Với 280 chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn triển khai tại 35 tỉnh, thành phố trên cả nước; 69 địa chỉ xác nhận sản phẩm an toàn theo chuỗi của các cơ sở kinh doanh nông sản, thực phẩm vừa được Bộ NN&PTNT công bố đã phần nào đáp ứng được nhu cầu thực phẩm sạch của người tiêu dùng hiện nay.
Chuỗi sản xuất và cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn còn nhiều bất cập. (Ảnh minh họa: KT)
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để nhân rộng các mô hình thực phẩm sạch, đáp ứng nhu cầu người dân vẫn còn nhiều việc phải làm, nhất là khâu kết nối giữa các bên trong chuỗi sản xuất nông sản thực phẩm an toàn.
“Nói chung ở các chợ thì hầu như ít thực phẩm sạch. Chọn mua thực phẩm sạch vừa đảm bảo sức khỏe cho mình, gia đình và cả xã hội chứ không riêng 1 mình ai cả”.
“Mấy gia đình cùng mua chung lợn người nhà nuôi hoặc rau sạch ở vườn, các trang trại nơi nào có uy tín để mua”.
Đó là ý kiến của ông Nguyễn Thế Khải và chị Trần Thanh Tâm ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) khi được hỏi về việc lựa chọn thực phẩm an toàn trong bữa ăn gia đình. Mỗi người một cách, chưa bao giờ sự lo lắng về thực phẩm đảm bảo chất lượng lại khiến người tiêu dùng lúng túng như hiện nay.
Triển khai đợt cao điểm hành động Năm Vệ sinh an toàn thực phẩm, Bộ NN&PTNT đang thí điểm triển khai xây dựng các chuỗi liên kết, cấp xác nhận sản phẩm an toàn cho các cơ sở bày bán sản phẩm nông sản, thực phẩm. Tuy nhiên, số lượng các điểm bán thực phẩm được xác nhận an toàn còn rất hạn chế, nhất là tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM.
Trong số 69 địa chỉ bán thực phẩm an toàn được xác nhận theo chuỗi mà Bộ vừa công bố, tại Hà Nội mới chỉ có 7 điểm, TP HCM có 11 địa chỉ…. Từ thực tiễn xây dựng chuỗi thương hiệu cam sành Hàm Yên, ông Phạm Mạnh Cường, Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tuyên Quang cho rằng, trong sản xuất hiện nay khâu kết nối theo chuỗi vẫn còn hạn chế.
“Phải tiến hành nhiều giải pháp đồng bộ. Từ khâu nuôi trồng, canh tác đến thu hoạch và chế biến cũng như tiêu thụ. Nếu cứ để nông dân sản xuất manh mún, nhỏ lẻ sẽ không thể kiểm soát được vệ sinh an toàn thực phẩm một cách tốt nhất. Cần tổ chức các mô hình, tổ hợp tác và hợp tác xã, doanh nghiệp sau này nếu có thể. Đó cũng là cái chúng ta sẽ kiểm soát được cũng như xây dựng được các nhãn hiệu sản phẩm”, ông Cường cho biết.
Trong khi đó, ông Võ Việt Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn chế biến thực phẩm Nam Hà Nội chia sẻ, ngoài việc kết nối vùng nguyên liệu sạch gặp khó khăn thì trong chuỗi thực phẩm an toàn hiện nay việc tham gia giữa các doanh nghiệp còn thiếu chặt chẽ. Có những chuỗi sản phẩm doanh nghiệp chỉ tham gia ở khâu cung ứng đầu vào, thiếu đơn vị đứng ra bao tiêu, chế biến, bảo quản và vận chuyển. Chính vì thế, sản phẩm nông dân làm ra dù đảm bảo an toàn, nhưng trong khâu vận chuyển, tiêu thụ chưa đảm bảo, khiến sản phẩm cuối cùng đến tay người tiêu dùng chất lượng lại không đảm bảo.
“Chỉ có xã hội hóa các chuỗi trong sản xuất thì sản phẩm chăn nuôi mới đảm bảo an toàn. Các doanh nghiệp tham gia càng nhiều thì trong quá trình hoạt động kinh doanh cũng tự phải tự bảo vệ uy tín, thương hiệu quả mình. Hiện nay các hộ cá thể sản xuất thì không có lực lượng nào có thể kiểm tra, giám sát được. Ngoài ra, tính tuân thủ pháp luật đối với một tổ chức bao giờ cũng cao hơn so với cá thể”, ông Võ Việt Dũng nói.
Số cơ sở được xác nhận an toàn quá ít do sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, ý thức trách nhiệm của một số cơ sở kinh doanh nông sản an toàn chưa cao đang là những điểm nghẽn trong việc nhân rộng các mô hình “thực phẩm sạch” hiện nay.
Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục quản lý chất lượng nông lâm thủy sản cho biết, để tạo được chuỗi cung ứng đáp ứng được tiêu chuẩn an toàn thực phẩm cần có sự liên kết chặt chẽ giữa hộ sản xuất. Các sản phẩm phải có nhãn mác, tem nhận diện sản phẩm được cơ quan quản lý xác nhận; đạt tiêu chuẩn sản xuất thực hành nông nghiệp Tốt – VietGap hoặc tương đương. Khi lòng tin của người tiêu dùng được đảm bảo thì việc quản lý thực phẩm an toàn mới thực sự hiệu quả.
Cũng theo ông Nguyễn Như Tiệp, hiện nay Bộ NN&PTNT đang xem xét và ban hành quy trình kiểm tra, chứng nhận và xác nhận sản phẩm an toàn. Đây là cơ sở để đẩy mạnh việc phát triển các mô hình “thực phẩm sạch”, giúp người tiêu dùng tiếp cận với thực phẩm an toàn hiện nay.
“Bộ đã giao Cục quản lý phối hợp với các đơn vị để hoàn thành quy trình, quy định về hỗ trợ, kết nối sản xuất, kinh doanh, phân phối nông sản thực phẩm an toàn để hình thành nhiều hơn nữa các chuỗi, đồng thời để kiểm tra, giám sát thẩm định để xác nhận nhiều hơn các chuỗi này. Sắp tới, khi quy định được ban hành, chúng tôi sẽ cập nhật thường xuyên các địa chỉ được kiểm soát an toàn thực phẩm theo chuỗi để đáp ứng nhu cầu thực phẩm sạch của người dân hiện nay”, ông Tiệp chỉ rõ.
Thực phẩm an toàn đang là một trong các mối quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng hiện nay, việc có thêm các chuỗi và địa chỉ cung ứng nông sản thực phẩm an toàn là xu hướng tiêu dùng hiện tại và là nhu cầu tất yếu của người dân.
Để làm được điều này, rất cần sự đồng bộ trong triển khai thực hiện của các Bộ, ngành liên quan, trong đó việc ban hành sớm Quy chế hỗ trợ trong khâu kết nối các chuỗi nông sản an toàn là cần thiết để người tiêu dùng có thể yên tâm sử dụng thực phẩm trong mỗi bữa cơm gia đình./.
Minh Long/VOV-Trung tâm Tin