Giúp nông dân chuyển đổi số
Với niềm đam mê sản xuất nông nghiệp sạch, năm 2022, anh Nguyễn Thành Phước và anh Lý Thuận mạnh dạn đầu tư nhà màng, trồng rau thủy canh theo công nghệ IoT tại phường 7, TP.Tân An, với diện tích 1.000m2, tổng kinh phí trên 2 tỉ đồng. Anh Lý Thuận chia sẻ: “Trồng rau theo công nghệ IoT là áp dụng các kỹ thuật vào quản lý môi trường, dinh dưỡng. Những thông số kỹ thuật về vườn rau được lập trình, xử lý kịp thời. Trường hợp không khí trong vườn thay đổi, thiếu độ ẩm, hệ thống sẽ hoạt động để tăng độ ẩm, điều chỉnh theo quy chuẩn. Dinh dưỡng cho rau cũng được tính toán theo từng giống và chu kỳ sinh trưởng; ở mỗi giai đoạn phát triển của cây rau, dinh dưỡng được pha chế theo công thức khác nhau. Rau trồng thủy canh trong nhà màng có ưu điểm được che chắn, không tiếp xúc với đất, hạn chế lây lan mầm bệnh nên không phải phun thuốc trừ sâu, trường hợp rau bị bệnh thì sử dụng chế phẩm sinh học. Nguồn nước trồng rau là nước máy hòa với dinh dưỡng theo công thức tự động rồi chuyển đến các máng trồng”.
Vườn rau thủy canh trồng theo công nghệ IoT của anh Nguyễn Thành Phước và anh Lý Thuận
Vườn rau của anh Thuận, anh Phước đang trồng chủ yếu 2 loại xà lách: Batavia và thủy tinh. Đây là những loại rau trồng chủ yếu ở vùng lạnh như Đà Lạt, do đó, kỹ thuật trồng rất khắt khe. Anh Phước bộc bạch: “Trước khi quyết định trồng rau thủy canh, chúng tôi tham quan, học hỏi kỹ thuật, quy trình sản xuất ở rất nhiều nơi, may mắn được nhiều người tâm huyết tận tình chia sẻ kinh nghiệm, trong đó, có Hợp tác xã Nông nghiệp Tuấn Ngọc (TP.HCM). Chúng tôi quyết định trồng xà lách Batavia và thủy tinh bởi đây là 2 giống rau chưa được trồng phổ biến trong tỉnh, có hàm lượng dinh dưỡng rất cao, tốt cho sức khỏe người tiêu dùng. Hiện xà lách Batavia có giá bán 65.000 đồng/kg, xà lách thủy tinh có giá bán 75.000 đồng/kg, thị trường tiêu thụ chủ yếu là TP.HCM với sản lượng khoảng 100kg rau/ngày”.
Nhằm giúp nông dân tăng năng suất, lợi nhuận trên cùng diện tích canh tác, huyện Cần Đước tích cực hỗ trợ thực hiện CĐS trên lĩnh vực nông nghiệp. Năm 2022, huyện triển khai 1 mô hình nhân rộng tại HTX Rau an toàn Phước Hòa (ấp 3, xã Phước Vân) với việc “Lắp đặt hệ thống tưới tự động phục vụ sản xuất rau”. Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cần Đước - Nguyễn Hồng Chương chia sẻ: “Việc sử dụng hệ thống tưới tự động giúp nông dân giảm chi phí và thời gian cho việc tưới nước, chủ động hoàn toàn trong quá trình chăm sóc rau, vận hành dễ dàng (sử dụng thiết bị điều khiển từ xa), phù hợp với lực lượng lao động lớn tuổi, góp phần tạo điều kiện cho việc mở rộng quy mô sản xuất so với trước kia”.
Huyện Tân Thạnh là một trong những địa phương có sản lượng lương thực lớn nhất tỉnh. Những năm qua, huyện tạo điều kiện cho người dân áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng vùng lúa chất lượng cao, ứng dụng công nghệ cao gắn với CĐS. Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Thạnh - Lê Phước Vẹn khẳng định: “Sản xuất nông nghiệp thời công nghệ 4.0, nông dân tiết kiệm được công lao động, chi phí sản xuất, từ đó lợi nhuận tăng. Cụ thể, 100% diện tích trồng lúa đều thực hiện cơ giới hóa từ khâu làm đất đến thu hoạch. Vụ lúa Đông Xuân 2022-2023, toàn huyện gieo sạ trên 29.400ha, năng suất lúa khô ước đạt 6,9 tấn/ha, lợi nhuận 25 triệu đồng/ha”.
Đẩy mạnh thương mại điện tử
Những năm gần đây, ngành Nông nghiệp tỉnh phối hợp ngành Công thương, Thông tin và Truyền thông đẩy mạnh CĐS, đưa các loại nông sản, sản phẩm OCOP lên các sàn thương mại điện tử (TMĐT) nhằm tạo động lực nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, ngành Nông nghiệp tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các doanh nghiệp, HTX, đặc biệt là các chủ thể tham gia chương trình OCOP cài đặt, sử dụng phần mềm nhằm chuẩn hóa quy trình sản xuất, minh bạch thông tin, mã hóa, dán tem QR truy xuất nguồn gốc, thúc đẩy tiêu thụ, nâng cao giá trị nông sản.
Đi vào hoạt động từ năm tháng 12/2021, đến nay, sàn giao dịch kết nối cung - cầu nông sản an toàn tỉnh Long An (https://nongsanantoanlongan.vn) đã hỗ trợ nhiều doanh nghiệp, HTX kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản với doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Thương mại điện tử góp phần chuyển đổi số
Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Thương mại và Đầu tư Chanh Việt (huyện Bến Lức) - Nguyễn Văn Hiển cho biết: Nếu như trước đây, các sản phẩm từ đông trùng hạ thảo của công ty chủ yếu được bày bán ở các cửa hàng, điểm kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh, thì nay, khách hàng ở khắp nơi có thể cập nhật được thông tin, giá cả, mẫu mã, chất lượng sản phẩm thông qua những “cái click chuột” đơn giản trên sàn giao dịch kết nối cung - cầu nông sản an toàn tỉnh Long An và dễ dàng đặt mua.
“Đây không những là kênh bán hàng hiệu quả mà chúng tôi còn có thể cập nhật thông tin, phản hồi của khách hàng, từ đó, rút kinh nghiệm và khắc phục những hạn chế để cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng hàng hóa, dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của người mua” - ông Hiển cho biết thêm.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Truyền thông tin: “Với mục tiêu đẩy mạnh CĐS, ngành Nông nghiệp tỉnh phối hợp các sở, ngành liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và kỹ năng ứng dụng TMĐT cho các doanh nghiệp, HTX và người dân; tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn, từng bước đáp ứng yêu cầu quản lý và nâng cao khả năng hoạt động về TMĐT.
Cùng với đó, ngành cũng đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, HTX ứng dụng TMĐT trong sản xuất, kinh doanh; xây dựng các giải pháp hỗ trợ kinh doanh trực tuyến; sử dụng chữ ký số; hóa đơn điện tử; tem điện tử; mã QR;... nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng khả năng tiếp cận thị trường trong và ngoài nước”.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến sơ kết sản xuất trồng trọt vụ Đông Xuân 2022-2023, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Minh Lâm khẳng định: Hiện nay, thị trường xuất khẩu luôn yêu cầu về mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, do đó, người dân phải thay đổi tư duy, phương thức sản xuất từ truyền thống sang kinh tế nông nghiệp, để nâng cao giá trị nông sản; đồng thời, thực hiện tốt việc truy xuất nguồn gốc, kiểm soát được an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực phẩm. Riêng ngành Nông nghiệp cần tập trung triển khai CĐS, xúc tiến TMĐT, quảng bá thương hiệu cho các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP.
CĐS đang là xu thế tất yếu của các ngành, lĩnh vực, trong đó, có nông nghiệp. Tuy nhiên, tốc độ CĐS ngành Nông nghiệp trên thực tế chưa cao, khái niệm CĐS còn mơ hồ với người nông dân, thậm chí với cả doanh nghiệp. Họ không biết phải bắt đầu CĐS từ đâu, như thế nào. Do đó, chúng ta hãy bắt tay thực hiện ngay bây giờ từ những điều nhỏ nhất như thay đổi cách nghĩ, cách làm từ truyền thống sang ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật./.
Lê Ngọc - Bùi Tùng