Tiếng Việt | English

06/11/2018 - 14:19

Chuyển đổi cây trồng ở xã biên giới

Thực hiện Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng của địa phương, những năm gần đây, nhiều nông dân tại 2 xã biên giới Bình Thạnh và Bình Hòa Tây của huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên vùng đất lúa.

Với việc kết hợp hài hòa giữa khoa học - kỹ thuật và kinh nghiệm trong sản xuất, nhiều nông dân vươn lên làm giàu trên mảnh đất của mình, góp phần tích cực trong việc phát triển KT-XH tại địa phương.

“Lấy ngắn nuôi dài”

Đầu năm 2017, ông Nguyễn Ngọc Minh, ngụ ấp Gò Vồ Nhỏ, xã Bình Thạnh, mạnh dạn đầu tư 500 triệu đồng cải tạo 3ha đất sản xuất lúa để trồng cây ăn trái. Với phương pháp “lấy ngắn nuôi dài”, ông trồng kết hợp bưởi da xanh, ổi, chanh không hạt và dừa xiêm lùn,... vừa không để đất trống, vừa tạo nguồn thu cho gia đình. Chỉ hơn nửa năm, 700 gốc ổi bắt đầu cho thu hoạch. Hiện tại, mỗi ngày, gia đình ông bán ra thị trường vài trăm kilôgam ổi với giá trung bình 10.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, mỗi tháng, ông thu về trên 20 triệu đồng.

Trồng ổi xen với các loại cây lâu năm giúp gia đình ông Nguyễn Ngọc Minh thu về trên 20 triệu đồng mỗi tháng

Ông Minh ước tính, đến cuối năm 2018, 500 gốc chanh không hạt sẽ bắt đầu cho thu hoạch. Riêng bưởi da xanh và dừa xiêm lùn cũng đang phát triển rất tốt. Nhận thấy điều kiện thổ nhưỡng của địa phương thích hợp để trồng các loại cây ăn trái, ông mạnh dạn đầu tư cải tạo thêm 2,5ha để trồng bưởi da xanh, sầu riêng và bơ chất lượng cao 034. Nhờ cần cù, chịu khó tìm tòi, học hỏi, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, vườn cây ăn trái của gia đình ông không chỉ mang lại thu nhập cao mà còn tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động ở địa phương.

Khác với ông Minh, ông Lâm Văn Đực, ngụ xã Bình Hòa Tây, thì chọn cây sa-pô-chê để chuyển đổi cây trồng. Chỉ với 23 gốc sa-pô-chê trồng trên diện tích hơn 2.000m2 nhưng mỗi năm ông thu về vài chục triệu đồng. Theo ông Đực, loại cây này khá dễ trồng và có thể thu hoạch nhiều lần trong năm. Để có được vụ mùa bội thu, ông phải đi đến tận một số nhà vườn ở Tiền Giang để học hỏi kinh nghiệm xử lý ra trái mùa nghịch và rải vụ trong năm, đồng thời, tuyển chọn giống tốt cho năng suất cao.

Tín hiệu khả quan

Ông Lâm Văn Đực chia sẻ: “Thu nhập khi trồng cây ăn trái cao gấp nhiều lần so với sản xuất lúa. Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ lúa còn khá bấp bênh, nông dân được mùa lại lo rớt giá nên gia đình tôi mạnh dạn chuyển sang trồng cây ăn trái. Nhờ được chăm sóc kỹ, đúng phương pháp, cây phát triển tốt, việc tiêu thụ trong thời gian qua cũng tương đối dễ dàng”. Sau hơn 4 năm thu hoạch, những cây sa-pô-chê có dấu hiệu lão hóa, hiện nay, ông bắt đầu đốn bỏ và chuyển dần sang trồng sầu riêng.

Hiện nay, ông Lâm Văn Đực chuyển dần sang trồng sầu riêng

Hiện nay, ông Lâm Văn Đực chuyển dần sang trồng sầu riêng

Phó Bí thư Đảng ủy xã Bình Hòa Tây - Hoàng Thị Thùy Như cho biết, thời gian tới, thực hiện chỉ đạo của Huyện ủy, Đảng ủy xã đề ra một số giải pháp hỗ trợ người dân phát triển sản xuất. Trong đó, tập trung tuyên truyền, vận động để người dân mạnh dạn hơn nữa trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Tổ chức trình diễn các mô hình và chuyển giao khoa học - kỹ thuật để người dân nắm bắt những kỹ thuật mới áp dụng vào sản xuất, nhất là các mô hình sầu riêng mới trồng trên địa bàn. Đồng thời, tiếp tục kêu gọi doanh nghiệp đầu tư, tìm đầu ra cho sản phẩm để nông dân an tâm sản xuất.

Theo thống kê, diện tích đất lúa chuyển sang trồng cây ăn trái tại 2 xã biên giới Bình Thạnh và Bình Hòa Tây ước đạt trên 60ha. Trong đó, nông dân trồng chủ yếu các lại cây ăn trái lâu năm như dừa, bưởi da xanh, sầu riêng,... Riêng địa bàn xã Bình Thạnh có hơn 50ha thanh long ruột đỏ, một số diện tích bắt đầu cho thu hoạch và mang lại lợi nhuận khá cao cho nông dân.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Mộc Hóa khóa XI (nhiệm kỳ 2015-2020) xác định nông nghiệp vẫn là động lực chính để phát triển kinh tế huyện nhà. Chính vì thế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện tự nhiên của từng địa phương là việc làm cần thiết. Thực tế cho thấy, việc chuyển đổi cây trồng đã và đang mang lại tín hiệu khả quan. Thu nhập và đời sống người dân từng bước ổn định và ngày càng nâng lên, trong đó, nhiều hộ vươn lên khá, giàu./.

Hồng Anh - Khang Nam

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích