Tiếng Việt | English

09/11/2015 - 14:45

Long An

Hiệu quả từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhất là trên đất lúa và lĩnh vực thủy sản bước đầu mang lại hiệu quả ổn định. Từ đó, diện tích chuyển đổi ngày càng nhiều, đời sống nông dân từng bước được nâng cao.


Thanh long - cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao

Chuyển đổi hiệu quả cơ cấu cây trồng

2 năm qua, tỉnh Long An đã chuyển trên 10.884,62ha đất trồng lúa sang cây trồng khác, mang lại hiệu quả cao như: Thanh long 3.624ha (lợi nhuận 350-500 triệu đồng/ha/năm), chanh 2.075ha (lợi nhuận 150-250 triệu đồng/ha/năm), bắp 276ha, mè 1.744ha, đậu phộng 22,9ha, dưa hấu 264,7ha, rau các loại 2.877ha (lợi nhuận trên 70 triệu đồng/ha/năm).

Đến nay, toàn tỉnh có 6.841ha chanh, trong đó có 4.769ha đang cho trái, tập trung ở các huyện: Bến Lức, Đức Huệ, Đức Hòa, Thủ Thừa và Thạnh Hóa. Theo anh Châu Văn Lê, ngụ ấp Gãy, xã Thuận Bình, huyện Thạnh Hóa: “Người dân trong xã đã mạnh dạn trồng chanh không hạt, mang lại hiệu quả, đời sống không ngừng nâng lên. Năm qua, 1ha chanh không hạt thu hoạch, sau khi trừ chi phí, tôi lãi trên 500 triệu đồng”.

Thanh long cũng là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Toàn tỉnh hiện có 6.849ha thanh long, trong đó, diện tích cho trái khoảng 2.869ha, tập trung chủ yếu ở huyện Châu Thành, Tân Trụ. Anh Trần Hoàng Thương, ngụ ấp Hồi Xuân, xã Dương Xuân Hội, huyện Châu Thành chia sẻ: “Những năm gần đây, thanh long được xem là cây trồng hiệu quả, người dân có kinh tế ổn định. Tôi mong thời gian tới, ngành chức năng cần có chính sách hỗ trợ người dân trong trồng trọt, ổn định đầu ra sản phẩm, để chúng tôi an tâm sản xuất”.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) - Nguyễn Thanh Truyền cho biết: “Qua gần 2 năm thực hiện kế hoạch tái cơ cấu ngành, kết quả bước đầu rất khả quan, nhiều cây trồng chuyển đổi có hiệu quả kinh tế cao, góp phần tăng thu nhập cho người dân. Sở sẽ tiếp tục kiến nghị Bộ NN&PTNT hỗ trợ kinh phí để đầu tư các dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Ngoài ra, sở đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc làm tốt công tác giống, đẩy mạnh cơ giới hóa, quản lý tốt chất lượng nông sản, đào tạo nguồn nhân lực,... để giúp nông dân sản xuất hiệu quả”.

Vùng hạ chuyển mình nhờ con tôm

Đến nay, tổng diện tích thả nuôi tôm toàn tỉnh được 7.022,7ha (kế hoạch 7.000ha), bằng 108,1% so với cùng kỳ năm 2014, tập trung chủ yếu ở các huyện: Cần Giuộc, Cần Đước, Tân Trụ và Châu Thành. Trong đó: Tôm sú 1.290,2ha; tôm thẻ chân trắng 5.732,5ha, đã thu hoạch 6.015,1ha, bằng 105,7% so cùng kỳ, năng suất bình quân ước 2 tấn/ha. Nhờ chuyển đổi sang nuôi tôm, hiện nay, đời sống người dân vùng hạ đã cải thiện rõ rệt.


Nuôi tôm giúp người dân vùng hạ ngày càng ổn định cuộc sống

Ông Nguyễn Văn Khải, ngụ ấp Hòa Quới, xã Tân Chánh, huyện Cần Đước cho biết: “Gia đình tôi có khoảng 4ha đất nuôi tôm thẻ chân trắng, trung bình hằng năm có lợi nhuận gần 200 triệu đồng. Nhờ vào con tôm mà đời sống người dân khá hơn rất nhiều, những căn nhà lá xập xệ đã được thay bằng những ngôi nhà tường khang trang”.

Còn anh Lê Thanh Nam, ngụ ấp Thuận Lợi, xã Nhựt Ninh, huyện Tân Trụ thì: “Với 2ha đất nuôi tôm, tôi thu lãi gần 100 triệu đồng/năm. Còn làm lúa thì năm nào đạt năng suất lắm cũng chỉ được vài chục triệu đồng, có năm không có lãi. Tôi thấy, việc chuyển đổi từ đất lúa sang nuôi tôm có hiệu quả cao”.

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT - Lê Văn Hoàng: Sở đã kiến nghị Bộ NN&PTNT hỗ trợ nguồn vốn cho tỉnh thực hiện kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Cụ thể, hỗ trợ 7,248 tỉ đồng thực hiện kế hoạch chuyển đổi diện tích sản xuất lúa sang trồng màu; hỗ trợ đầu tư 4 dự án xây dựng cải tạo hệ thống công trình thủy lợi phục vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa với tổng mức đầu tư 168,3 tỉ đồng: Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng thủy lợi vùng chuyên canh khóm phía Nam kênh 3-La Khoa, xã Tân Tây, huyện Thạnh Hóa; dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng thủy lợi vùng chuyên canh khoai mỡ phía Nam kênh 3-La Khoa, xã Thủy Đông, huyện Thạnh Hóa; dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật cánh đồng sản xuất ấp 2 và ấp 3, xã Mỹ Thạnh Đông, huyện Đức Huệ; dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật vùng chuyên canh cây chanh khu Cả Mướp, ấp 3, xã Bình Hòa Nam, huyện Đức Huệ. Kinh phí đề nghị bố trí năm 2015 là 50,9 tỉ đồng. Về nuôi trồng thủy sản, sở cũng có chính sách hỗ trợ thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh; hỗ trợ đầu tư xây dựng ao lắng trong nuôi thủy sản nước lợ ở các huyện vùng hạ của tỉnh.

Lê Huỳnh

Chia sẻ bài viết