Nhiều hoạt động thiết thực
Cách đây 62 năm, ngày 10/8/1961, quân đội Mỹ mở đầu cuộc chiến tranh hóa học ở Việt Nam. Thực tế chứng minh, cuộc chiến tranh hóa học do Mỹ gây ra trên lãnh thổ Việt Nam là cuộc chiến tranh quy mô lớn nhất, dài nhất, gây hậu quả thảm khốc nhất trong lịch sử loài người. Do đó, ngày 10/8 hàng năm trở thành Ngày Vì NNCĐDC để nhắc nhở về một thảm họa đối với môi trường và sức khỏe con người; đồng thời, kêu gọi cộng đồng xã hội chung tay xoa dịu nỗi đau da cam.
Tặng quà cho các nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam
Theo số liệu thống kê của Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh, toàn tỉnh hiện có 4.852 hội viên với 91 Hội cơ sở, liên chi hội của 102/188 xã, phường, thị trấn đủ điều kiện. Tổng số nạn nhân hưởng chế độ chính sách hàng tháng là 1.315 (trong đó, con đẻ là 407). Những đối tượng này gặp nhiều khó khăn do những vết thương mà chiến tranh để lại, rất cần sự giúp đỡ về vật chất lẫn tinh thần. Nhằm góp phần xoa dịu nỗi đau da cam, Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh phối hợp cấp ủy Đảng, chính quyền và các ban, ngành đoàn thể hỗ trợ các nạn nhân vượt qua khó khăn. Từ đầu năm 2023 đến nay, các cấp Hội vận động gần 1.000 phần quà (trị giá gần 4 tỉ đồng); 308 triệu đồng tiền mặt; trao 16 căn nhà tình nghĩa, nhà tình thương cho các NNCĐDC/dioxin với kinh phí trên 1,4 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh tích cực triển khai phong trào thi đua “Vì NNCĐDC”, hướng dẫn các huyện, thị, thành Hội đăng ký thi đua ngay từ đầu năm. Trong đó, khuyến khích xây dựng mô hình, cách làm hay, sáng tạo, có sức lan tỏa trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng người nghi phơi nhiễm CĐDC/dioxin. Việc thực hiện chế độ, chính sách theo chủ trương chung được các cấp Hội phối hợp thực hiện tốt.
“Từ năm 2011 đến nay, hàng năm, Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam đều phối hợp Cổng Thông tin điện tử nhân đạo quốc gia tổ chức nhắn tin ủng hộ NNCĐDC/dioxin. Năm 2023, Trung ương Hội NNCĐDC/dioxin và Cổng Thông tin điện tử nhân đạo quốc gia (Cổng 1400) kêu gọi đồng bào, chiến sĩ cả nước hãy tiếp tục hành động, chung tay xoa dịu nỗi đau da cam bằng cách soạn tin nhắn: DA CAM gửi 1409 (20.000 đồng/tin nhắn). Chương trình nhắn tin “Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam 2023” được thực hiện trong 60 ngày, bắt đầu từ ngày 20/7 đến 19/9. Ngoài hình thức nhắn tin, Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam cũng kêu gọi mọi tấm lòng hảo tâm có thể chuyển khoản về Quỹ NNCĐDC/dioxin Việt Nam, tại Ngân hàng TMCP Quân đội chi nhánh Thanh Xuân, Hà Nội, số tài khoản: 0031101234005” - Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh - Lê Thị Thu Hồng cho biết.
Xoa dịu nỗi đau
Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam là việc làm nhân đạo, tiếng gọi của lương tri và trách nhiệm của toàn thể xã hội. Nhiều năm qua, huyện Cần Đước quan tâm thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, bảo đảm các chế độ về trợ cấp cho NNCĐDC/dioxin đầy đủ, kịp thời. Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin huyện Cần Đước - Huỳnh Thị Kim Loan thông tin: “Hội tích cực tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân, các tầng lớp nhân dân trong và ngoài huyện cùng chia sẻ, giúp đỡ về vật chất, tinh thần để các nạn nhân khắc phục khó khăn, vượt qua bệnh tật. Kỷ niệm 62 năm thảm họa da cam ở Việt Nam, Hội tổ chức họp mặt và tặng quà cho các nạn nhân trên địa bàn huyện”.
Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Cần Đước trao tặng xe lăn cho gia đình các nạn nhân chất độc da cam bị khuyết tật
Nỗi đau thể xác không thể đánh gục ý chí vươn lên của những NNCĐDC/dioxin. Dù sức khỏe hạn chế do bị nhiễm CĐDC nhưng chị Lê Thị Kim Ánh (ấp 1, xã Phước Đông, huyện Cần Đước) vẫn nỗ lực vươn lên. Hàng ngày, trên chiếc xe lăn được tặng, chị Ánh rong ruổi trên các tuyến đường để bán vé số mưu sinh. “Được tặng xe tôi mừng lắm! Hoàn cảnh gia đình khó khăn nên từ khi được tặng chiếc xe này, tôi có thể đi bán vé số để trang trải cuộc sống. Thời gian qua, nhờ địa phương quan tâm, tôi được chi trả chế độ chính sách, thăm hỏi, tặng quà thường xuyên” - chị Ánh nói.
Tại phường Tân Khánh, TP.Tân An, công tác chăm lo cho NNCĐDC/dioxin luôn được thực hiện tốt. Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam phường Tân Khánh - Lê Văn Danh cho biết: “Hiện trên địa bàn có 5 NNCĐDC/dioxin. Hầu hết các nạn nhân đều có hoàn cảnh khó khăn, sức khỏe yếu. Địa phương tổ chức nhiều hoạt động thăm hỏi và huy động nhiều nguồn lực chăm lo cho các nạn nhân. Bên cạnh tặng quà nhân dịp lễ, tết, Ngày Vì NNCĐDC, phường còn hỗ trợ sửa chữa nhà cho nạn nhân gặp khó khăn về nhà ở”.
Sự quan tâm, chăm lo của các cấp, các ngành giúp gia đình ông Trần Thái Dương (khu phố Nhơn Hậu, phường Tân Khánh, TP.Tân An) có thêm động lực vươn lên trong cuộc sống
Bằng ý chí, nghị lực kiên cường, ông Trần Thái Dương (khu phố Nhơn Hậu, phường Tân Khánh) - NNCĐDC/dioxin nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Trước đây, ông làm nghề sửa xe, vừa trang trải chi phí sinh hoạt, vừa nuôi 4 người con ăn học. Hiện nay, do tuổi cao, sức yếu nên ông Dương không còn khả năng lao động, cuộc sống gia đình khá khó khăn.
Bà Phan Thị Hoa - vợ của ông Trần Thái Dương bày tỏ: “Nhờ sự quan tâm của các cấp chính quyền, gia đình tôi được hỗ trợ tiền sửa chữa lại căn nhà bị xuống cấp. Ngoài chế độ chính sách hàng tháng, chính quyền địa phương, các Hội, đoàn thể thường xuyên thăm hỏi, tặng quà cho gia đình tôi”.
Đất nước được hòa bình, độc lập và phát triển như ngày nay, biết bao người đã phải hy sinh. Chính vì vậy, thế hệ hôm nay phải luôn trân trọng quá khứ, biết ơn các thế hệ đi trước, chung tay giúp đỡ các NNCĐDC/dioxin là trách nhiệm của toàn xã hội. Biến nhận thức của mỗi người thành hành động cụ thể, thiết thực giúp đỡ các nạn nhân vượt lên chính mình, tiếp thêm niềm tin và động lực để họ vươn lên trong cuộc sống./.
Cuộc chiến tranh hóa học do Mỹ tiến hành ở Việt Nam làm cho 4,8 triệu người bị phơi nhiễm, trên 3 triệu người là NNCĐDC/dioxin; nhiều người trong số đó mắc bệnh hiểm nghèo, bị dị dạng, dị tật, thiểu năng trí tuệ; di chứng da cam đã truyền sang thế hệ thứ 4, gây nên biết bao thảm cảnh mà nhiều thế hệ người Việt Nam phải gánh chịu.
Mặc dù được sự quan tâm, hỗ trợ từ chính sách của Nhà nước nhưng NNCĐDC/dioxin vẫn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần. Nhiều nạn nhân còn nghèo khó, bệnh tật, nên rất cần sự sẻ chia, đóng góp từ cộng đồng, giúp họ được chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh, cải thiện cuộc sống, có thêm nghị lực vượt qua khó khăn, hòa nhập cộng đồng.
|
Huỳnh Hương