Tiếng Việt | English

12/12/2015 - 11:15

Người tiêu dùng bị hiểm nguy bao vây

Làm gì khi khoảng 4.200 hộ sản xuất được thanh tra, kiểm tra trong năm 2015, có hàng trăm cơ sở vi phạm về sử dụng chất bảo vệ thực vật? Ăn gì cũng lo.

 

Cán bộ Chi cục Thú y TP.HCM lấy mẫu xét nghiệm chất cấm (chất tạo nạc, tăng trọng) tại một lò mổ - Ảnh: Hoàng Lộc

Dù số vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả bị phát hiện và bắt giữ tăng mạnh so với năm trước nhưng vẫn còn khá phức tạp, chưa kể hiện tượng trộn chất vàng ô, chất tạo nạc vào thức ăn chăn nuôi đã gây bức xúc trong dân chúng.

Đó là nội dung cuộc tổng kết “nóng” của Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban 389) tại cuộc họp trực tuyến với các địa phương ngày 11-12.

Hàng giả, hàng nhái 
đầy trời

Ông Trần Việt Thanh, thứ trưởng Bộ Khoa học - công nghệ, cho biết với xăng dầu, nhiều cửa hàng đã dùng công nghệ cao để gian lận, với mức ăn cắp từ 5-10%, tức khoảng 1/10 lượng xăng dầu mà người tiêu dùng bỏ tiền mua. “Khi bị kiểm tra, họ chỉ cần bấm nút trên điện thoại di động là sẽ không phát hiện được” - ông Thanh cho biết.

Cũng theo ông Thanh, kết quả thanh tra chuyên đề về các mặt hàng đóng gói sẵn cho thấy có tình trạng gian lận, khối lượng thực tế thấp hơn ghi trên nhãn. Đặc biệt, cả mặt hàng vàng trang sức cũng có rất nhiều vi phạm. “Chất lượng, tuổi, khối lượng vàng thường không đúng so với niêm yết” - ông Thanh nói.

Trong khi đó, ông Vũ Văn Tám - thứ trưởng Bộ NN&PTNT - cho biết trong khoảng 4.200 hộ sản xuất được thanh tra, kiểm tra trong năm 2015, có hàng trăm cơ sở vi phạm về sử dụng chất bảo vệ thực vật.

Về chất cấm trong chăn nuôi, có 16% số mẫu có thuốc tăng trọng tạo nạc, 7,6% có kháng sinh vượt ngưỡng. Tuy nhiên, theo ông Tám, đa số vụ việc bị phát hiện đều là từ đường dây nóng do dân báo, chính quyền các địa phương phát hiện rất ít...

“Với hàng giả, hàng nhái đầy trời như hiện nay, mua cái gì, ăn cái gì cũng lo” - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, thượng tướng Nguyễn Thành Cung nói.

Theo ông Cung, có địa phương báo cáo sau khi đánh mạnh, tình hình đã lắng xuống. Nhưng qua theo dõi, thấy lắng xuống là các đối tượng chuyển địa bàn chứ không phải biến mất. Do đó, ông Cung đề nghị phải nghiên cứu để có chủ trương giải pháp mới. Chứ cứ cách làm như hiện nay sẽ không mang lại hiệu quả như 
mong muốn.

Nếu cần thiết, 
thay cả đơn vị

Theo báo cáo của các bộ ngành, người tiêu dùng Việt Nam đang bị bao vây, tấn công bởi rất nhiều hiểm nguy.

Theo ông Cung, có vụ việc phát hiện đấu tranh nhưng đụng tới doanh nghiệp lớn, lại “có nơi này nơi kia can thiệp với lý do cái này có gì đâu, thôi cho nó đi đi...”. “Nói thật, nó là vấn đề không đơn giản tí nào” - ông Cung nói, đồng thời cho rằng không chỉ cần chống làm ngơ, bao che mà còn phải kiên quyết chống can thiệp.

Ngoài ra, ông Cung cho rằng cần có chế tài mạnh hơn vì đánh chưa mất vốn, chưa sụp thì vẫn chưa răn đe. Đặc biệt, nơi nào để xảy ra nhiều vụ việc liên quan đến buôn lậu, gian lận thương mại thì khi đề bạt cán bộ phải xem xét. “Nơi xảy ra nhiều vụ việc, xử lý được mấy người, không được bao nhiêu đâu” - ông Cung nói.

Dù khẳng định số vụ việc buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả bị phát hiện, bắt giữ năm 2015 đã tăng 40% so với năm trước nhưng ông Lê Quý Vương, thứ trưởng Bộ Công an, thừa nhận vẫn còn rất phức tạp, đồng thời khuyến cáo các địa phương cần tập trung vào đầu nậu, chứ bắt nhỏ lẻ hiệu quả không cao.

Phát biểu chỉ đạo, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao hoạt động của Ban 389 với nhiều vụ việc được phát hiện. Ông Phúc không ít lần nhắc trong cuộc họp kinh nghiệm: “Nếu cần, có thể thay đổi cả bộ máy, như Quảng Ninh có trạm liên hợp kiểm soát khu vực cửa khẩu Móng Cái, đã quyết định thay, điều chuyển toàn bộ cán bộ ở trạm này”.

Cũng theo ông Phúc, người dân rất bức xúc với tình trạng gian lận trong thức ăn chăn nuôi, dùng chất cấm trong chế biến thực phẩm..., đồng thời cho rằng một số ngành, địa phương chưa tích cực triển khai biện pháp phòng chống, còn tình trạng nể nang, bao che, thiếu kiên quyết trong xử lý vi phạm, nhất là xử lý công chức.

“Nước ta đã hội nhập mà gian dối trong sản xuất kinh doanh thì hậu quả khôn lường. Bán heo mà ép nước vào, thế thì ai tiêu thụ? Những hành vi đáng xấu hổ đó phải được loại trừ” - ông Phúc nói và yêu cầu từng bộ, ngành, địa phương phải xây dựng kế hoạch cụ thể hành động.

Ngoài ra, ông Phúc yêu cầu phải nâng mức chế tài xử lý vi phạm, đồng thời đề nghị quân đội, công an, cảnh sát biển... phải làm gương, không để có tình trạng tiếp tay cho các vi phạm...

Ông Vũ Văn Tám (Thứ trưởng Bộ NN&PTNT):

Sử dụng chất cấm có thể bị truy tố trách nhiệm hình sự

Chúng tôi đã ban hành văn bản đưa chất vàng ô vào diện chất cấm, đồng thời treo thưởng cho người dân cung cấp tin tố giác hành vi vi phạm an toàn thực phẩm.

Thay vì kiểm tra theo kế hoạch như trước, chúng tôi phối hợp với lực lượng C49 của công an làm đột xuất, truy tận gốc. Chẳng hạn, sẽ lấy mẫu thịt, rau... rồi xem xuất phát từ cơ sở chăn nuôi nào, truy đơn vị cung cấp thức ăn, đơn vị nhập khẩu...

Đặc biệt, Bộ NN&PTNT cũng đã đề nghị đưa tội buôn bán chất cấm, vi phạm an toàn thực phẩm vào Bộ luật hình sự.

Thật ra, Bộ luật hình sự đã có tội này, nhưng phải có hậu quả, như phải chết người, mới đưa ra xử hình sự được. Nhưng giờ chỉ cần sử dụng chất cấm với hành vi, mức độ cụ thể đã có thể xử lý hình sự rồi.

Cầm Văn Kình/tuoitre.vn

Chia sẻ bài viết