Thời gian qua, huyện Cần Đước tập trung đẩy mạnh thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp để đưa nền sản xuất nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, nâng cao giá trị gia tăng. Theo đó, huyện tập trung triển khai tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng chuyển đổi cây trồng có năng suất, chất lượng cao phù hợp với thị trường tiêu thụ. Đặc biệt, địa phương ưu tiên ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất, nhiều cây trồng mới: Thanh long, bưởi, rau màu các loại có diện tích, sản lượng cũng như chất lượng tăng, đáp ứng yêu cầu thị trường. Bên cạnh đó, ngành chuyên môn tăng cường chuyển giao khoa học - kỹ thuật, tổ chức các chương trình, dự án, phù hợp với thực tế, triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ nông dân trong sản xuất nông nghiệp.
Bí thư Huyện ủy Cần Đước - Nguyễn Việt Cường (bìa phải) thăm mô hình trồng thanh long ruột đỏ tại nhà ông Lê Minh Đức, ngụ ấp 4, xã Phước Tuy
Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn huyện bước đầu đạt một số kết quả tích cực, nhiều diện tích đất lúa chuyển sang trồng thanh long, bưởi, rau màu các loại,... mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, phù hợp với tình hình, đặc điểm của địa phương, đúng định hướng theo quy hoạch của huyện và lợi thế từng vùng. Diện tích thanh long trên địa bàn hiện nay khoảng 50ha, lợi nhuận bình quân từ 200-400 triệu đồng/ha/năm, cao gấp 8-10 lần so với cây lúa. Rau các loại trên 650ha, lợi nhuận bình quân từ 10-20 triệu đồng/1.000m2/vụ. Ngoài ra, một số loại cây trồng khác: Bưởi (5ha), ổi,...mang đến nhiều tín hiệu vui cho nông dân.
Ông Lê Minh Đức, ngụ ấp 4, xã Phước Tuy, huyện Cần Đước - người đầu tiên trên địa bàn huyện mang cây thanh long về trồng trên mảnh đất phèn mặn, cho biết: “Gia đình có 6.000m2 đất trồng lúa nhưng hiệu quả không cao nên tôi đến huyện Châu Thành học tập kinh nghiệm trồng thanh long của một số nông dân ở đây. Sau khi nắm kỹ thuật, tôi mạnh dạn đầu tư trồng thanh long ruột đỏ H14. Thật bất ngờ và phấn khởi, cây nhanh chóng thích nghi với đất phèn, mặn và phát triển tốt. Khoảng 2 năm, cây cho trái, mỗi năm xông đèn 2 vụ, với giá bán từ 30.000-40.000 đồng/kg, trừ chi phí, tôi có lợi nhuận hơn 200 triệu đồng/năm”.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Khang, ngụ ấp 2, xã Long Trạch, huyện Cần Đước, chia sẻ: “Trước đây, tôi trồng lúa nhưng hiệu quả không cao, nhiều lúc còn bị thua lỗ nên chuyển sang trồng bưởi da xanh. Với 10.000m2 đất, tôi cải tạo, trồng gần 500 gốc bưởi. Hiện giá bưởi da xanh dao động từ 50.000-60.000 đồng/kg, dịp tết tăng lên khoảng 80.000 đồng/kg. Tuy tôi không tính cụ thể như thế nào nhưng khẳng định thu lãi rất cao, gấp nhiều lần so với cây lúa”.
Bí thư Huyện ủy Cần Đước - Nguyễn Việt Cường đánh giá, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng thời gian qua trên địa bàn bước đầu đạt hiệu quả, nông dân tìm kiếm được thị trường, có lợi nhuận cao hơn. Bên cạnh đó, huyện triển khai Đề án Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp mang lại nhiều kết quả tích cực, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Huyện từng bước hình thành các vùng nông nghiệp sản xuất ứng dụng công nghệ cao, nông dân tham gia sản xuất có lợi nhuận cao hơn so với thông thường.
Một số nông dân huyện Cần Đước mạnh dạn chuyển sang trồng bưởi da xanh
Tuy nhiên, việc chuyển đổi cây trồng tại huyện còn gặp một số khó khăn nhất định: Nguồn vốn ban đầu cao, nông dân chưa có kỹ thuật và kinh nghiệm trong việc cải tạo đất, phương pháp trồng. Bên cạnh đó, thời tiết thay đổi thất thường gây bất lợi cho việc chăm sóc cây trồng, sâu, bệnh xuất hiện nhiều, thị trường tiêu thụ không ổn định, giá bán phụ thuộc vào thời vụ. Các hợp tác xã, tổ hợp tác còn non yếu, chưa làm tốt vai trò liên kết, hỗ trợ kinh tế hộ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Một bộ phận nông dân còn canh tác theo tập quán cũ, không tuân thủ quy trình sản xuất tiên tiến; nguồn lực hỗ trợ từ Nhà nước còn ít so với thực tế. Sự cạnh tranh không lành mạnh giữa sản phẩm an toàn, có nguồn gốc và sản phẩm không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc nên chưa tạo chuyển biến nhiều trong việc nâng cao chất lượng nông sản; hệ thống hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện,... chưa đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp.
"Tháo gỡ những hạn chế, bất cập trên, các ngành chức năng huyện phối hợp Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện có những chính sách vay vốn thích hợp cho nông dân. Phòng, ban chuyên môn thường xuyên tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ nông dân trong việc chọn giống, giúp nông dân áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để cây sinh trưởng tốt, tạo ra sản phẩm có năng suất, chất lượng, xây dựng thương hiệu riêng, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Bên cạnh đó, huyện tăng cường xúc tiến thương mại, kêu gọi doanh nghiệp về liên kết, bao tiêu sản phẩm, giúp nông dân an tâm sản xuất, nâng cao thu nhập, góp phần vào sự phát triển KT-XH của địa phương" - Bí thư Huyện ủy Cần Đước - Nguyễn Việt Cường thông tin thêm./.
Thanh Mỹ