Tiếng Việt | English

04/06/2023 - 08:19

Chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn tạo niềm tin với người tiêu dùng

Trên địa bàn tỉnh Long An hiện có 28 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn (TPAT). Đây là minh chứng cho sự nỗ lực của tỉnh trong việc xây dựng và phát triển các chuỗi thực phẩm an toàn từ trang trại đến tay người tiêu dùng. Qua đó, từng bước nâng cao giá trị các sản phẩm nông nghiệp và tạo niềm tin với người tiêu dùng.

Khi tham gia chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, sản phẩm được sản xuất theo quy trình khép kín từ đầu vào đến đầu ra

Nâng cao giá trị sản phẩm

Chuỗi cung ứng TPAT được hiểu là liên kết kiểm soát tất cả các khâu từ sản xuất ban đầu đến tiêu thụ sản phẩm như trồng trọt, chăn nuôi, đánh bắt đến thu gom, sơ chế, giết mổ, chế biến, đóng gói, vận chuyển và phân phối tiêu thụ sản phẩm. Tất cả các công đoạn này đều tuân thủ chương trình quản lý chất lượng theo kiểm soát mối nguy an toàn thực phẩm toàn bộ chuỗi, bảo đảm truy xuất nguồn gốc.

Cùng với đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp để phát triển bền vững, thời gian qua, tỉnh chú trọng xây dựng chuỗi cung ứng TPAT, khép kín từ sản xuất tới tiêu thụ, bảo đảm kiểm soát được nguồn gốc, chất lượng sản phẩm. Bên cạnh việc ban hành nhiều chính sách khuyến khích sản xuất, tạo ra sản phẩm an toàn, tiến tới liên kết sản xuất - tiêu thụ bền vững theo chuỗi TPAT, UBND tỉnh yêu cầu các ngành chức năng tăng cường công tác truyền thông, vận động và nâng cao ý thức các tổ chức, cá nhân đẩy mạnh liên kết sản xuất, xây dựng chuỗi cung ứng TPAT cho thị trường.

Công tác đào tạo, tập huấn cách thức sản xuất an toàn, bảo đảm chất lượng và truy xuất nguồn gốc như quy trình sản xuất theo GAP, HACCP, ISO,... được tổ chức thường xuyên. Nhiều diễn đàn liên kết, trao đổi làm "cầu nối" giữa doanh nghiệp với nông dân, tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận, trao đổi trực tiếp với doanh nghiệp.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh - Huỳnh Kim Toán cho biết: “Năm 2022, Chi cục hỗ trợ các địa phương xây dựng 3 chuỗi cung ứng TPAT. Lũy kế đến nay, xây dựng được 28 chuỗi rau, gạo, thịt gà, thịt heo, thủy sản an toàn. Trong đó, đa số chuỗi cung cấp về TP.HCM và 2 chuỗi về thị trường Hà Nội. Qua xây dựng chuỗi cung ứng TPAT, Chi cục hỗ trợ các cơ sở 2.061.000 tem điện tử truy xuất nguồn gốc an toàn. Đây là tiêu chí quan trọng đối với người sản xuất, kinh doanh tham gia chuỗi. Đồng thời, Chi cục thường xuyên thông tin về sản phẩm các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, thủy sản; cung cấp danh sách các doanh nghiệp có sản phẩm tham gia chuỗi để đưa lên sàn thương mại điện tử, tổ chức nhiều hội nghị hướng dẫn cơ sở đưa sản phẩm chuỗi lên sàn thương mại điện tử, hội nghị kết nối cung - cầu”.

Các sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn được đưa lên sàn thương mại điện tử

Thông qua việc xây dựng chuỗi tạo ra một lượng sản phẩm bảo đảm chất lượng, an toàn có kiểm soát; giúp cơ sở tham gia chuỗi nâng cao giá trị sản phẩm, ổn định về đầu ra, bảo đảm phát triển bền vững trong sản xuất, kinh doanh. Giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm HG (xã Mỹ Phú, huyện Thủ Thừa) - Dương Thị Trúc Giang chia sẻ: “Công ty được cấp giấy xác nhận chuỗi cung ứng TPAT năm 2022. Khi tham gia chuỗi, sản phẩm được sản xuất theo quy trình khép kín từ đầu vào đến đầu ra, kiểm soát chặt chẽ về chất lượng, an toàn thực phẩm. Từ đó, giá trị sản phẩm nâng lên, tạo dựng lòng tin đối với người tiêu dùng so với sản phẩm thông thường”.

Tạo niềm tin với người tiêu dùng

Hợp tác xã Rau an toàn Phước Hòa đạt tiêu chuẩn VietGAP và được chứng nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn

Hợp tác xã (HTX) Rau an toàn Phước Hòa (xã Phước Vân, huyện Cần Đước) là một trong những đơn vị tích cực ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất rau sạch, an toàn trên địa bàn tỉnh. Thế mạnh của HTX là sản xuất rau ăn lá, rau gia vị, rau thủy canh,... đạt tiêu chuẩn VietGAP và được chứng nhận chuỗi cung ứng TPAT. Hiện HTX có 60 thành viên với diện tích canh tác rau trong chuỗi liên kết khoảng 15ha, trong đó, có 0,2ha canh tác rau thủy canh.

Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc HTX Rau an toàn Phước Hòa - Kiều Anh Dũng cho biết: “Tham gia cung ứng rau an toàn theo chuỗi, các thành viên bảo đảm sản xuất an toàn, được hướng dẫn chọn giống có nguồn gốc, chống chịu sâu, bệnh và sạch bệnh, sử dụng phân bón hữu cơ, vi sinh. Để bảo đảm cân đối cung - cầu, HTX chủ động phân bố thời vụ hợp lý cho mỗi loại rau, củ, quả. Nhờ đó, đầu ra cũng như giá thành của sản phẩm ổn định, góp phần nâng cao thu nhập cho các thành viên”.

Thực tế cho thấy, việc xây dựng và phát triển các chuỗi cung ứng TPAT không chỉ góp phần nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững cho nông sản mà còn tạo được niềm tin của người tiêu dùng. Chị Nguyễn Thị Tuyết Hằng (phường 2, TP.Tân An) chia sẻ: “Nhiều năm nay, gia đình tôi ưu tiên sử dụng nông sản an toàn của địa phương. Mong rằng, trên địa bàn tỉnh sẽ có nhiều hơn nữa các điểm bán nông sản an toàn để người tiêu dùng thuận tiện mua sắm”.

Với mục tiêu xây dựng và phát triển chuỗi cung ứng TPAT, từ đầu năm 2023 đến nay, Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh phối hợp các địa phương khảo sát xây dựng chuỗi cung ứng TPAT tại 15 cơ sở. Qua đó, chọn ra 8 cơ sở đủ điều kiện để xây dựng chuỗi.

“Chi cục tiếp tục triển khai nghiêm túc công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm; tăng cường phổ biến, tuyên truyền các quy định, chính sách hỗ trợ trong sản xuất sản phẩm nông sản được Chính phủ, bộ và UBND tỉnh ban hành. Theo kế hoạch năm 2023, Chi cục tổ chức 16 lớp tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm, xây dựng chuỗi cung ứng TPAT cho các địa phương. Đồng thời, tuyên truyền, vận động nông dân tham gia tích cực vào sản xuất, kinh doanh TPAT; tuyên truyền lợi ích và hiệu quả khi doanh nghiệp tham gia chuỗi;…” - ông Huỳnh Kim Toán cho biết thêm.

Trong bối cảnh thực phẩm sạch, an toàn bị lẫn lộn với thực phẩm kém chất lượng, việc xây dựng và phát triển chuỗi cung ứng TPAT nhằm đưa các sản phẩm chất lượng đến tay người tiêu dùng là cấp thiết. Qua đó, góp phần tăng lợi thế cạnh tranh của các mặt hàng tham gia chuỗi, tạo đầu ra ổn định, tránh tình trạng “được mùa - mất giá”, giúp người tiêu dùng yên tâm hơn khi thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm theo chuỗi cung ứng TPAT./.

Huỳnh Hương 

Chia sẻ bài viết