phú, TP.Thủ Đức) lên mạng livestream tố con mình cùng một số bạn học bị một nữ sinh cùng trường đánh, đấm vào ngực trong khuôn viên trường. Điều đáng nói, khi cả 4 phụ huynh của các em bị đánh đến trường thì không hề được tiếp đón, phải đứng chờ ngoài hành lang, trong khi phụ huynh của nữ sinh bị tố đánh bạn được ngồi trong văn phòng. Vụ việc nhanh chóng lan truyền với tốc độ chóng mặt trên mạng xã hội, thu hút hàng trăm ngàn người theo dõi và sớm được các ngành liên quan vào cuộc.

Ở Long An, trên một số diễn đàn, mạng xã hội cũng đăng tải trường hợp một nam sinh bị “đánh hội đồng” trong giờ giải lao, xảy ra tại địa bàn huyện Đức Hòa. Điều đáng nói, khi đánh bạn, nhóm này còn chửi lớn tiếng và xung quanh có nhiều học sinh nhưng không ai can ngăn, có em còn cầm điện thoại để quay clip. Kết quả kiểm tra cho thấy, nhóm đánh bạn và nạn nhân đều đang học tại Trường THCS Võ Văn Tần. Nhận định đây là vụ việc BLHĐ mang tính chất nghiêm trọng nên các ngành liên quan trên địa bàn huyện đã nhanh chóng vào cuộc, xử lý.

Hiện nay, tình trạng BLHĐ mang tính chất khá nghiêm trọng, đáng báo động, chỉ vì những chuyện nhỏ nhặt thường ngày mà các thanh, thiếu niên đã ứng xử với nhau thiếu lòng nhân ái. Đáng lo ngại hơn, lý do dẫn đến BLHĐ đôi khi rất đơn giản như va chạm trong lúc nô đùa, trên đường đi học, mâu thuẫn nhau trên các diễn đàn, mạng xã hội. Không chỉ là học sinh nam đánh nhau, mà tình trạng này còn xảy ra với khá nhiều học sinh nữ với những hành động thô bạo, nhiều học sinh chứng kiến còn không can ngăn, thậm chí cổ vũ.

Cần sự vào cuộc của toàn xã hội

Để ngăn chặn, đẩy lùi và từng bước chấm dứt tình trạng BLHĐ rất cần sự vào cuộc của toàn xã hội, nhất là sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể. Theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mộc Hóa - Phạm Thị Thái Thanh, để ngăn chặn tình trạng BLHĐ, thời gian qua, bên cạnh việc triển khai, thực hiện các quyết định, quy chế, kế hoạch của UBND huyện ban hành, Phòng chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của tổ tư vấn học đường và vai trò của giáo viên chủ nhiệm. Theo đó, tổ chức các hoạt động tư vấn tâm lý lứa tuổi, giới tính, sức khỏe sinh sản vị thành niên phù hợp với lứa tuổi; xây dựng kế hoạch phối hợp các ngành liên quan trong việc bảo đảm an ninh, trật tự; tuyên truyền kiến thức pháp luật cho học sinh; tuyên truyền, giáo dục kỹ năng sống, cách ứng xử văn hóa và kỹ năng phòng, chống BLHĐ, xâm hại tình dục;...

Ngăn chặn bạo lực học đường cần sự chung tay của toàn xã hội. Ảnh: Phong Nhã

“Đoàn Thanh niên thường xuyên phối hợp giáo viên chủ nhiệm, đội ngũ quản sinh tăng cường giám sát, thu thập thông tin nhằm phát hiện kịp thời học sinh có hành vi gây gổ, có nguy cơ gây BLHĐ. Đặc biệt, thời gian qua, Đoàn Thanh niên duy trì phối hợp tổ chức tuyên truyền góp phần ngăn chặn, loại bỏ nguy cơ xảy ra bạo lực trong trường học thông qua hình thức sân khấu hóa, biểu diễn tiểu phẩm, hùng biện dưới cờ, hái hoa dân chủ,...” - Bí thư Đoàn trường THPT Đông Thạnh (xã Đông Thạnh, huyện Cần Giuộc) - Huỳnh Trung Hiếu chia sẻ.

Thông tin từ UBND tỉnh, để ngăn chặn BLHĐ, tỉnh tiếp tục chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp các sở, ngành, đoàn thể và các địa phương triển khai, thực hiện Kế hoạch số 307/KH-UBND, ngày 27-01-2022 về việc triển khai, thực hiện Chương trình “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2021-2030” trên địa bàn. Trong đó, đối với giáo dục mầm non, tổ chức các hoạt động giáo dục ý thức về bản thân; khả năng nhận biết và thể hiện tình cảm, cảm xúc với con người, sự vật, hiện tượng xung quanh; phát triển kỹ năng sống, kỹ năng xã hội (chăm ngoan, lễ phép, thực hiện tốt 5 điều Bác Hồ dạy, mạnh dạn, tự tin, tôn trọng, hợp tác, thân thiện, quan tâm, chia sẻ, thực hiện quy tắc, quy định trong sinh hoạt ở trường, lớp mầm non, gia đình và nơi công cộng, quan tâm đến bảo vệ môi trường,...) để dần hình thành nhân cách tốt, đặt nền tảng cho việc học tập, rèn luyện ở các cấp học tiếp theo.

Đối với giáo dục phổ thông, UBND tỉnh yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp các sở, ngành, đoàn thể và các địa phương thực hiện nội dung dạy học môn Đạo đức, Giáo dục công dân trong chương trình, sách giáo khoa hiện hành; triển khai hiệu quả các nội dung tích hợp, lồng ghép giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến trong các môn học (Tiếng Việt, Ngữ văn, Lịch sử,...), các hoạt động giáo dục, trong đó tập trung vào các hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; giáo dục hành vi, chuẩn mực đạo đức, ý thức tuân thủ pháp luật, kỹ năng sống, giá trị sống.

Vấn nạn BLHĐ để lại nhiều hệ lụy cho các gia đình, nhà trường và cả xã hội. Vì vậy, ngăn ngừa BLHĐ không phải là trách nhiệm của riêng ai, mỗi chúng ta cũng cần có cách ứng xử kịp thời để góp phần hạn chế các vụ BLHĐ xảy ra cũng như giảm mức độ nghiêm trọng của sự việc./.

Phong Nhã

Chia sẻ bài viết