Tiếng Việt | English

04/04/2016 - 12:01

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu

Do tác động của hiện tượng El Nino, Đồng bằng sông Cửu Long đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi hạn và xâm nhập mặn. Hạn, mặn ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sinh hoạt, sản xuất của người dân. Long An có trên 6.420ha lúa bị thiệt hại, trong đó, 1.689ha mất trắng. Theo dự báo, mặn tiếp tục xâm nhập sâu vào các tuyến sông nên toàn tỉnh sẽ có 15.630ha lúa bị ảnh hưởng, năng suất giảm từ 30-50% và hơn 30.000ha lúa có khả năng bị thiếu nước trong tháng 4. Ngoài ra, hạn, mặn còn làm giảm năng suất các cây trồng khác, ảnh hưởng trực tiếp đến các đầm tôm.

Thực trạng này đòi hỏi phải có sự chủ động dự báo, thay đổi tập quán sản xuất, cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp. Thực tế cho thấy, nông dân cũng rất linh hoạt trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi: Châu Thành chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng thanh long; Bến Lức ngoài cây mía còn chọn chanh là cây trồng chủ lực; Thủ Thừa, Đức Huệ mía được trồng trên những vùng đất sản xuất lúa hiệu quả kém; Cần Đước, Cần Giuộc phát triển diện tích rau màu; Đức Hòa, Đức Huệ phát triển đàn bò,... Việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với độc canh cây lúa. Qua đó, tăng thu nhập cho nông dân, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Tuy nhiên, việc nông dân chuyen đổi một cách tự phát, theo phong trào, không theo khuyến cáo của ngành chức năng dẫn đến việc sản xuất thiếu tính bền vững; hậu quả là điệp khúc “trồng - chặt” cứ tiếp diễn! Do vậy, Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông phải cùng vào cuộc, tạo liên kết 4 nhà; phải chủ động dự báo thời tiết, thị trường, điều kiện thổ nhưỡng, hỗ trợ kỹ thuật, vốn, xây dựng thương hiệu thị trường,... để nông dân chủ động, sáng tạo, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.

Trong tình hình hạn, mặn ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, đời sống, các cấp chính quyền và ngành chức năng tỉnh cần tính toán, điều chỉnh diện tích trồng lúa trên cơ sở quy hoạch vừa bảo đảm an ninh lương thực, đồng thời chuyển đổi sang cây trồng, vật nuôi khác phù hợp, hiệu quả kinh tế cao hơn cây lúa gắn với chương trình đột phá của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X “Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp”./.

Kim Quy 

Chia sẻ bài viết